Quản lý sách tham khảo ngoài nhà trường: Vượt khỏi tầm của Bộ GD-ĐT

(Dân trí) - Chiều ngày 14/3, Bộ GD-ĐT đã có buổi trao đổi với báo chí nhằm phối hợp để đưa ra biện pháp quản lý sách tham khảo. Lãnh đạo các Vụ cho rằng, Bộ GD-ĐT không thể can thiệp quá sâu đối với việc thẩm định sách tham khảo vì các quy định của pháp luật.

Tại cuộc trao đổi này, lãnh đạo Vụ trung học phổ thông, tiểu học và mầm non đều thừa nhận rằng, với quy định của Luật Xuất bản thì Bộ GD-ĐT không thể can thiệp quá sâu đối với các đầu sách tham khảo (STK) ngoài trường học. Riêng đối với đầu STK đưa vào trường học thì Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo từ năm 2008.

Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, vào năm 2008, để quản lý vấn đề STK đưa vào trường học thì Bộ GD-ĐT đã ban hành nội dung văn bản số 6631 hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy học tập trong trường phổ thông ban hành từ năm 2008 mà đến nay vẫn còn tính pháp lý để thực hiện. Theo đó, với các loại STK được sử dụng trong nhà trường, hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường. Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục.

Mặc dù biết trước sự “phức tạp” của STK nên Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn rất sớm để cho các Sở GD-ĐT thực hiện. Tuy nhiên, khi được hỏi đến tính tích cực, cũng như tính hiệu quả khi thực hiện cho đến nay như thế nào thì Bộ GD-ĐT lại không có hồi có câu trả lời.

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ giáo dục trung học thừa nhận bất cập này và cho biết thời gian tới sẽ tiến rà soát lại văn bản hướng dẫn để xem còn phù hợp hay không. Nếu có bất cập sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Chỉ quản được STK vào trường học

Ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT thừa nhận, không thể quản lý hết đầu STK được vì còn có rào cản của Luật xuất bản. Tuy nhiên đối với STK đưa vào nhà trường thì Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm quản lý.

“Đối với STK đưa vào nhà trường thì Bộ GD-ĐT có thể định hướng, khuyến khích (tất nhiên là không bắt buộc) một danh mục cụ thể để các đơn vị có thể lựa chọn” - ông Hinh đề xuất.

Dưới góc độ cá nhân, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học “hiến kế”: Mỗi môn học sẽ có một số tài liệu STK nhất định và Bộ sẽ cho in danh mục STK đạt chất lượng lên trên bìa sách giáo khoa để giáo viên, học sinh, phụ huynh có định hướng lựa chọn. Những đầu STK giới thiệu phải được thẩm định.

Trước việc nhiều phóng viên cho rằng, cách làm như vậy sẽ phát sinh tiêu cực và dường như mang tính chất “độc quyền”, Vụ trưởng Định phân bua:“Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến nếu Bộ GD-ĐT đứng ra giới thiệu STK vào nhà trường. Tuy nhiên, để tránh việc STK có “sạn” như hiện nay thì việc thẩm định là cần thiết”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn thông tin: “Trước đây Bộ từng có danh mục STK đưa vào thư viện nhà trường nhưng mấy năm vừa rồi Bộ không quy định danh mục này nữa. Sở dĩ không thực hiện tiếp là do những người được đưa STK vào nhà trường thì hỉ hả, không được đưa vào lại thắc mắc, cho rằng tạo điều kiện cho tiêu cực. Chính vì thế việc quay lại “ý tưởng” trước đây cần phải được xem xét kỹ lưỡng”.

Cũng theo ông Chuẩn, hiện tại, mỗi môn học được đưa vào nhà trường đều có hội đồng bộ môn. Việc thẩm định STK hoàn toàn có thể dựa vào các thành viên của hội đồng bộ môn này. Tất nhiên phải đưa ra biện pháp “kỹ thuật” để tránh tiêu cực trong khâu thẩm định STK.

Chốt lại buổi trao đổi, các Vụ cũng cho rằng, để quản lý STK thì Bộ Thông tin - Truyền thông cần phải có chế tài đủ mạnh với những đầu sách không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó cũng cần phải thẩm định nội dung một cách kỹ càng. Ngoài ra cần xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin - Truyền thông về việc xuất bản STK cho các bậc học từ mầm non đến phổ thông. Bên cạnh đó cơ quan truyền thông cũng là kênh hữu hiệu để các bậc phụ huynh phản ánh các đầu sách kém chất lượng để cho xã hội biết để từ chối mua. Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ có ban hành các văn bản để hướng dẫn các trường thực hiện việc đưa STK vào thư viện. Bên cạnh đó, Bộ sẵn sàng chia sẽ những thông tin để định hướng xã hội.
 
Với việc chưa thể đưa ra một biện pháp hữu hiệu quản lý chất lượng STK trong thời gian tới, ông Vũ Đình Chuẩn đưa ra lời khuyên: “Ngoài sách giáo khoa, giáo viên, phụ huynh, học sinh có quyền lựa chọn tài liệu tham khảo phù hợp. Phù hợp có nghĩa là phải bám sát những kỹ năng cơ bản nằm trong chương trình cấp THPT, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh, không gây quá tải. Phải căn cứ vào tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng để lựa chọn. Còn nếu phụ huynh nào băn khoăn về việc lựa chọn tài liệu tham khảo thì tốt nhất là hãy hỏi ý kiến của giáo viên dạy lớp con em mình”.
 
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm