Phương pháp giáo dục đặc biệt của người lính già giúp “mài giũa” “thần đồng” 2 ngày lên 3 lớp

“Mà kể cũng lạ, khi tôi hỏi ý kiến đưa Thân về Hà Nội nuôi, cậu bé lại gật đầu đồng ý ngay. Bình thường, ít đứa trẻ mới 3 tuổi nào chịu xa mẹ để đi theo người lạ. Nhưng cậu bé này thì khác, nó giống như cái duyên trời định giữa tôi và cậu bé vậy”.

Đó là những lời chia sẻ chân thành của ông Cung Văn Hóa (69 tuổi) khi quyết định đưa cậu bé được mệnh danh “thần đồng” từ Thái Nguyên về Hà Nội nuôi dưỡng, dạy dỗ. Chính nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt của ông, một “viên ngọc” giữa miền sơn cước đã có cơ hội tỏa sáng.

 
Ông Hóa chia sẻ câu chuyện với phóng viên.

Ông Hóa chia sẻ câu chuyện với phóng viên.

 

“Gặp cậu bé là duyên trời định”

 

Nhiều năm qua, cậu bé Hoàng Thân (SN 2000, quê huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) được xem là “thần đồng” của Việt Nam, “Phù Đổng thời hiện đại” khi chỉ học 2 ngày nhưng “nhảy cóc” lên 3 lớp đồng thời đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo cả trong nước và trên trường quốc tế.

 

Để có được những thành công đó, một phần là nhờ tài năng thiên bẩm của cậu bé. Phần khác không kém phần quan trọng đó là sự phát hiện, cưu mang và phương pháp dạy dỗ khoa họa của ông Hóa, người vẫn được gọi với cái tên đầy cảm phục – người “mài ngọc”

 

Trong căn nhà chung cư được ông Hóa và Hoàng Thân gom góp, vay tiền mua tại Hà Nội treo đầy bằng khen, giấy khen. Mỗi bức ảnh, tấm bằng khen của Hoàng Thân đều ghi lại một dấu ấn, một hành trình cố gắng và gắn bó với người thầy đặc biệt.

 

Trò chuyện với ông, chúng tôi nhận thấy ở ông sự lạc quan, hài hước và một trí tuệ minh mẫn, uyên bác. Gấp lại cuốn sách lịch sử, ông Hóa vui vẻ nói: “Nhà có mỗi hai ông cháu ở với nhau, thành thử khi Thân đi học nhà càng vắng. Hàng ngày tôi cứ mang sách báo, rồi mấy quyển sách của cháu ra đọc cho đỡ buồn. Tranh thủ “ôn luyện” lại kiến thức để trao đổi “tay đôi” coi như vừa học vừa chơi với cháu”.

 

Nói về duyên gặp gỡ với tài năng thiên phú này, ông Hóa mỉm cười nói:  “Tôi gặp và phát hiện Thân giống như duyên trời định vậy, cũng tình cờ và bất ngờ lắm”. Năm 2003, khi ông từ Hà Nội trở về thăm chiến trường cũ và gặp lại một người bạn chiến đấu tại xã Bản Duyên (huyện Định Hóa).

 

Trong lúc hai người đang hàn huyên những câu chuyện về một thời lửa đạn thì ông bỗng giật mình khi đứa cháu ngoại của bạn mon men lại gần đọc vanh vách dòng chữ trên bao thuốc lá: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”. Không những vậy, cậu bé còn đọc được hết một tờ bao không sai một chữ nào.

 

Ông lại càng ngạc nhiên hơn khi ông ngoại Thân nói, khả năng đọc của cậu bé hoàn toàn tự có chứ không hề được ai dạy dỗ. Ông Hóa nói: “Nhìn kỹ tôi thấy đứa trẻ tuy gầy ốm nhưng hồn nhiên, đặc biệt là đôi mắt sáng lấp láy. Lúc đó tôi thấy lạ quá, miệng chỉ lẩm bẩm đây quả là một tài năng hiếm thấy”. Ngay trong hôm đó, ông Hóa đã mạnh bạo xin phép gia đình đưa cháu bé về thủ đô nuôi dạy.

 

Kể từ đó, ông Hóa không chỉ là một người ông, người cha mà còn là người thầy của cậu bé. Ở tuổi thất thập, việc chăm sóc một đứa trẻ mới hơn 3 tuổi thực sự không hề đơn giản nhưng ông Hóa vẫn không nản lòng.

 

Thấy đứa cháu nhỏ ham mê sách vở, ông Hóa dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi để mua sách cho cháu học. Ông hoàn toàn bất ngờ trước trí nhớ và khả năng học hỏi siêu phàm của cậu bé. “Cả một quyển sách tiếng Việt dày mấy chục trang, vậy mà thằng bé chỉ mất chục ngày để đọc xong. Đặc biệt khi hỏi lại từng phần nội dung cuốn sách, Thân đều có thể kể lại trôi chảy”, ông Hóa chia sẻ.
 
Bức ảnh lưu niệm chụp cậu bé Thân cùng mô hình học toán thông minh năm 5 tuổi.
Bức ảnh lưu niệm chụp cậu bé Thân cùng mô hình học toán thông minh năm 5 tuổi.

 

“Ngọc càng mài càng sáng”

 

Hoàng Thân được đặc cách vào lớp 1 trường Tiểu học Đại Kim khi mới 5 tuổi nhờ “mô hình học Toán thông minh”. Chia sẻ về điều này, ông Hóa vui vẻ: “Hoàng Thân tự mở cánh cửa bước vào trường học bằng tài năng thực sự của mình.

 

Ngày ấy, cháu nó cứ tự nhặt những nắp nhựa ở vỏ hộp thuốc mà tôi uống để làm (tất cả 100 nắp) bộ mô hình học toán thông minh. Bộ mô hình ấy có thể giúp trẻ học bảng cửu chương, thực hiện được 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia một cách dễ dàng và tính được diện tích một số hình cơ bản theo những cách mới, nhanh”.

 

Bộ đồ học tập đặc biệt ấy đã mang lại cho cậu bé giải đặc biệt trong cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2005”.

 

Nhờ khả năng vượt trội, trong vòng 2 ngày, Thân được đặc cách lên 3 lớp. Tuy không hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của nhà trường nhưng ông Hóa lại từ chối sự đặc cách ấy. Bởi ông sợ ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của cậu bé.

 

Vậy là mới 5 tuổi, Hoàng Thân đã học lớp hai. Không dừng lại ở đó, trong quá trình học tập, Thân còn liên tiếp đạt nhiều giải thưởng như: 5 năm liền đạt giải thưởng Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng (2005 – 2010), Thân là đại biểu trẻ nhất tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII năm 2010. Với những thành tích đó, Thân đã được nhiều người nhắc đến như một “thần đồng” kiệt xuất.

 

Sau khi đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo với mô hình học toán thông minh, cậu bé Thân còn dự thi 4 lần nữa tại Cuộc thi sáng tạo trẻ và đều đoạt giải. Đó là mô hình “Rừng vàng” đoạt giải Ba. Từ chiếc bản đồ Việt Nam, cậu dùng màu kết hợp với những bóng đèn nhỏ và hệ thống điện để cảnh báo tình trạng cháy rừng và lũ lụt hiện nay. Mô hình “Chiến dịch Điện Biên phủ” cũng được cậu làm từ bản đồ Điện Biên, gắn bóng đèn các màu để diễn tả diễn biến trận đánh.

 

Năm 2009, Hoàng Thân mang đến cuộc thi mô hình “Phương pháp học toán bằng hình ảnh động”. Năm 2010 này, cậu bé lại sáng tạo nên mô hình về “Hệ mặt trời và các hành tinh của nó”. Hiện tại, cậu bé Hoàng Thân đang là học sinh lớp 11 của trường THPT Lê Quý Đôn.

 

Cậu bé có được thành công như ngày hôm nay, ngoài khả năng thiên phú còn phải kể đến tâm huyết và công sức rèn giũa của người thầy là ông Hóa. Suốt 9 năm qua, ông không chỉ giúp cậu bé phát triển toàn diện về mặt tài năng mà còn dạy dỗ cách đối nhân xử thế.

 

Biết Thân đi học trước tuổi và vẫn còn là một đứa trẻ con nên ông Hóa “không đặt cho cháu những yêu cầu quá cao, có thể gây chán nản”. Nhắc tới chuyện này, thoáng nét suy tư, ông Hóa chia sẻ cũng vì mang tiếng “thần đồng” nên nhiều khi Thân nhiều cũng bị áp lực không nhỏ.

 

“Có lần Thân đã nghỉ học vài ngày liền. Khi tôi gặng hỏi nguyên nhân mới vỡ lẽ, biết khả năng về vi tính của cháu nên một cô giáo đã bảo cháu làm một phần mềm học tập. Tuy nhiên, việc này dường như vượt qua khả năng của cháu. Nó bảo không làm được việc, sợ bị cô giáo quở mắng nên trốn học”.

 

Vì thế ông bảo: “Không nên đặt cho cháu những yêu cầu quá cao so với bình thường, khiến cháu thấy nặng nề về tâm lý mà chán nản học hành”. Và trong mọi thời điểm, ông luôn bên cạnh động viên, gỡ rối và giúp đỡ Thân.

 

Đặc biệt, từng là một người lính nên ông thường hướng Thân học và tìm hiểu lịch sử nước nhà. Ông Hóa cũng đã cùng Hoàng Thân sáng tạo ra những mô hình khoa học gắn liền với lịch sử như Rừng vàng, Trận đánh Điện Biên Phủ và trận đánh quân Nguyên Mông đều được giải thưởng Vừ A Dính.

 

“Việc sáng tạo ra những mô hình có ý nghĩa, lại mang tính chất vừa chơi vừa học khiến Thân rất hứng thú. Theo tôi, đây là cách dạy hay, không khuôn mẫu giúp trẻ nhỏ tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất”, ông Hóa cho biết.

 

Cũng theo ông Hóa, Thân vốn người dân tộc nên thường ít nói nhưng sống rất tình cảm. Mặc dù ông gửi gắm ở cậu bé rất nhiều hi vọng nhưng ông cũng không muốn người ta quá tôn sùng cậu bé hai chữ “thần đồng”. Bởi theo ông, đó là một mỹ từ có giá trị tôn vinh nhưng cũng là một áp lực đối với Thân.

 

Năm 1995, ông Hóa phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Các bác sĩ của  Bệnh viện Việt - Xô đều lắc đầu vì bệnh đang trong giai đoạn di căn. “Nhưng từ khi gặp Hoàng Thân, đưa Thân về nuôi dưỡng và dạy dỗ, thật trùng hợp bệnh của tôi có dấu hiệu thuyên giảm. Thời gian sau, tôi đi chụp lại thì các bác sĩ ngạc nhiên thông báo rằng, khối u của tôi đã dần teo nhỏ và biến mất.

 

Quá bất ngờ, có thể do tôi hợp thuốc trong quá trình điều trị, cùng với việc rèn luyện giúp tôi đẩy lùi bệnh tật. Nhưng ngẫm kỹ tôi tự thấy, cũng có thể do tôi ăn ở phúc đức nên trời thương. Tôi năm nay tuổi cũng đã cao, ông trời cho sống đến ngày được nhìn thấy Thân trưởng thành như thế này là tôi mãn nguyện lắm rồi”, ông Hóa chia sẻ.

 

Theo Nguyễn Minh

Gia đình & Xã hội