Phụ huynh than bất cập chuyện học liên kết, trường xếp quá 7 tiết/ngày

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Phụ huynh của Trường Tiểu học Mỹ Thủy (TP Thủ Đức, TPHCM) phản ánh thời khóa biểu sắp xếp chưa hợp lý ở các chương trình nhà trường gây bất tiện cho quá trình đưa đón trẻ.

Điều chỉnh sau kiến nghị của phụ huynh

Phản ánh tới báo Dân trí, chị Trần Mai (* tên đã được thay đổi) - phụ huynh lớp 2, Trường Tiểu học Mỹ Thủy - bày tỏ nhiều vấn đề bất cập liên quan tới các nội dung giáo dục trong chương trình nhà trường.

Theo chị Mai, thời gian qua, trường triển khai nhiều môn học như: Kỹ năng sống, stem, toán tư duy, tiếng Anh với người nước ngoài, IC3... nhưng chưa có sự thống nhất, đăng ký của nhiều phụ huynh.

Bên cạnh đó, những tiết học này được sắp xếp đan xen vào thời gian chính khóa, dẫn đến có những buổi phải học tiết thứ 5, thời khóa biểu quá 7 tiết/ngày.

"Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TPHCM, các trường tiểu học dạy không quá 7 tiết/ngày nhưng trường vẫn sắp xếp nhiều hơn. Bên cạnh đó, những học sinh không đăng ký học cũng phải đợi các bạn học hết tiết mới được về", chị Mai bày tỏ.

Phụ huynh than bất cập chuyện học liên kết, trường xếp quá 7 tiết/ngày - 1

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thủy, TPHCM trong một tiết học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Anh Phạm Thắng (*) - phụ huynh lớp 1 - thắc mắc về chương trình tin học theo chuẩn quốc tế IC3 là quá sức với học sinh.

"Các con lớp 1 còn chưa biết đọc, biết viết đã lên lịch học môn IC3. Khi phụ huynh phản đối chuyện học IC3 là quá sức với lớp 1 và lớp 2, nhà trường lại thay bằng môn tin học với mức chi phí rẻ hơn. Tôi thấy, các con học quá nhiều. Chương trình chính của Bộ GD&ĐT không bắt buộc sao yêu cầu các con học?", anh Thắng bày tỏ.

Về trình độ giáo viên, phụ huynh Trúc Lan (*) cho biết nhiều môn như kỹ năng sống, stem được giao cho giáo viên chủ nhiệm dạy nhưng các cô đều không chuyên về những nội dung này.

Trả lời thắc mắc trên, bà Lâm Bá Dương Đông - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thủy - khẳng định việc triển khai các loại hình học tập đều đã được nhà trường thông báo tới phụ huynh ở các cuộc họp vào tháng 8, 9.

Trong tháng 9, nhà trường tiến hành các mô hình học tập cho tất cả học sinh để trải nghiệm, hiểu rõ các môn học, các bạn không đăng ký vẫn được học tập, không phân biệt, không thu tiền.

"Trong tháng 10, nhà trường sẽ phân loại để triển khai cụ thể hơn. Những học sinh khó khăn về kinh tế nhưng vẫn muốn theo học sẽ được nhà trường lập danh sách và tìm biện pháp hỗ trợ.

Những học sinh không có nhu cầu học, phụ huynh có thể đón về sớm hoặc được bố trí không gian riêng để chờ phụ huynh tới đón. Thời khóa biểu tháng 10 cũng đã được điều chỉnh để phù hợp hơn trên tinh thần tiếp thu ý kiến của phụ huynh", bà Đông nói.

Phụ huynh than bất cập chuyện học liên kết, trường xếp quá 7 tiết/ngày - 2

Trường Tiểu học Mỹ Thủy, thành phố Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Trước thắc mắc của phụ huynh về trình độ của giáo viên, đại diện lãnh đạo nhà trường khẳng định giáo viên của trường đều được học bài bản về sư phạm, được đào tạo nhiều kỹ năng. Trong các dịp hè, giáo viên được học bổ sung kiến thức, tập huấn chuyên môn về dạy kỹ năng sống, stem..., nội dung giảng dạy cũng được cập nhật liên tục nên không mới mẻ với người dạy.

Sau khi phụ huynh nêu ý kiến, nhà trường đã trao đổi lại với các trung tâm, giáo viên nào có năng lực, phụ huynh đồng thuận thì vẫn để giáo viên dạy, lớp nào không đồng ý sẽ bố trí giáo viên của các trung tâm tới dạy.

Giải thích về chương trình học IC3 hay môn tin học với lớp 1 và lớp 2, bà Lâm Bá Dương Đông cho hay hiện nay, học sinh ở lứa tuổi lớp 1 và lớp 2 đã tiếp xúc nhiều với công nghệ. Do đó, việc làm quen, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho các em sử dụng tin học, công nghệ một cách an toàn là cần thiết.

Việc tiếp xúc môn tin học sớm cũng giúp các em có sự chuẩn bị tốt với chương trình tin học bắt buộc ở lớp 3, là bước đệm, làm quen với chương trình quốc tế.

Bà Dương Đông thông tin, ở những năm học trước, tỷ lệ học sinh từ lớp 3 tham gia thi để lấy chứng chỉ IC3 theo chuẩn quốc tế của trường này đạt 90%, trong đó, tỷ lệ đạt kết quả trên 95%.

"Điều này phần nào cho thấy việc nhà trường định hướng học tập tin học sớm cho học sinh có hiệu quả", bà Dương Đông nói.

Khó sắp xếp chuyện ăn bán trú

Nhiều phụ huynh trong trường cũng phản ánh vấn đề tổ chức ăn bán trú khi học sinh phải chia 2 ca hoặc ăn tại lớp học, không đảm bảo quy định.

Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàng Oanh lý giải: "Nhà trường có gần 1.000 học sinh của 30 lớp đăng ký bán trú. Do đó, diện tích, công suất của nhà ăn sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh là ăn đồng loạt 1 ca. Nhà trường buộc phải chia 2 ca luân phiên để đảm bảo theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm".

Phụ huynh than bất cập chuyện học liên kết, trường xếp quá 7 tiết/ngày - 3

Một ca ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thủy (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Việc học sinh lớp 1 được ăn tại lớp, phó hiệu trưởng cho rằng đầu năm học, do các bé còn chưa quen với nề nếp, tác phong và đường đi nên nhà trường bố trí ăn tại lớp nhằm thuận tiện, không mất nhiều thời gian. Sau khi các bé ổn định, nhà trường sẽ sắp xếp lại.

Về phản ánh thực đơn chưa đa dạng, cơm khô..., đại diện nhà trường cho hay thực đơn được xây dựng theo hướng dẫn về bữa ăn học đường. Sau mỗi bữa ăn, giáo viên và đại diện bếp ăn đều lắng nghe, quan sát học sinh để điều chỉnh cho phù hợp.

Phụ huynh than bất cập chuyện học liên kết, trường xếp quá 7 tiết/ngày - 4

Thực đơn của Trường Tiểu học Mỹ Thủy được công khai ở khu vực cổng trường (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Cùng với đó, nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện chế độ kiểm tra ba bước và lưu mẫu thức ăn theo Quyết định 1246/QĐ-BYT ban hành ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng có lịch tham quan bếp ăn định kỳ.

Về vấn đề hạn chế học sinh sử dụng đèn, quạt trong giờ ra chơi, đại diện ban giám hiệu cho biết nhà trường khuyến khích tinh thần tiết kiệm điện. Giờ ra chơi, giáo viên thường hướng dẫn các bé ra sân chơi để được hoạt động thể chất, đồng thời, việc hạn chế sử dụng điện, quạt cũng muốn giáo dục cho học sinh tinh thần tiết kiệm điện, nước, ý thức tiết kiệm, bảo vệ tài sản chung.

Giải quyết việc thiếu giáo viên chủ nhiệm đứng lớp

Theo phụ huynh phản ánh, lớp 1/2 hiện không có giáo viên chủ nhiệm đứng lớp nên việc học tập, quản lý lớp bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 nghỉ đột xuất, do đó, từ ngày 4/10, nhà trường đã phân công 1 phó hiệu trưởng xuống dạy để ổn định tình hình lớp.

Ngày 12/10, trường tuyển dụng được giáo viên theo lịch của Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức. Hiện tại, đang chờ kết quả và quy trình của UBND TP Thủ Đức phê duyệt. Sau đó, nhà trường sẽ bố trí giáo viên vào lớp để phụ huynh yên tâm.

Nhà trường đã tổ chức họp và trao đổi với phụ huynh rõ ràng về vấn đề này, phụ huynh thống nhất trên tinh thần vui vẻ, chia sẻ với nhà trường.

(*) Tên phụ huynh đã được thay đổi