Phụ huynh "ghé vai" lo bữa ăn cho trẻ mầm non vùng khó

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ là một trong những hoạt động trọng tâm ở cấp học này, trong đó, tổ chức các bữa ăn bán trú đóng vai trò quan trọng.

Phụ huynh ghé vai lo bữa ăn cho trẻ mầm non vùng khó - 1

Bữa ăn bán trú tại Trường MN Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TG)

Đổi thay tích cực

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT): Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Chính phủ đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng GDMN. 

Các cơ sở GDMN đã thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường, bảo đảm đủ dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn được liên ngành thực hiện thường xuyên và huy động sự tham gia của phụ huynh.

Các hình thức tổ chức bán trú linh hoạt đã góp phần quan trọng trong việc tăng số trẻ được ăn bán trú hằng năm, duy trì tỷ lệ chuyên cần, trẻ được học 2 buổi/ngày và góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết: Thực tế cho thấy, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ. Nhiều nhà trường tích cực đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn, tận dụng diện tích đất của nhà trường xây dựng mô hình vườn rau sạch; huy động phụ huynh tăng gia sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhà trường để bảo đảm chất lượng bữa ăn.

Với những trường còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, chúng tôi chỉ đạo huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để xây mới, cải tạo bếp ăn, tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Phối hợp gia đình, cộng đồng, nhà trường

Theo số liệu của Vụ GDMN, vẫn còn không ít khó khăn trong việc tổ chức bán trú. Đó là tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú ở một số địa phương còn thấp so với toàn quốc, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện Chương trình GDMN (tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, tỷ lệ chuyên cần…) và sự tăng trưởng của trẻ (tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi cao).

Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn hạn chế. Nhiều trường mầm non, nhà bếp chưa đáp ứng quy định về bếp một chiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phụ huynh ghé vai lo bữa ăn cho trẻ mầm non vùng khó - 2

Bữa ăn của trẻ Trường MN Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: TG)

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mầm non của đội ngũ giáo viên.

Ở một số cơ sở GDMN, người được giao phụ trách nuôi dưỡng chưa có kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe; chưa chú trọng việc lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hàng ngày…

Cùng với đó, công tác tuyên truyền phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phải hiệu quả hơn; giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng về các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. 

Cô Hoàng Vân - Hiệu trưởng Trường MN Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Chúng tôi tuyên truyền tới phụ huynh về kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Nhà trường sát sao thực hiện các biện pháp quản lý, thực hiện việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ  bảo đảm chất lượng theo quy định của Chương trình GDMN, an toàn thực phẩm. Nhà trường cũng chủ động thảo luận vấn đề xây dựng mô hình phối hợp gia đình, nhà trường cộng đồng tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.

NGƯT Đặng Lộc Thọ - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục ngành học MN cho rằng: Để nâng cao bữa ăn bán trú cho trẻ, cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ, đặc biệt là  lồng ghép giáo dục dinh dưỡng trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường, lồng ghép giáo dục dinh dưỡng - vận động để nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam.

Cần huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của nhà trường, cũng như huy động nhân lực, kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi giúp cơ sở GDMN tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.