Phong trào 3 đủ “cứu” học trò nghèo

(Dân trí) - Từ phong trào “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở), nhiều học sinh nghèo đã không phải nghỉ học giữa chừng. Và hơn hết, tình cảm giữa thầy và trò, giữa trò và trò càng thêm gắn bó, nghĩa tình.

Phong trào 3 đủ “cứu” học trò nghèo
Phong trào "3 đủ" đã gắn kết thêm tình thầy trò, tình cảm tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn giữa các em học sinh Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Hình thành từ năm 2010, đến nay, phong trào “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) đã trở thành phong trào hoạt động thường xuyên ở các trường học huyện Nam Đàn (Nghệ An). Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã tiếp tục được đến trường nhờ sự tiếp sức của thầy cô giáo và các bạn cùng trường.

Trong 2 năm liền, chị em Lê Hữu Anh Vũ (lớp 8A, Trường THCS Kim Liên, Nam Đàn) phải chịu hai đại tang của bố và mẹ. Mất bố mẹ, mất chỗ dựa tinh thần, sự học của các em đứng trước nguy cơ đứt gánh giữa chừng. Biết hoàn cảnh của chị em Vũ, một đơn vị ở Bình Dương đã đón chị của Vũ là Lê Thị Vân Anh vào Bình Dương nuôi ăn học. Vũ ở nhà với bà nội già yếu. Bà thương cháu nhưng tuổi già sức yếu nên cũng lo cho cháu ngày 3 bữa cơm cũng đã quá sức.

Cùng trường với Vũ còn có em Vương Thị Thùy Trang (lớp 7B) cũng mồ côi cả bố và mẹ, hiện phải ở với ông bà nội. Dù rất khó khăn nhưng Vũ và Trang đều cố gắng đến trường và đạt được một số thành tích trong học tập. Thương các em sớm phải chịu thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, các thầy cô giáo trong trường, các bạn học đã góp tiền mua sách vở, quần áo, đóng giúp hai em một số khoản tiền bảo hiểm để vơi bớt khó khăn trên con đường tới trường.

Không chỉ quyên góp, ủng hộ Vũ và Trang, các thầy cô giáo ở Trường THCS Kim Liên còn đỡ đầu cho một số học sinh khó khăn khác trong trường. Cô Phạm Thị Ngọc đã bớt chi tiêu, dành tiền mua quần áo, đóng học phí cho hai anh em Trần Trọng Thắng, Trần Trọng Đại (lớp 7D). Các thầy cô giáo trong trường cùng các em học sinh đã quyên góp được hơn 10,5 triệu đồng ủng hộ cho gia đình các em Phạm Hồng Đô (lớp 6B), Nguyễn Thị Thu Trang (lớp 8B), Nguyễn Thị Thảo Ly khi gia đình các em gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất.

Phong trào 3 đủ “cứu” học trò nghèo
Mồ côi cả bố lẫn mẹ, con đường đến trường của chị em Lê Thị Vân Anh, Lê Hữu Anh Vũ (Trường THCS Kin Liên) không phải đứt gánh giữa đường nhờ vòng tay yêu thương của thầy cô, bè bạn. 

Cô Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Làng Sen (Nam Đàn) cho biết: “Hiện này, trường có 19 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Để các em tiếp tục được đi học, nhà trường thường xuyên hỗ trợ các em sách vở, giảm cho các em 50% tiền học buổi thứ hai. Học sinh và giáo viên trong trường cũng góp tiền hỗ trợ các em khi Tết đến hay những lúc khó khăn đột xuất. Nhiều cô giáo đã trích tiền lương của mình để giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, trong khi chính cô giáo cũng chưa phải đã hết khó khăn, như cô giáo Hoàng Thị Hảo giúp đỡ em Hoàng Trọng Nghĩa; cô giáo Thái Thị Bích Vinh giúp đỡ em Trần Thị Bình…”.
 

Trong năm học 2007 - 2008, toàn huyện Nam Đàn (Nghệ An) có 335 học sinh bỏ học (trong đó có 5 học sinh tiểu học, 78 học sinh THCS và 252 học sinh THPT). Đến năm học 2009 - 2010 có 107  bỏ học (trong đó 9 học sinh khối THCS, 98 học sinh THPT). Số học sinh phải bỏ học giữa chừng ở năm học 2012 - 2013 chỉ còn 5 học sinh (2 học sinh THCS và 3 học sinh THPT) và từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay không có học sinh nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Trường THCS Xuân Lâm hiện có 306 học sinh thì có tới 45 em thuộc hộ nghèo. “Mấy năm nay, năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học là nhà trường phối hợp với tổ chức đội phát động phong trao “Vòng tay bè bạn”; phối hợp công đoàn nhà trường quyên góp trong cán bộ, giáo viên “vì ba đủ của học sinh”. Các thầy cô giáo đều không nhận tiền thù lao khi dạy thêm cho các học sinh nghèo. Mới cách đây mấy hôm, cả thầy và trò đã quyên góp được 3,2 triệu đồng mua 22 suất quà tặng các em học sinh có nguy cơ “không có Tết”, thầy Nguyễn Cảnh Tứ (Hiệu trưởng THCS Xuân Lâm) cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Thái đã nhiều năm nay trích một phần tiền lương của mình mua áo quần tặng các em học sinh nghèo trong xã. Cô còn nhận hỗ trợ 9 tháng/năm tiền ăn cho 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn hay tặng 1 triệu đồng cho gia đình em Lê Văn Thái (xóm 6, Nam Thái) khi bố Thái mắc bệnh nan y.

Cô Nguyễn Thị Vân - giáo viên Trường Tiểu học Nam Lộc đã nhận dạy kèm học sinh nghèo, học sinh con gia đình chính sách tại nhà riêng mà không thu tiền. Cô giáo Lê Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Long đã cưu mang học sinh có hoàn cảnh éo le. Các cô giáo ở Tường Mầm non Hùng Tiến nhận đưa đón trẻ tới lớp thay cho cha mẹ các cháu trong những ngày mùa. Các thầy cô giáo ở Vân Diên, Nam Thanh... đã mở các lớp học thân thiện, xây dựng tủ sách thân thiện phục vụ học sinh, giúp các em vươn lên trong học tập.

Nói về phong trào “3 đủ” trong trường học, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Đàn cho biết: Cái được lớn nhất của phong trào 3 đủ là đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các em học sinh và cán bộ, giáo viên trong các trường học. Sức lan tỏa của phong trào đã góp phần giáo dục các em học sinh tình cảm tương thân, tương ái, chia sẻ và giúp đỡ các bạn học có hoàn cảnh hết sức khó khăn, thắt chặt tình cảm, trách nhiệm của thầy với trò, trò với trò. Nhờ phong trào “3 đủ”, hay nói cách khác là nhờ sự tiếp sức của thầy cô giáo và các bạn, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã không phải nghỉ học.

Hoàng Lam - Phạm Huy 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm