Phép màu nào cho những thí sinh khiếm thị?

(Dân trí) - Hình ảnh thí sinh khiếm thị “vượt khó” quyến tâm đến với giảng đường ĐH không phải là điều hiếm gặp ở những mùa tuyển sinh. Với tâm niệm giản dị là trang bị thêm kiến thức giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ nhưng để thực hiện điều đó vẫn cần một phép màu.

“Cuộc chiến” không cân sức

So với hơn 1 triệu thí sinh khác thì những sĩ tử khiếm thí thiệt thòi gấp hàng chục lần. Để có thể dự kì thi ĐH các em đã phải “khổ luyện” tiếp nhận kiến thức và cũng tạo cho mình những kỹ năng hết sức “đặc biệt”.

Ở kì thi tuyển sinh năm 2010, gần 20 thí sinh khiếm thị bước vào kì thi ĐH trong đó ĐH Huế vẫn là nơi có truyền thống tổ chức kì thi cho nhiều thí sinh đặc biệt nhất (có 9 thí sinh). Hầu hết các thí sinh khiếm thị đều chọn giải pháp là dự thi khối C bởi nó gồm các môn thi khá phù hợp. Song so với những thí sinh khác thì các sĩ tử khiếm thị khi dự thi khối C vẫn thiệt thòi vì thời gian làm bài là như nhau trong khi các em lại thực hiện nhiều khâu từ viết chữ Brai cho đến phải ghi âm bài làm của mình vào băng.

Tuy nhiên cũng có những thí sinh khiếm thị do niềm đam mê từ nhỏ nên cũng đã thử sức mình ở khối thi gian nan hơn đó là khối A, B.

HV Hành chính Quốc gia từng được Bộ GD-ĐT quan tâm khá nhiều khi mà trường tiếp nhận tổ chức thi cho thí sinh khiếm thị Hoàng Minh Quang quê ở Hòa Bình. Sở dĩ có sự quan tâm này vì đây là năm đầu tiên trường tổ chức cho một thí sinh dự thi khối A nhưng lại bị khiếm thị.

Khi chứng kiến Quang dự thi, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã khá cảm phục trước quyết tâm của em. Khác với các thí sinh khác là có sự hỗ trợ đắc lực của máy tính cầm tay thì Quang chỉ có biện pháp duy nhất là tính nhẩm và nhớ liên tục. Một điều quá khó đối với những người sáng mắt huống hồ là Quang.

Sau kì thi ĐH đợt 1 Quang chia sẻ là do phương pháp thi lạ so với hồi học THPT (hồi học phổ thông Quang được thầy cô bấm giúp máy tính) nên kết quả làm bài không tốt. Tuy nhiên em vẫn quyết tâm dự thi đợt 2 khối B vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Kết quả của Quang ở kì thi ĐH không cao. Với số điểm 7,5 ở HV Hành chính Quốc gia và 10,5 ở trường ĐH Sư phạm HN thì cánh cửa đến với trường ĐH của Quang đã tạm khép lại tuy nhiên với việc được ưu tiên khu vực KV1 thì em vẫn còn nhiều cơ hội khi tham gia xét tuyển vào các trường CĐ.

Cùng chung với Quang những thí sinh khiếm thị dự thi khối C mặc dù lợi thế hơn nhưng kết quả làm chẳng khá hơn là bao. Đa phần các em đều đạt tổng điểm 3 môn dưới 10. Một phần ít thí sinh khiếm thi dự thi khối này thể hiện được mình và đã thực hiện được ước mơ của mình. Chẳng hạn như em Vũ Văn Tuấn- quê ở Thanh Hóa đỗ vào trường ĐH Khoa học Huế (Tuấn đạt tổng điểm 3 môn thi khối C là 14,0)

Và những giấc mơ cần một “phép màu”

Việc thí sinh khiếm thị đỗ ĐH quả là chuyện “kì tích”. Tuy nhiên kì tích đó có tiếp tục được phát huy trong suốt quãng đường học ĐH hay không thì còn nhiều điều đáng nói.

Lãnh đạo của nhiều trường ĐH đều cho rằng, nếu như ngày trước việc thí sinh khiếm thị đầu đơn dự thi ĐH là một điều gì đó rất đặc biệt nên các trường ưu ái bằng cách đề xuất với Bộ GD-ĐT cho phép tuyển thẳng sau khi kiểm tra một số yêu cầu cần thiết. Song hiện nay đối tượng này đi dự thi khá đông nên không có sự phân biệt hay ưu ái trong tuyển sinh. Tuy nhiên nếu các em trúng tuyển thì các trường sẵn sàng tạo điều kiện tối đa để các em học tập tốt nhất.

Quan điểm của các trường là như vậy nhưng trên thực tế các thí sinh khiếm thị phải tự vận động bản thân để có đáp ứng được việc học tập bởi sẽ không có giáo trình hay phương pháp đào tạo riêng dành cho các thí sinh này.

Việc học đã khó nhưng điều khó hơn hết là cơ hội việc làm của sinh viên khiếm thị sau khi tốt nghiệp còn “chênh vênh” hơn.

Theo T.S Nguyễn Văn Hiền, cán bộ quản lý ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì ngành nghề phù hợp nhất với thí sinh khiếm thị hiện nay đó chính là ngành giáo dục đặc biệt. Ở ngành học này các em dễ có cơ hội việc làm hơn và hơn hết các em được tiếp cận với môi trường của những người cùng cảnh ngộ.

Tuy nhiên, không hẳn thí sinh khiếm thị nào cũng lựa ngành nào này mà lại lựa chọn các ngành học khác. Chính vì thế không ít sinh viên tốt nghiệp ra trường đều không có việc làm bởi rất ít đơn vị tuyển dụng tiếp nhận.

Một trong những giải pháp mà nhiều sinh viên khiếm thị tốt nghiệp ĐH hiện nay đó là mở công ty riêng để có thể phát huy kiến thức đã học của mình nhưng số đó không nhiều. Đa số các em đều phải mưu sinh bằng lại chính những ngành nghề “truyền thống” như làm tăm tre, tẩm quất…cho dù trong tay có 1 đến 2 tấm bằng ĐH.

Cựu sinh viên khiếm thị H từng bộc bạch chia sẻ: “Nếu biết người khiếm thị xin việc khó khăn như thế này thì em đã không đi học ĐH. Gian nan, khó khăn cộng thêm tốn kém về tiền bạc để rồi kết cục tầm bằng ĐH có cũng như không”.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm