Phát triển ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Dự án ECORED (European quality COurse system for Renewable Energy Development/ ECO-RED) là một Dự án thuộc Chương trình Erasmus+ Key Action 2 (Hợp phần Nâng cao Năng lực giáo dục đại học) do Cộng đồng Châu Âu tài trợ với tổng ngân sách được phê duyệt là 970.000 euro (hơn 23 tỷ đồng).
Tham gia Dự án gồm 3 trường đại học kỹ thuật trọng điểm ở 3 miền của Việt Nam là Đại học Bách Khoa Hà Nội (trường điều phối tại Việt Nam), Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ và 3 trường đại học Châu Âu gồm Đại học Sapienza Roma – UNIROMA1 (trường điều phối tại Châu Âu); Đại học Síp – UCY và Đại học Jagiellonian – JU, Ba Lan.
Trong khuôn khổ Dự án, phiên họp khởi động mở đầu cho các hoạt động tại Việt Nam và Châu Âu đã diễn ra từ ngày 8 – 11/12/2015 tại Trường ĐHBK Hà Nội. PGS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội cho biết, năng lượng tái tạo là ngành học đang được quan tâm tại Việt Nam nhưng chưa có một chương trình đào tạo chuyên ngành năng lượng tái tạo nào được giảng dạy tại các trường đại học của Việt Nam. Trường ĐHBK Hà Nội đánh giá cao Dự án ECO RED, sự hợp tác tích cực của các đối tác Châu Âu cũng như sự hỗ trợ của Uỷ Ban Châu Âu trong việc xây dựng và triển khai Dự án nâng cao năng lực đào tạo này cho các trường đại học của Việt Nam.
Đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, ông Phạm Hồng Sơn – Tổng Giám đốc GE Việt Nam cho biết năng lượng đang là một trong những thách thức phát triển quốc gia của Việt Nam và nhu cầu về nhân lực hoạt động trong ngành năng lượng nói chung và ngành năng lượng tái tạo nói riêng tại Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng lên nhanh chóng. Dự án ECO – RED khởi động mang đến cơ hội cho doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và GE sẵn sàng hợp tác với các trường đại học để cùng thiết kế kế các khoá đào tạo định hướng doanh nghiệp, cũng như cung cấp môi trường thực tập cho các sinh viên tương lai của Dự án.
Các thành viên của Dự án đang thảo luận.
Trong khuôn khổ của Dự án, các trường đại học thành viên sẽ tiến hành khảo sát về nhu cầu và các đòi hỏi của thị trường lao động trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo; khảo sát nhu cầu và thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy phục vụ cho các khóa đào tạo về Năng lượng tái tạo tại 3 trường thành viên Dự án tại Việt Nam. Trên cơ sở các kết quả khảo sát thu được, Dự án sẽ xây dựng 5 modules chuyên ngành năng lượng tái tạo theo chuẩn đào tạo của Châu Âu (giáo trình, phương pháp giảng dạy, thiết bị giảng dạy…), đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của thị trường lao động và nhu cầu đào tạo của các trường đại học Việt Nam. Các khoá học này dự kiến chính thức được đưa vào giảng dạy cho các sinh viên đại học chính quy tại 3 trường thành viên Việt Nam vào đầu năm học 2017-2018. Sinh viên tham gia khóa đào tạo năng lượng tái tạo này sẽ có cơ hội tham dự các bài giảng trực tuyến của các giáo sư hàng đầu Châu Âu và những sinh viên xuất sắc nhất của Khóa học sẽ được tài trợ tham dự một khóa học ngắn về Năng lượng tái tạo tại 3 trường thành viên Châu Âu vào cuối Dự án.
Dự kiến dự án sẽ diễn ra từ 10/2015 đến 10/2018.