Ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm:
Phát huy nội lực để thích ứng linh hoạt với công tác dạy học thời Covid-19
Trong mùa dịch Covid-19, thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế...
Trường lớp vốn là không gian quen thuộc đối với mỗi học sinh và bục giảng với phấn trắng bảng đen từ bao đời nay đã là nơi gắn liền với sự nghiệp trồng người của mỗi thầy cô giáo. Dẫu vậy, dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến hoạt động dạy và học hoàn toàn thay đổi.
Khi các em học sinh đã bước sang tháng thứ 3 nghỉ tại nhà thì "bục giảng" dẫu ở đâu, các thầy cô giáo vẫn là những "chiến sĩ" và việc dạy và học qua truyền hình, dạy và học trực tuyến, dạy học từ xa đã nhanh chóng trở thành những khái niệm rất quen thuộc với thầy và trò ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm. Phát huy nội lực và truyền thống dạy hay học tốt của quận trung tâm Thủ đô, lá cờ đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội 10 năm liên tục, thầy và trò các trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tích cực, chủ động biến khó khăn thành cơ hội, biến thách thức thành động lực để phát triển, để bứt phá mạnh mẽ giáo dục trong thời đại 4.0.
Tập huấn các công cụ dạy học trực tuyến hiệu quả, đảm bảo an toàn
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành Giáo dục và Đạo tạo quận Hoàn Kiếm đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học qua internet, trên truyền hình đã được thực hiện một cách hệ thống, bài bản và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của việc tổ chức công tác dạy và học trong giai đoạn học sinh nghỉ ở nhà để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và những lo ngại về lỗ hổng bảo mật của một số phần mềm dạy học đang được sử dụng phổ biến, đồng chí Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang đã trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác Công nghệ thông tin của ngành tổ chức tập huấn "Triển khai các giải pháp áp dụng các phần mềm tiện ích trong quản lí và dạy học online" cho các đồng chí cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán về công nghệ thông tin và các giáo viên bộ môn của các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Chương trình tập huấn được thực hiện online, chia làm nhiều ca trong các ngày 16, 17, 18/4/2020 để đảm bảo chất lượng đường truyền tốt nhất và cá nhân hóa tối đa nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia tập huấn: Nhóm cán bộ quản lí, nhóm cốt cán điều phối về ứng dụng công nghệ thông tin của từng trường và nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy trực tuyến.
Điểm đặc biệt nhất trong cách làm của quận Hòan Kiếm chính là các thầy cô giảng viên tập huấn không phải các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các tập đoàn công nghệ lớn như những lần tập huấn khác mà lại chính là sự kết hợp của một nhóm các thầy cô giáo của các trường học trên địa bàn Hà Nội (nhóm ITT), trong nhóm có cô Phạm Thị Bảo Đức - Giáo viên Toán trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm cùng với cộng sự của mình đến từ các trường học khác nhau đã tự nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật kiến thức công nghệ và chủ động ứng dụng đến mức thành thạo trong công việc giảng dạy trực tuyến tại trường của mình.
Cũng chính vì vừa là giảng viên tập huấn vừa là giáo viên trực tiếp sử dụng để dạy học hàng ngày với các em học sinh từ thời điểm đầu tiên nghỉ chống dịch nên các thầy cô không chỉ giới thiệu tên các phần mềm, cách sử dụng các phần mềm tiện ích trong quá trình triển khai dạy học online mà quan trọng hơn còn tích hợp cho các học viên trực tiếp tương tác thực hành ngay từ khi điểm danh, giới thiệu bản thân, lấy ý kiến cá nhân, cách kiểm tra bài của học sinh trong buổi học… Các phần mềm, các công cụ hiện đại như Microsoft Teams, padlet, nearpod, menti, google form, kahoot, quizizz, polly, classdojo… không còn là những ứng dụng xa lạ, khô cứng mà được chuyển tải vô cùng sinh động thông qua việc sử dụng chính những phần mềm đó để tiến hành các hoạt động theo tiến trình giờ dạy trực tuyến: điểm danh, thu thập thông tin, giao bài, tổng hợp kết quả….
Bên cạnh đó, các giảng viên cũng phân tích những ưu điểm và nhược điểm của từng công cụ, chỉ dẫn việc áp dụng chi tiết sao cho dễ sử dụng nhất, tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu quả tối đa, hướng dẫn từng bước trong quá trình dạy học trực tuyến với việc kết hợp các phần mềm tiện ích để thực hiện một giờ học đạt hiệu quả, tận dụng tối đa sự tương tác của học sinh tham gia tiết học. Những tiện ích của phần mềm Microsfot Teams trong quản lí và dạy học trực tuyến được nhóm ITT giới thiệu, làm mẫu hướng dẫn cách kích hoạt sử dụng tài khoản mới rất cụ thể, tỉ mỉ.
Tham dự buổi tập huấn, nhiều đồng chí giáo viên đã được mở rộng thêm nhiều kiến thức, kĩ năng bổ ích cũng như những phần mềm hỗ trợ giúp giảm tải thời gian làm việc cho giáo viên và đạt hiệu quả hơn trong trong công việc khi biết ứng dụng công nghệ 4.0. Sức mạnh công nghệ vô cùng kì diệu từ các ứng dụng đã gợi mở cho các thầy cô giáo nhiều ý tưởng triển khai lớp học và quan trọng hơn là truyền nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo biến công việc dạy học vô cùng khó khăn hiện nay trở thành cơ hội phát triển lên một tầm cao mới của cả thầy và trò.
Tích cực tham gia Chương trình dạy học trên truyền hình Hà Nội với những bài giảng chất lượng của đội ngũ giáo viên cốt cán cấp Tiểu học, Trung học cơ sở
Bên cạnh việc tổ chức tốt hình thức dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm còn tích cực thực hiện hiệu quả việc dạy và học trên truyền hình. Để đảm bảo chất lượng dạy và học qua truyền hình có thể được công nhận chính thức như chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành đã tích cực vào cuộc để đồng hành cùng học sinh và phụ huynh học sinh trong các giờ học qua truyền hình.
Hàng tuần, các thầy cô giáo đều gửi lịch học, bài học trên truyền hình tới học sinh và phụ huynh học sinh, cử các thầy cô giáo cùng dự các giờ học trên truyền hình để có kế hoạch bổ trợ, chữa bài tập, kiểm tra kiến thức, kĩ năng của các em học sinh sau mỗi giờ học. Để đảm bảo chuyên cần cũng như việc thực học của các em, các thầy cô giáo còn kiểm tra vở ghi của học sinh sau giờ học hoặc tuần học thông qua ảnh chụp đồng thời chốt lại kiến thức cơ bản, chữa lỗi sai, dặn dò, củng cố, giải đáp thắc mắc của các em tại các lớp học trực tuyến.
Không chỉ tổ chức tốt khâu học qua truyền hình, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm còn tích cực tham gia vào công tác dạy trên truyền hình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với đội ngũ giáo viên cốt cán của quận đến từ Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Nguyễn Du, TH Trần Quốc Toản, TH Thăng Long, TH Trưng Vương, TH Tràng An. Với lực lượng đông đảo gồm 19 đồng chí là chuyên viên Phòng Giáo dục và các thầy cô giáo của Hoàn Kiếm tham dự chương trình dạy học trên truyền hình Hà Nội, đây vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ chính trị - chuyên môn quan trọng, ý nghĩa, bởi vậy từ các thầy cô giáo đến tổ chuyên môn, Ban giám hiệu các nhà trường và chuyên viên Phòng Giáo dục đều nỗ lực đầu tư tâm huyết vào từng giáo án, từng bài giảng để đảm bảo chất lượng của các giờ dạy đến với các em học sinh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn trên khắp cả nước.
Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh; thực hiện nghiêm túc việc tinh giản chương trình; thiết kế nội dung, hình thức dạy học đa dạng, linh hoạt
Làm tốt công việc chuyên môn, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cũng đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp với các lực lượng xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh trong "cuộc chiến đặc biệt" này. Gia đình – Nhà trường – Xã hội từ xưa đã là mối quan hệ gắn bó mật thiết, không thể tách rời trong công tác giáo dục học sinh. Dạy học truyền thống đã vậy, dạy học trong thời "Covid" thì vai trò của các bậc cha mẹ học sinh lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bởi vậy, các thầy cô giáo thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các gia đình, thông tin về lịch học, nội dung bài, các thầy cô còn hướng dẫn cha mẹ học sinh cách hỗ trợ con tại nhà, động viên cha mẹ học sinh tạo không gian riêng cũng như dành những điều kiện trang thiết bị thuận lợi nhất để các con tham gia đầy đủ vào các hình thức dạy học khác nhau. Nhờ đó, tỉ lệ học sinh tham gia học trên truyền hình và dạy học trực tuyến đều duy trì ở mức rất cao đồng thời chất lượng dạy học được đảm bảo, các em học sinh vừa hào hứng tích cực trải nghiệm hình thức học tập mới mẻ, hiện đại, vừa được thúc đẩy, nâng cao, phát triển khả năng tự học, tự đọc, tự nghiên cứu.
Trên cơ sở hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường trong quận Hoàn Kiếm đã chủ động xây dựng chương trình dạy học, kế hoạch dạy học ứng với nhiều phương án khác nhau để đảm bảo tổ chức việc dạy học đạt hiệu quả cao nhất. Với những khó khăn khách quan như việc tổ chức dạy học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào điều kiện trang thiết bị, chất lượng đường truyền không ổn định, học sinh nhỏ tuổi, đặc biệt là học sinh cấp Tiểu học còn chưa thành thạo trong kĩ năng tự học, tự học từ xa, tập thể cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo Hoàn Kiếm đã nỗ lực phát huy tinh thần sáng tạo để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất triển khai các nội dung công việc với cách thức vô cùng mới mẻ, chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Chỉ trong một thời gian ngắn, với những nền tảng căn bản của một ngành Giáo dục và Đào tạo 10 năm liên tiếp là Lá cờ đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, thầy và trò Hoàn Kiếm đã nhanh chóng thích ứng, tổ chức việc dạy và học thời 4.0 nề nếp, hiệu quả và bước đầu có những điểm sáng tích cực báo hiệu những thành công đột phá với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ trong tương lai.
Theo báo điện tử Tổ quốc