Phát động cuộc thi “Giao thông học đường” năm 2017- 2018
(Dân trí) - Chiều 15/12, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cùng Bộ GD&ĐT đã công bố cuộc thi “Giao thông học đường” năm 2017- 2018.
Cuộc thi sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc ngày 12/12/2017 đến tháng 5/2018 với 3 vòng thi: vòng thi cấp trường từ ngày 12/12/2017 đến ngày 18/03/2018, cấp tỉnh/thành phố từ 2/4/2018 đến ngày 15/4/2018 và vòng thi chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 5/2018. “Giao thông học đường” sẽ được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm, với đối tượng dự thi là các em học sinh khối trung học cơ sở, trung học phổ thông trên toàn quốc.
Đề thi trong cuộc thi Giao thông học đường được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú như dạng chữ, ảnh, 3D,... Trong đó, có 584 loại câu hỏi về Văn hóa giao thông, 1.073 câu hỏi về Luật giao thông đường bộ và 168 câu hỏi tình huống dạng 3D.
Qua đó, nhiều tình huống giao thông được mô tả sinh động, giúp người thi dễ hình dung. Nội dung câu hỏi bám sát vào các tình huống giao thông thường gặp trong đời sống, trở thành những hướng dẫn, những bài học bổ ích, giúp các em nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, có các kỹ năng phòng tránh tai nạn và có văn hóa tham gia giao thông văn minh.
Theo BTC, sau 6 tuần thi, mỗi trường sẽ chọn 1 thí sinh có điểm thi cao nhất trong 6 tuần thi để tham gia vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Trường hợp thí sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét tiêu chí thời gian hoàn thành phần thi.
Với các giải thưởng hấp dẫn vòng thi toàn quốc gồm 1 giải đặc biệt trị giá 10 triệu đồng, 2 giải nhất trị giá mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải nhì trị giá mỗi giải 3 triệu đồng và 5 giải 3 với mỗi giải 2 triệu đồng.
Đặc biệt, với các thí sinh lớp 12, tham gia chung kết và đạt giải cao, BTC sẽ xem xét và cấp giấy chứng nhận hoàn thành phần thi lý thuyết lái xe mô tô hạng A1.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trước khi tổ chức cuộc thi, có 2 Dự án nghiên cứu ATGT trẻ em Tp.HCM và TP Hà Nội. Qua con số khảo sát cho thấy, con số học sinh vi phạm rất cao. Trong đó, 74,6% học sinh THPT ở TP Hồ Chí Minh vi phạm Luật giao thông. Đặc biệt, trẻ em càng bé càng vi phạm giao thông. "Điều này là rất khó hiểu", ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra theo ông Hùng, nghiên cứu và khảo sát của UB ATGT cho thấy, ở Việt Nam chưa có trường học nào đủ điều kiện an toàn giao thông, đó là điều rất đáng tiếc.
Mỹ Hà