“Phao”: trách ai?
“Phao” thi vẫn là một trong những cách lựa chọn mà nhiều sĩ tử đã áp dụng. Gắn “phao” vào dép, vào gấu áo, gắn “phao” vào hộp bút, vào thước giấy kẹp đôi được xé ra, cẩn “phao” vào lòng bàn tay, chân và thậm chí giấu cả vào trong tóc, dưới vạt áo dài... “Phao”: trách ai?
Thế là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2004-2005 đã khép lại. Sẽ có thêm những cô tú, cậu tú trong tương lai, để rồi sẽ có thêm một lớp trí thức trẻ gánh vác trọng trách của xã hội.
Thực tế cho thấy thế hệ trẻ chúng ta đang tích cực học tập để nâng cao trình độ, rèn luyện tri thức nhằm bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn đó hiện tượng “phao” thi để lại nhiều nỗi lo.
“Phao” thi vẫn là một trong những cách lựa chọn mà nhiều sĩ tử đã áp dụng. Gắn “phao” vào dép, vào gấu áo, gắn “phao” vào hộp bút, vào thước giấy kẹp đôi được xé ra, cẩn “phao” vào lòng bàn tay, chân và thậm chí giấu cả vào trong tóc, dưới vạt áo dài... “Phao”: trách ai?
Nếu không giữ “phao” thì nhờ người khác - người thân, họ hàng và thậm chí là... cả một tay “đầu trộm đuôi cướp” ném vào.
Hiểu đúng nghĩa của việc đánh giá, những “sĩ tử” này đã làm sai lệch bản chất của việc đánh giá. Đánh giá là việc lượng giá để thừa nhận, công nhận một trình độ, một chất lượng, một mức độ mà những người được đánh giá đạt đến, vậy mà...
Trách bộ phận sĩ tử này đã không biết tự đánh giá mình, trách họ đã để sự tự tin, để sĩ diện của mình đi vắng... Thật lòng không muốn trách nhưng vẫn phải trách. Trách như thế nhưng lòng cứ se lại bởi vì sự kỳ vọng của mọi người, mọi nhà về sản phẩm của giáo dục không được phép có phế phẩm đã bị phá sản.
“Phao” vẫn còn rơi rớt trước cổng trường, trong nhà vệ sinh và cả ở phòng thi. Chính những chiếc “phao” ấy đã giúp không ít sĩ tử trở thành những tân tú tài oai phong. Một bộ phận những tân tú tài nhờ “phao” cứu vớt sẽ làm gì khi khoác lên mình chiếc áo vay mượn không vừa vặn?
Thật sự mà nói chính những sĩ tử này lại là nạn nhân của chính mình, nạn nhân cho việc trông cậy vào chiếc “phao” thi vô cảm đã không đem lại cái chất cần có mà lại có thể làm giảm đi phẩm chất của một học trò thực thụ.
Không muốn kết tội nhưng lòng cứ trăn trở khôn nguôi về những gì đã nghe, đã thấy. Tất nhiên để giảm thiểu “phao”, còn liên quan đến công tác cải tiến thi cử, phương thức thi, nội dung đề thi... Nhưng vẫn mong rằng những sĩ tử hãy học bài học của sự tự tin dẫu rằng có thất bại một lần.
Theo T.S Huỳnh Văn Sơn
Tuổi Trẻ