Phần nào khó trong đề thi các môn xã hội?
(Dân trí) - Nhằm giúp cho học sinh có định hướng tốt trong quá trình ôn và thi các môn xã hội, xin giới thiệu những thông tin khá lý thú dưới đây để bạn đọc tham khảo thêm.
Môn Văn: “Nghị luận xã hội mênh mông lắm!”
Đó chính là nhận xét của thầy Lê Phạm Hùng, Tổ trưởng tổ Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amxtecđam. Cũng theo thầy Hùng, phần khó nhất trong đề thi môn Văn chính là phần nghị luận xã hội, vì thao tác làm văn nghị luận các em nắm được, nhưng hiểu biết xã hội của các em còn hạn chế. Có lẽ đây là nội dung mà các em sẽ phải đối phó trong đề thi năm nay.
Từ năm 2002 đến nay, Bộ GD-ĐT đã ra sáu đề thi môn văn, gồm ba đề cho khối C và ba đề cho khối D. Trên lý thuyết, đề khối D được xem là nhẹ hơn đề khối C nhưng thực tế đề thi giữa hai khối này gần như không có sự khác biệt nào đáng kể.
Về cấu trúc, mỗi đề thi thường có ba câu. Thang điểm môn Văn thường là 2-5-3: Câu 1 (2 điểm) chủ yếu kiểm tra trí nhớ giáo khoa của thí sinh; thường hỏi về tiểu sử, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật của tác giả hoặc hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Câu 2 (5 điểm) chủ yếu kiểm tra kiến thức và năng lực cảm thụ của thí sinh về một tác phẩm hoặc phần đặc sắc nhất của tác phẩm đó; thường yêu cầu phân tích hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn xuôi. Câu 3 (3 điểm) chủ yếu kiểm tra kiến thức văn và năng khiếu nhằm phân loại thí sinh trung bình và khá giỏi; thường yêu cầu phân tích chiều sâu tư tưởng, cảm xúc của nhà văn, vẻ đẹp nghệ thuật ngôn từ hoặc giá trị độc đáo của tác phẩm.
Môn Lịch sử: “Đừng râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Phần khó nhất trong môn Lịch sử có lẽ là thí sinh phải hiểu được tinh thần đúng của đề bài để không bị làm lạc đề. Nhiều học sinh học thuộc nội dung nhưng lại không nhớ tên tiểu mục, khi làm bài khiến "râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Để khắc phục điểm này, thí sinh cần tập trung chú ý những bước sau trong việc ôn luyện môn Sử:
- Phải thuộc tên đề bài, tên tiểu mục. Trước khi học tiểu mục nào, nên nắm chắc tên tiểu mục ấy. Chuyển tiểu mục ấy thành câu hỏi là một cách hữu hiệu để nhớ được lâu. Tự đặt ra câu hỏi để kích thích hứng thú học tập, hiểu sâu.
- Phải dựng khung cho mỗi bài, mỗi tiểu mục để dễ dàng xâu chuỗi nội dung lại thành một hệ thống.
- Phải xác định chốt của mỗi sự kiện quan trọng bao gồm tháng và năm.
- Phải nhớ đúng những thuật ngữ lịch sử. Ví dụ không được nhớ nhầm "Mặt trận dân tộc thống nhất" thành "Mặt trận thống nhất dân tộc". Không được nhớ lẫn lộn giữa những chữ "đấu tranh", "chiến đấu", "khởi nghĩa"... vì mỗi chữ có một nghĩa khác nhau.
Môn Địa lý: “Làm được ý nào, “xào” ý ấy”
Đề thi môn Địa lý thường có 3 câu, mỗi câu thường chia làm 2 ý nhỏ. Trong ba câu đó thì hai câu là lý thuyết và một câu là thực hành. Tỉ lệ điểm của hai phần lý thuyết và thực hành thường là 7/3. Ba-rem điểm của môn Địa lý được chia nhỏ tới 0,25 điểm nên việc tách ý, viết đủ ý phải là ưu tiên hàng đầu. Khi trình bày, các em nên đánh số thứ tự 1,2,3 và các đề mục a, b, c... để người chấm dễ theo dõi và thí sinh tránh bị mất điểm một cách đáng tiếc.
Khi làm bài, thí sinh chú ý xem đề hỏi gì và trả lời sâu vào ý đó để không bị sót ý. Cùng một nội dung trong sách giáo khoa Địa lý nhưng có thể có nhiều cách hỏi khác nhau. Hỏi cách nào thì phải trả lời theo cách đó mới được điểm cao.
Dạng câu hỏi khó nhất trong đề thi môn Địa lý là dạng câu hỏi “tại sao”. Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản và phải biết vận dụng chúng để giải thích một hiện tượng địa lý. Đối với dạng câu hỏi này cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ nhân quả.
Đối với các dạng câu hỏi khác, thí sinh nên sử dụng phương thức tổng hợp kiến thức, phân biệt được sự giống và khác nhau giữa các hiện tượng địa lý và biết vận dụng linh hoạt những số liệu thống kê tiêu biểu để chứng minh theo yêu cầu đề ra.
Nhóm PV GD