Phân khúc học nghề có xu hướng tăng lên

Kết quả đăng ký dự thi THPT quốc gia cho thấy, định hướng nghề nghiệp của HS đã khác, sát với thực tế hơn. Nhiều địa phương có tỷ lệ HS đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp xấp xỉ 50% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia.

Điều đó cho thấy, công tác phân luồng hướng nghiệp của các trường đã được thực hiện tốt.

Làm tốt từ công tác phân luồng, hướng nghiệp

Tại tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh có 5.521 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018; Trong đó có 2.680 thí sinh đăng ký với hai mục đích là: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ đạt tỷ lệ 48,5%; 2.249 thí sinh đăng ký dự thi chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp đạt hơn 40%.

Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang có hơn 19.000 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018; Trong đó có hơn 10.000 thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ đạt 53,14% và trên 8.500 thí sinh đăng ký dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp tương đương 43,31%. Qua đó cho thấy, định hướng nghề nghiệp của HS đã có sự dịch chuyển. Các em không còn lựa chọn ĐH là “con đường duy nhất” mà đã có sự chuyển dịch sang các trường nghề hoặc đi làm luôn sau khi tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Đàm Thanh Lạc – Hiệu trưởng Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang), trong trường phổ thông, giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là hoạt động định hướng nghề nghiệp nhằm giúp HS có những hiểu biết nhất định về những ngành nghề, hình thành kỹ năng phân tích, nhận định và có kỹ năng ra quyết định. Từ đó, giúp các em có thể chọn lựa những ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và nhu cầu lao động trong cộng đồng, xã hội.

Ngược lại, làm không tốt công tác GDHN trong nhà trường sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của HS, nhất là sau khi rời khỏi ghế nhà trường phổ thông. Sự lựa chọn nghề nghiệp, ngành học không phù hợp hoặc hướng đi không đúng trong tương lai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời các em mà đôi khi trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và lãng phí nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, công tác GDHN cho các em đóng vai trò rất quan trọng và đặc biệt cần thiết.

Phân khúc học nghề có xu hướng tăng lên - 1

Cũng theo thầy Lạc, khi đánh giá chất lượng GD, lâu nay người ta hay nhìn vào kết quả các kỳ thi, nhất là Kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng GD-ĐT không chỉ thể hiện qua tỷ lệ hay những con số. Đào tạo những công dân có đủ đức lẫn tài, trở thành nguồn nhân lực tốt cho xã hội mới là đích cần hướng tới của ngành GD.

Do đó, hướng nghiệp, dạy nghề là một trong những hoạt động bổ trợ nhằm cung cấp cho HS những hiểu biết nhất định và định hướng đúng đắn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT. Hướng nghiệp, dạy nghề có vai trò quan trọng đối với HS, nhất là những em có học lực yếu khó có thể vào ĐH.

Không còn quan niệm: Phải vào ĐH

Theo thầy Trần Tuấn Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, qua nghiên cứu theo dõi cho thấy, định hướng nghề nghiệp đã có sự dịch chuyển. Theo đó, số lượng thí sinh đăng ký học nghề ngày một nhiều hơn, các em không còn tư tưởng: Phải vào ĐH bằng mọi giá. Điều đó chứng tỏ công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp của các nhà trường đã thực hiện tốt, bám sát nhu cầu, nguyện vọng và năng lực của HS để định hướng đúng và trúng mục đích.

“Hiện nay, xã hội đánh giá chất lượng giáo dục của một trường đã theo tiêu chí khác. Theo đó, người ta không chỉ nhìn vào tỷ lệ HS đỗ vào ĐH, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có yếu tố công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp”. - Thầy Trần Tuấn Nam

“Ngay tại tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đề nghị các nhà trường THCS và THPT khuyến khích mỗi thầy, cô là một tư vấn viên về hướng nghiệp. Theo đó, nhà trường, thầy cô giáo phải bám sát chủ trương của ngành và đồng hành cùng các em HS để tư vấn cho các em một cách tốt nhất. Mặt khác, các trường đã nâng cao chất lượng hướng nghiệp, dạy nghề cho HS. Qua đó đã góp phần tích cực vào công tác phân luồng HS ngay từ bậc phổ thông” - thầy Trần Tuấn Nam trao đổi.

Cùng chung quan điểm, GS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên - cho rằng, những năm gần đây, định hướng nghề nghiệp của các em rất tốt và rõ ràng. Quan niệm: Nhất định phải vào ĐH đã thay đổi. Các em đã có sự lựa chọn nghề nghiệp cho mình đúng với năng lực, sở trường hơn. Bằng chứng là tỷ lệ HS đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương đã có xu hướng chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

GS Phạm Hồng Quang phân tích, đây là xu hướng tốt lành phù hợp với nguyên lý về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nền tảng GD phổ thông tập trung vào dân trí, sau GD phổ thông thì có những hệ như: Nghề nghiệp, giáo dục ĐH. Trước đây gần như tất cả các em HS đều có nguyện vọng vào ĐH, nay đã dần dần phân khúc. Cụ thể: Số lượng HS đăng ký nguyện vọng vào GD ĐH đã giảm, trong khi đó ở phân khúc GD nghề nghiệp lại có xu hướng tăng lên.

“Như chúng ta đã biết, 3 năm THPT tập trung vào định hướng nghề nghiệp. Các thầy cô đã kích hoạt cho HS về khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Với nền tảng học vấn lớp 12, các thầy, cô đã tạo cho các em một suy nghĩ: 2 năm hay 3 năm học nghề là có thể có được một việc làm với mức thu nhập ổn định, phù hợp với năng lực của bản thân. Vì thế mô hình hình tháp biểu thị nguồn nhân lực với chân đế tập trung ở GD nghề nghiệp đã và đang thể hiện một xu hướng tốt” – GS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm.

Theo Minh Phong

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm