Phân ban - loạn phương án

Nếu phương án phân ban đúng là được làm một cách khoa học, cẩn thận và chu đáo... thì đã không có chuyện liên tục chỉnh sửa, vài tháng lại đột ngột xuất hiện phương án mới như thế này.

Năm 2000, Quốc hội thông qua Nghị quyết 40, trong đó có việc triển khai đại trà trong toàn quốc từ năm học 2003-2004 chương trình THPT mới, còn gọi là chương trình phân ban.

 

Khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục đã rất ngạc nhiên, bởi vì phải đến năm học 2002-2003 mới có sách thí điểm để HS lớp 10 "tập dượt", vậy mà năm 2000 đã báo cáo rằng sẽ thí điểm 2 vòng và bồi dưỡng giáo viên 2 lượt... Không biết Bộ GD- ĐT sẽ lấy đâu ra 2 năm để làm thí điểm phương án (PA) phân ban trước khi triển khai đại trà?

 

Quả nhiên, sự "liều mình" của Bộ GD - ĐT phải trả giá: Đến năm 2003 phải xin tạm hoãn PA phân ban để tiếp tục nghiên cứu chứ chưa thể làm đại trà được. Và đến thời điểm này, sau 5 năm, bộ vẫn đang phân vân cân nhắc "phân ban kiểu gì?" với 2 PA. PA thứ nhất là phân thành 2 ban từ lớp 10 như đang làm hiện nay (có bổ sung môn ngoại ngữ vào ban khoa học xã hội và nhân văn). Và PA thứ hai là phân thành 3 ban từ lớp 10 (ngoài 2 ban "nâng cao" như PA 1, có dạng "ban cơ sở" dành cho HS không thiên về thế mạnh nào).

 

Thậm chí, một nguồn tin từ Bộ GD- ĐT cho biết, một PA phân ban THPT khác cũng đang được xem xét trình Chính phủ.

 

Cũng nên nhắc lại rằng, mới chỉ 6 tháng trước đây, PA phân 2 ban ở lớp 10 và 11, đến lớp 12 phân thành 4 ban đã được Bộ GDĐT lựa chọn đề nghị Chính phủ xem xét để điều chỉnh.

 

Trả lời báo chí ngày 28/12, ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khẳng định thời điểm này Bộ GD- ĐT đã chuẩn bị triển khai đại trà chương trình phân ban theo cả hai PA đã trình Thủ tướng Chính phủ. Phiên họp toàn thể của Hội đồng Quốc gia giáo dục nhằm lựa chọn PA phân ban THPT sẽ diễn ra khoảng trung tuần tháng 1/2006. So với việc sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hay tăng học phí, vấn đề phân ban thuộc nội dung không dễ bàn luận.

 

 

Theo Lê Hạnh

Lao Động