Phân ban: Học sinh phụ thuộc vào trường

(Dân trí) - Tại hội nghị giao ban giám đốc các Sở GD -ĐT tổ chức ngày hôm qua 17/2, đã tập trung vào các vấn đề chính như: Xét tốt nghiệp THCS, tuyển sinh lớp vào lớp 10, sắp xếp các ban THPT… Tuy nhiên, một số vấn đề trên vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Hạnh kiểm trung bình được xét tốt nghiệp

 

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc Hội nghị, thứ trưởng Bộ GD -ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Với việc thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ thì việc chuẩn bị cũng như các môn thi khác chỉ khác là cần nhiều máy móc để thực hiện.

 

Còn việc thực hiện xét tốt nghiệp THCS trên cơ sở thực hiện là hạnh kiểm và lực học lớp 9. Theo đó, hạnh kiểm lớp 9 chỉ đạt trung bình là được xét tốt nghiệp.

 

Đối với thí sinh trượt tốt nghiệp năm trước sẽ xem xét về lực học và hạnh kiểm. Nếu lực học chưa đạt yêu cầu thì sẽ được bồi dưỡng thêm còn hạnh kiểm yếu thì nhà trường phải dựa vào việc tu dưỡng đạo đức của học sinh đó ở địa phương trong thời gian qua.

Trong trường hợp nếu cả học lực và hạnh kiểm trung bình chưa đạt và học sinh quá tuổi xét tốt nghiệp thì hiện nay Bộ và các Sở GD&ĐT đang bàn

 

Tuyển sinh lớp 10: phân ban trước mới tuyển học sinh

 

Trong vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 phân ban THPT, các đại biểu thống nhất theo nguyên tắc tách việc tuyển sinh  và xếp ban thành 2 việc. Theo đó, các trường ở địa phương sẽ tuỳ thuộc vào điều kiện để thực hiện phương thức thi hoặc xét tuyển vào lớp 10.

 

Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ  THPT Bộ GD- ĐT cho biết: “Vì đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS  nên khi Bộ đề ra 3 phương thức xét tuyển vào lớp 10 là:  xét tuyển – thi tuyển - kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển, để các địa phương dựa vào điều kiện của mình để thực hiện. Cả 3 phương thức đều có lợi là buộc dạy và học phải đúng thực chất. Do vậy khi các địa phương chọn phương thức nào phải trình để Chính phủ quyết định”.

 

Vấn đề nóng bỏng của cuộc họp báo ngay sau Hội nghị là việc xét tuyển phân ban của thí sinh vẫn đang bỏ ngỏ. Có nghĩa là từng trường sẽ dựa trên cơ sở vật chất, giáo viên để đề ra các ban, học sinh khi được xét tuyển vào trường rồi thì phải học theo các ban của trường đã đề ra. Như vậy, nguyện vọng vào các ban của học sinh vẫn phải phụ thuộc vào trường để lựa chọn ban.

 

Giải thích vấn đề này, theo Thứ trưởng Phạm Vũ Luận, mỗi trường có mấy ban đều do các Sở quyết định. Bộ chỉ hướng dẫn các phương án thực hiện. Tuy nhiên, học sinh vẫn được chuyển ban trong quá trình học để phù hợp với năng lực và khối thi đại học nhưng phải sau một năm học (học xong lớp 10).

 

Tuy nhiên, kết luận của những vấn đề trên đến cuối tháng 2 này mới có quyết định chính thức.

 

 

Minh - Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm