Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh:
Phải có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh lâu dài cho cả thầy và trò
(Dân trí)- Một số giáo viên lâu năm ở trường chuyên, các chuyên gia giáo dục và những giáo viên từng tham gia chương trình dạy Toán-Lý bằng tiếng Pháp cho rằng: muốn thành công trong việc dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, phải có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh lâu dài cho cả thầy lẫn trò.
Thực hiện “Chương trình phát triển giáo dục trung học” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT vừa công bố đề án ngoại ngữ của chương trình giáo dục trung học phổ thông (THPT). Theo đó, năm học tới sẽ triển khai dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở các trường chuyên và đến 2020 tất cả các trường THCS và THPT đều tham gia dự án ngoại ngữ, trong đó tạo điều kiện cho học sinh học 2 ngoại ngữ. Ngay trong năm học 2011-2012, ở các trường chuyên, việc dạy 2 môn Toán, Tin sẽ hoàn toàn sử dụng tiếng Anh, tiếp đến sẽ dạy các môn Lý, Hóa, Sinh và các môn xã hội bằng tiếng Anh.
Được biết để triển khai chương trình dạy các môn học bằng tiếng Anh, Nhà nước sẽ đầu tư vài ngàn tỷ đồng trong đó dành hơn 638.600 USD cho bồi dưỡng giáo viên.
Chủ trương nâng cao năng lực tiếng Anh ở các trường được dư luận đặc biệt quan tâm vì trên thực tế, hiện nay ngoại ngữ là rào cản đối với học sinh, sinh viên và cả giáo viên trong việc tiếp cận kiến thức nhân loại. Ở nước ta, cũng vì năng lực tiếng Anh còn yếu mà có những học sinh, sinh viên tài năng đã mất đi nhiều cơ hội trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Bởi vậy, nhiều người cho rằng đây là một chủ trương đúng và cần được triển khai sớm.
Tuy vậy, ngay sau khi kế hoạch dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở các trường chuyên trong năm học 2011-2012 được công bố, không chỉ trong các trường học mà trên diễn đàn giáo dục của nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã diễn ra những tranh luận trái chiều. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ, lo lắng về sự thành công của kế hoạch triển khai chương trình dạy các môn học bằng tiếng Anh lần này khi liên hệ đến sự thất bại của chương trình dạy toán lý bằng tiếng Pháp trước đây. Quả thật, với “mặt bằng” tiếng Anh của thầy, trò hiện nay thì việc triển khai kế hoạch dạy 2 môn Toán và Tin học bằng tiếng Anh ở các trường chuyên ngay trong năm học tới quả là không đơn giản. Việc dự án dạy chương trình tăng cường tiếng Pháp ở trường phổ thông bị phá sản trước đây là bài học xương máu trong việc triển khai dạy các môn Toán, Lý bằng tiếng nước ngoài. Lãnh đạo nhiều trường chuyên cũng tỏ ra băn khoăn, khó khăn nhất trong việc triển khai dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh là yếu tố con người: cả người dạy lẫn người học. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng nếu không tính toán kỹ trên cơ sở thực tiễn thì chủ trương dạy bằng tiếng Anh trong trường chuyên chỉ là việc “làm để có cái mà báo cáo” chứ không mang lại lợi ích thật sự (như phát biểu của một giáo viên trường chuyên trên báo Tuổi Trẻ TPHCM ngày 10/12/2010).
Có ý kiến cho rằng với tình trạng đào tạo tiếng Anh như hiện nay (sau 6-7 năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông, 3-4 năm ở các trường ĐH nhưng khi tốt nghiệp sinh viên vẫn không giao tiếp được bằng tiếng Anh), việc triển khai vội vã chương trình này rất khó thành công. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số giáo viên nhiều kinh nghiệm dạy ở các trường chuyên, một số giáo viên Việt Nam từng là chuyên gia giáo dục ở châu Phi và cả những giáo viên từng tham gia chương trình dạy Toán - Lý bằng tiếng Pháp trước đây về vấn đề này, nhiều người cho ràng: muốn thành công trong việc dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, phải có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh lâu dài cho cả thầy lẫn trò.
Tuy nhiên, khi trao đổi với TS. Nguyễn Trọng Giao - người đã từng thành công trong việc học tiếng Pháp trong một thời gian rất ngắn để trở thành chuyên gia giáo dục giảng dạy môn dạy Hóa học tại An-giê-ri về đề án dạy các môn học bằng tiếng nước ngoài ở bậc THPT, TS Giao cho rằng nếu sử dụng phương pháp dạy và học ngoại ngữ hiện đại thì kế hoạch của Bộ GD-ĐT hoàn toàn có tính khả thi. TS. Giao - tác giả của “Phương pháp học ngoại ngữ siêu tốc BBST” và đã có kinh nghiệm 20 năm đào tạo tiếng Anh cho hàng vạn người tại Hà Nội và TPHCM - cho rằng để có thể dạy và học chuyên môn qua tiếng Anh, thì ngay từ bây giờ phải biết tận dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, công nghệ Internet vào phương pháp dạy học ngoại ngữ hiện đại để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể như đào tạo giáo viên và học sinh.
Để làm rõ hơn về phương pháp dạy tiếng Anh hiện đại, TS. Giao lưu ý cần áp dụng: luyện nghe nói, tăng vốn từ nghe nói trên cơ sở nghiên cứu cơ chế tiếp nhận âm thanh của não, kết hợp với việc áp dụng nguyên lý phỏng sinh học (Bionics) đã được thế giới thừa nhận trong việc đào tạo tiếng Anh. Kết hợp nguyên lý lôgic thời gian với phương pháp tính huống để giải quyết nhanh chóng, vững chắc những vấn đề ngữ pháp cơ bản của tiếng Anh liên quan đến động từ, giúp học viên nói, viết rất tự tin. Kết hợp nguyên lý lôgic thời gian với nguyên lý tấn suất sử dụng cao của Mỹ để giúp học viên nhanh chóng giao tiếp được bằng tiếng Anh. Với bảng các module tạo câu hỏi chúng ta có thể tạo ra hàng vạn câu hỏi hay dùng trong cuộc sống. Mặt khác phải kết hợp nguyên lý lôgic không gian với nguyên lý tần suất sử dụng cao để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến giới từ, thành ngữ. Sử dụng các phần mềm hiện đại để tạo ra các giáo viên bản ngữ ảo trước khi thực hành thêm với ngôn ngữ sống.
Sử dụng các giáo trình học trên điện thoại di động, trên máy MP4 kết hợp cách đào tạo từ xa qua mạng, để có thể đào tạo hàng vạn giáo viên trên toàn quốc, cho cả vùng sâu vùng xa, với kinh phí thấp nhưng chất lượng vẫn bảo đảm. Bảng logic thời gian của “Phương pháp học ngoại ngữ siêu tốc BBST” đã trở thành chìa khóa ngữ pháp tiếng Anh, giúp cho nhiều học viên Việt Nam học thành công tiếng Anh trong những năm qua. Bảng này có nguyên lý như sau: để có thể nói, viết một cách chính xác, tự tin một ngoại ngữ nào đó người ta cần nắm chắc ngữ pháp của nó. Các vấn đề khó của ngữ pháp tiếng Anh thường liên quan tới động từ: cách dùng 18 thì chủ động, 18 thì bị động, cách dùng các động từ khiếm khuyết và bán khiếm khuyết (Can-Could, May-Might, Will-Would, Shall-Should, Mus , Have to, Ought to,…), cách tạo mệnh lệnh, yêu cầu, các cách đặt câu hỏi và trả lời, đông từ trong văn gián tiếp, trong dạng câu điều kiện If, ước muốn Wish, trong các dạng câu suy đoán giả định (chắc là, có thể là, lẽ ra, phải chi,…),…
Hiện nay, việc dạy ngoại ngữ chủ yếu dùng phương pháp tình huống dưới dạng đơn giản hay phức tạp để giải quyết vấn đề này. Cách làm đó mất rất nhiều thời gian mà không sát với thực tế cuộc sống. Phương pháp lôgic thời gian có cơ sở lý luận sau: các hành động luôn xảy ra trong không gian và thời gian. Để thể hiện hành động xảy ra tại thời điểm nào trên trục thời gian và tính chất quy chiếu của nó trên trục thời gian như thế nào, mỗi ngôn ngữ có một hệ thống thể hiện khác nhau. Khi nắm được nguyên lý tạo ra bảng lôgic thời gian của tiếng Anh và dùng nó để giải quyết các vấn đề ngữ pháp nêu trên, người ta chỉ cần vài chục buổi học đã có thể nắm rất chắc hệ thống ngữ pháp. Nhiệm vụ còn lại là học từ, tập hợp từ… theo cơ chế tiếp nhận thông tin của não một cách tối ưu.
TS. Nguyễn Trọng Giao khẳng định: “Với kinh nghiệm đào tạo tiếng Anh trong 20 năm qua, nếu sử dụng phương pháp dạy và học hiện đại thì chỉ sau 2 năm đào tạo tập trung, các giáo viên chuyên toán có thể dạy Toán, Tin bằng tiếng Anh . Nếu học theo chương trình vừa học, vừa đi làm thì mất khoảng 2 năm; còn với học viên, cần 1 năm học tiếng Anh theo phương pháp này mới có thể nghe giảng được”.
CB