Phải chấm dứt tình trạng đào tạo “bừa” trong ngành sư phạm!

(Dân trí) - “Thời gian qua, chúng ta đào tạo “bừa” nên môn thừa môn thiếu” - Phát biểu khai mạc Hội thảo “Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và định hướng phát triển các trường sư phạm đến năm 2020” ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra nhận xét như vậy.

Cũng theo Bộ trưởng Nhân, việc đào tạo trong các trường sư phạm phải đặc biệt chú trong đến việc bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho các trường sư phạm. Quyết tâm của Bộ trưởng Nhân là phải xem xét lại chuẩn giáo viên trong các trường sư phạm của 15 năm qua có thay đổi gì không? Năng suất lao động của các nhà giáo được quyết định bằng phương pháp sư phạm và sau này sẽ chuẩn hoá vấn đề này như thế nào? Tình trạng đào tạo “bừa” trong ngành sư phạm cần phải được chấm dứt! 

Mạng lưới các trường sư phạm: Sai sót từ A đến Z! 

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì hiện nay, việc quản lý đào tạo theo các hình thức chính qui và không chính qui của một số trường ĐH, CĐ sư phạm còn nhiều sai sót. Có thể nói đó là các sai sót từ A đến Z xuyên suốt cả quá trình đào tạo. 

Từ việc tuyển sinh đến việc tổ chức đào tạo, cấp phát văn bằng... khâu nào cũng sai. Trong tuyển sinh thì tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển không đúng đối tượng người học, không đúng vùng miền, nhầm lẫn giữa tuyển sinh đào tạo theo hợp đồng, theo địa chỉ và cử tuyển. Trong đào tạo thì cắt xén chương trình đào tạo, nhầm lẫn giữa đào tạo và bồi dưỡng, lẫn lộn giữa các chương trình đào tạo 9 + 3 và 12+2; 10+3 và chương trình đại học 3 năm... 

Trong việc cấp phát văn bằng thì sai sót lẫn lộn giữa bằng đại học sư phạm 3 năm trước đây với bằng cao đăng sư phạm cũng 3 năm gây khó khăn cho người học và công tác quản lý...  

Ngoài ra, về thiết bị thực hành thì hiện nay 65% sinh viên đánh giá là thấp. Thêm vào đó là đội ngũ cán bộ phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập như kỹ thuật viên thiết bị, thí nghiệm, thư viện, văn phòng, dịch vụ có liên quan đến dạy và học ... hầu như chưa qua đào tạo... 

“Xốc” lại đội ngũ 

Nguyên nhân của những sai sót và nhầm lẫn này, theo Bộ GD-ĐT là do đội ngũ cán bộ quản lý của các trường thiếu ổn định, không được tập huấn về quản lý đào tạo, không nắm được các văn bản pháp qui về đào tạo; Một số Sở GD-ĐT, UBND tỉnh tự động giao chỉ tiêu và yêu cầu các trường sư phạm triển khai đào tạo ngoài kế hoạch Nhà nước giao, các trường sư phạm là cấp dưới buộc phải thực hiện, gay khó khăn cho việc cấp phát văn bằng... 

Việc xốc lại đội ngũ các trường Sư phạm là một điều không thể chần chừ. Chỉ trong vòng một tháng, Bộ GD-ĐT đã tiến hành liên tục 4 cuộc Hội thảo lớn về vấn đề này.  

Về vấn đề có nhiều ý kiến “khuyên” ngành giáo dục nên xoá bỏ các trường CĐ Sư phạm địa phương, Bộ GD-ĐT đã chính thức có sự trả lời trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm từ nay đến năm 2010: Vẫn giữ ổn định số trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương như hiện nay; Thực hiện, không khép kín trong 3 năm đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm theo hướng 2,5 + 0,5 hoặc 3+0,5;  

Hai trường ĐHSP trọng điểm ở HN và TP.HCM cùng trường ĐH SP thuộc ĐH Huế là cơ sở đào tạo nâng cao trình độ, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ sau ĐH cho tất cả các trường ĐH, CĐ, trung cấp và phổ thông;  

Tuy nhiên, quy hoạch cũng chỉ ra rõ không thành lập thêm các trường ĐHSP ở các địa phương theo mô hình khép kín; Đầu tư cho các trường, khoa đào tạo giáo viên... Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các trường đào tạo theo địa chỉ cho các địa phương. 

“Trả” các trường CĐ sư phạm về cho địa phương

Cùng với việc tái lập cơ quan chỉ đạo, củng cố cơ quan nghiên cứu về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xác lập lại tính hệ thống của các trường sư phạm, Bộ GD_ ĐT đã xác định hướng một hướng mới quan trọng  khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là chuyển công tác quản lý các trường ĐH Sư phạm về trực thuộc Bộ, các trường CĐSP và UBND tỉnh để thống nhất đầu mối quản lý, chỉ đạp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chiến lược riêng. 

Trong năm 2007, Bộ GD-ĐT sẽ tái lập cơ quan chỉ đạo, củng cố cơ quan nghiên cứu về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, sẽ chuyển công tác quản lý các trường ĐH Sư phạm về trực thuộc Bộ, các trường CĐ SP về UBND tỉnh để thống nhất đầu mối quản lý... 

Phát triển các chương trình đào tạo theo chương trình khung của Bộ mới ban hành theo hướng đào tạo theo niên chế kết hợp với học phần, chuẩn bị cho các trường, ngành có đủ điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ.  

Các trường CĐ SP có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để mở các ngành ngoài sư phạm tạo điều đề chuyển đổi thành trường cao đẳng đa ngành. 

Sau hội thảo này, đến tháng 12/2006, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị toàn ngành Sư phạm. Theo đó, năm 2007 sẽ tái khẳng định và khẳng định mới vị trí, vai trò và mô hình đào tạo của các trường sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân. 

Nhóm PV Giáo dục