PGS.TS Vũ Trọng Rỹ: "Trình độ giáo viên chưa theo kịp chương trình mới"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Tác giả sách giáo khoa (SGK) khoa học tự nhiên nêu, chất lượng giáo viên hiện nay chưa đủ để sử dụng SGK như một tài liệu tham khảo cũng như dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vấn đề chọn SGK và dạy môn tích hợp sau 3 năm triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn gây tranh cãi. PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, tác giả biên soạn SGK khoa học tự nhiên lớp 6, 7, 8  - cho rằng những tranh cãi này là tất yếu và khó giải quyết trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ: Trình độ giáo viên chưa theo kịp chương trình mới - 1

"Khoa học tự nhiên" và "lịch sử và địa lý" là hai cuốn SGK tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Mỹ Hà).

Việc chọn SGK được thực hiện theo Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, quyền quyết định dùng sách nào do Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập nên.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho rằng quy định này đã đặt ra ngoài thành phần quan trọng nhất là người sử dụng sách, tức người học và người trực tiếp dạy, theo đúng Nghị quyết 88.

Tuy nhiên, ông Rỹ cũng khẳng định rất khó để các giáo viên có quyền tự quyết trong việc dùng sách nào.

"Khâu tổ chức dạy học của mình vẫn nặng tư tưởng SGK là phương tiện chính thống, cơ bản. Ở các nước khác, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Giáo viên dựa vào đó để biên soạn bài giảng của mình. Còn ở ta thì không, giáo viên dạy cuốn nào chỉ biết cuốn đấy. Trừ các giáo viên giỏi.

Công tác kiểm tra đánh giá chỉ đạo của phòng giáo dục cũng muốn cả một cụm trường dùng chung một cuốn cho dễ chỉ đạo. 

Nhưng mặt khác, nếu để giáo viên thích dạy cuốn nào thì dạy, sẽ dẫn tới việc học sinh các lớp khác nhau dùng SGK khác nhau, và kiểu gì phụ huynh cũng kêu ca", ông Rỹ chia sẻ quan điểm.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ: Trình độ giáo viên chưa theo kịp chương trình mới - 2

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ là tác giả biên soạn SGK khoa học tự nhiên lớp 6, 7, 8 (Ảnh: HH)

Về câu chuyện dạy môn tích hợp, đặc biệt ở bộ môn khoa học tự nhiên (tích hợp ba môn vật lý, hóa học, sinh học), PGS.TS Vũ Trọng Rỹ khẳng định đây là cách mà rất nhiều quốc gia tiên tiến đã làm, không có gì mới.

Vấn đề nằm ở chỗ việc triển khai chương trình và chuẩn bị nguồn lực không diễn ra đồng bộ. Giáo viên vốn được đào tạo đơn môn, hoặc hai môn chính phụ (trình độ cao đẳng sư phạm toán - lý, hóa - sinh, văn - sử, văn không có giáo viên được đào tạo đa môn.

Lẽ ra các trường sư phạm mở phải mã ngành đào tạo sư phạm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội từ sớm, chuẩn bị đội ngũ khi chương trình giáo dục phổ thông mới chưa triển khai thay vì triển khai rồi mới đưa giáo viên đi bồi dưỡng.

"Đại học Sư phạm Hà Nội là đầu tàu của cả nước nhưng không đào tạo. Đơn vị đầu tiên đào tạo ngành sư phạm khoa học tự nhiên là Đại học Sư phạm của Đại học Thái Nguyên. Năm nay họ bước sang năm tuyển sinh thứ ba.

Như vậy cần chờ thêm hai năm nữa, khi những giáo viên đầu tiên của sư phạm khoa học tự nhiên được đào tạo bài bản ra trường mới có thể đánh giá tính hiệu quả của sách giáo khoa môn tích hợp", ông Rỹ khẳng định.

Ông Rỹ cho biết hiện các trường Đại học Sư phạm đều tổ chức lớp bồi dưỡng giáo viên dạy đa môn theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, song số lượng giáo viên được bồi dưỡng không đáng kể, đặc biệt là giáo viên ở các tỉnh thành miền núi, vùng sâu vùng xa.

Đa số các trường đều đang dạy môn tích hợp theo hình thức dùng ba giáo viên của ba phân môn dạy lần lượt từng môn. Điều này gây khó khăn cho công tác bố trí, phân công lịch giảng dạy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm