PGS Nguyễn Lân Trung: Nỗ lực theo cha để các con lại theo mình
GS Nguyễn Lân là một cây đại thụ trong ngành Giáo dục Việt Nam. Tấm gương lao động hăng say và nghị lực của ông đã truyền lại cho 8 người con.
Truyền thống hiếu học của gia đình còn lan tỏa sang thế hệ thứ ba. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên một đại gia đình hiếu học, tài hoa.
Không giáo điều, áp đặt
GS Nguyễn Lân đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Ông là một trong những người thầy Việt Nam đầu tiên giảng dạy ở Trường Bưởi và là người có công rất lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa Tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam. Ông là người đầu tiên của Việt Nam viết cuốn Lịch sử giáo dục học thế giới.
Ông đã được Bác Hồ tặng bộ quần áo lụa cùng dòng chữ “Tặng cho một giám đốc giáo dục có tài” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Dù theo đuổi những chuyên ngành khác nhau, nhưng cả 8 người con - 7 trai 1 gái - của cố GS Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.
“Gia đình chúng tôi có hai nơi để làm việc – đó là trường học và bệnh viện” - PGS Nguyễn Lân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tự hào.
“Ba tôi có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Ông luôn giáo dục con cái theo tinh thần yêu nước, với tâm niệm con cháu đất Việt phải yêu đất Việt, yêu đất Việt thì phải làm gì cho đất nước.
Và như một lẽ tự nhiên, ở trong một gia đình có truyền thống giáo dục nên chúng tôi cảm nhận nhiệm vụ trồng người có ý nghĩa lớn lao.
Phải là người “tốt bụng, tử tế”
“Với các con, ba mẹ còn là những nhà tâm lý tuyệt vời, hiếm khi nặng lời mà luôn giải thích cho con hiểu đúng lẽ phải. Ba tôi chưa bao giờ đánh con, 7 anh em trai chúng tôi thời xưa nghịch ngợm lắm. Nhưng khi có ai mắc lỗi, ba tôi bắt ngồi đấy, sau đó ba giải thích thiệt hơn.
Cốt lõi tư tưởng giáo dục trong gia đình của ba tôi có hai nguyên tắc: Lấy mình làm gương và biết chỉ ra con cái sai - đúng ở điểm nào. Vì thế, tôi cũng lấy những điều đó để giáo dục con. Chúng tôi biết ơn ba tôi rất nhiều, ba tôi rất nghiêm khắc nhưng không hà khắc. Điều đầu tiên ba tôi dạy chúng tôi là phải là công dân “tốt bụng, tử tế” (từ ấy ba tôi rất hay dùng)”, PGS Lân Trung chia sẻ.
PGS Nguyễn Lân Trung cho rằng không phải truyền thống gia đình là yếu tố duy nhất, nhưng trong giáo dục truyền thống gia đình có ý nghĩa rất lớn lao. Chính điều ấy làm cho quá trình giáo dục trong gia đình nhẹ nhàng đi rất nhiều, nó không lên gân lên cốt một cách cứng nhắc.
Thừa hưởng nền giáo dục từ cha, vợ chồng PGS Nguyễn Lân Trung tiếp tục phát huy truyền thống gia đình để dạy các con thành tài.
Hiện con gái của PGS Nguyễn Lân Trung là Nguyễn Ngọc Lưu Ly - Nữ PGS trẻ tuổi nhất của Việt Nam năm 2013, Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô 2014.
Đừng coi thường câu hỏi của con cái
Trong giáo dục con cái, PGS Nguyễn Lân Trung không hạn chế tư duy và sự phát triển của con cái. Ông luôn là người quan tâm giải đáp tất cả những câu hỏi của con một cách đầy đủ nhất.
Theo PGS, hiện nay nhiều bà mẹ khi được con hỏi, vì bận công việc thường trả lời con một cách qua quýt cho xong việc, điều đó không hề tốt. Đừng coi thường câu hỏi của con cái. Cha mẹ phải xây dựng niềm tin đối với con cái, để con cái muốn tìm đến mình để hỏi.
Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi của con cái, cha mẹ cũng cần dành thời gian thích đáng nghiên cứu những câu hỏi này. “Tôi luôn quan niệm như vậy nên hai con tôi là Nguyễn Ngọc Lưu Ly và Nguyễn Lân Trung Anh đi học rất nhẹ nhàng. Các cháu đều được tuyển thẳng vào đại học.
Nguyễn Ngọc Lưu Ly đoạt giải quốc gia tiếng Pháp, Nguyễn Lân Trung Anh được giải quốc gia về Lý, được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương. Trong cuộc sống và học tập, các cháu thường tìm đến vợ chồng tôi mỗi khi cảm thấy tự mình không giải quyết vấn đề nào đó hoặc còn băn khoăn về một giải pháp nào đó” - PGS chia sẻ.
Chú trọng mối quan hệ cha mẹ và con cái
Theo PGS Nguyễn Lân Trung, hiện nay trong gia đình thường diễn ra hai thái cực trong dạy dỗ con cái: Để con cái phát triển tự do (chỉ lo cung cấp vật chất đầy đủ) hoặc ngược lại áp dụng một sự quản lý hà khắc (cấm đoán). Làm sao để dung hòa được hai thái cực, cái đó mới quan trọng.
“Cái hiện nay các ông bố bà mẹ vì lý do công việc đang rất thiếu đó là sự đầu tư (đầu tư thời gian, trí tuệ, tinh thần) để hiểu con cái.
Đầu tư vật chất là tốt nhưng đó luôn là con dao hai lưỡi, chỉ có đầu tư trí tuệ và tinh thần mới là đầu tư về chiều sâu. Gia đình tôi là một gia đình rất Á Đông.
Chúng tôi luôn coi trọng và gìn giữ một không khí sum vầy, gần gũi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tôi luôn tâm niệm phải có một gia đình hạnh phúc để làm chỗ dựa tinh thần, cũng là môi trường tốt cho con cái trưởng thành” - PGS Nguyễn Lân Trung mỉm cười kết luận...