Part-time xấu: Học thuê

50.000 đồng/buổi học, 200.000 đồng/buổi thi - những khoản tiền này hiện đang là “lương” part-time (làm thêm) của nhiều sinh viên khi đi học thuê tại các lớp liên thông, tại chức. Vấn đề không mới nhưng vẫn diễn ra, tại sao?

Nghề “hái ra tiền”

 

Đang học liên thông tại Trường ĐH Lao động - Xã hội, H. cho biết, trong lớp thỉnh thoảng lại có những gương mặt “lạ”. Còn trẻ, lại mau mắn nên H. thường xuyên được các bậc anh chị nhờ tìm người học hộ. Mỗi buổi học kéo dài 2 - 3 tiếng, sinh viên học thuê sẽ được “chủ” trả 30.000 đồng. Theo H., đây là mức thù lao “bèo” nhất trong các trường. “Ở Trường ĐH Kinh tế hay Học viện Ngân hàng, thù lao phải là 50.000 đồng/buổi” - H. cho biết.

 

Tiếp xúc với T., một sinh viên có “thâm niên” trong “nghề” học hộ, T. cũng cho hay, cô đang học giúp một chị “bầu bí” tại Học viện Ngân hàng. Tiền công ở đây là 50.000 đồng/buổi học và 200.000 đồng/buổi thi. Không chỉ có lớp T. đang “diễn thế chân” mới có hiện tượng này mà tại lớp khác của Học viện Ngân hàng cũng diễn ra tình trạng tương tự. Một lần vào “nhầm lớp”, T. đã “đụng” phải một sinh viên khác cũng đi học thuê. T. bảo, công việc học hộ rất đơn giản, chỉ việc đến “điểm danh” rồi ngồi “ngáp” hoặc “ngủ” là đã được tiền. Mỗi tuần học 3 buổi, tròm trèm mỗi tháng thu nhập của T. từ công việc “tay trái” này cũng không đến nỗi nào.

 

“Học thuê như thế này mình được hưởng 100% công sức bỏ ra. Làm gia sư, vừa vất vả, vừa mệt lại còn bị trừ đầu trừ đuôi cho các công ty môi giới” – T. giảng giải. Chính vì vậy, để tạo “công ăn việc làm” cho các bạn khác, mỗi lần có chị nào đó trong lớp cần người học hộ là T. giới thiệu ngay.

 

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD - ĐT) nhận định về vấn nạn học thuê: Đây là điều đáng trách. Mượn kiến thức của người khác để đánh bóng tên tuổi của mình là điều không thể chấp nhận được. Bộ GD-ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo kiểm tra người học một cách nghiêm ngặt để làm sao ngăn chặn tình trạng này, lớp học đi theo đúng hướng, người học đi học một cách nghiêm túc. Người đi thuê người khác học hộ đã có chế tài xử lý như đình chỉ học tập hay buộc thôi học, còn người học thuê cũng phải xử lý nghiêm túc. Ngăn chặn tình trạng này phải xuất phát từ chính các thầy đứng lớp. Các thầy không thể đến lớp dạy mà không biết người ngồi nghe là ai. Bộ phận quản lý lớp cũng phải giám sát chặt chẽ, không thể dễ dãi.

Chuyện dài nhiều tập

Học hộ nhà trường có biết không? T. khẳng định là trường có biết nhưng chỉ người đi thuê mới bị “xử lý” còn người học thuê thì không vấn đề gì. Được biết, hiện nay công tác quản lý sinh viên tại các lớp tại chức, liên thông ở các trường đều bằng hình thức điểm danh và kiểm tra thẻ. Tuy nhiên, thời gian học diễn ra buổi tối nên người học thuê có thể dễ dàng đối phó. Không những thế, kể cả ở những buổi thi, người học thuê chỉ cần viện lý do “quên thẻ” là vẫn có thể thay vai trót lọt.

Tất nhiên, không phải lớp học nào cũng lỏng lẻo. H. cho biết, năm ngoái, tại lớp liên thông của cô ở Trường ĐH Lao động - Xã hội đã có một vài người bị đình chỉ học do bị nhà trường phát hiện thuê người học hộ. Không những thế, đối với những người học hộ cũng bị trường gửi công văn thông báo về trường và về tận địa phương. Năm nay, trước tình trạng học kỳ mới bắt đầu được hơn một tháng nhưng trong lớp đã phát hiện người đang học hộ, nhà trường đã cảnh báo sẽ tiến hành kiểm tra gắt gao hơn.
 

Biểu hiện lệch lạc của xã hội sính bằng cấp

Ông Nguyễn Đồng Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Lao động - Xã hội cho biết, vào đầu mỗi năm học, trường thường phổ biến rất kỹ cho sinh viên các lớp liên thông, tại chức nắm được nội quy, quy chế, trong đó có vấn đề học hộ, học thuê. Các buổi học, ngoài giảng viên đứng lớp, các lớp còn có nhân viên của Phòng Đào tạo tham gia giám sát. Nếu phát hiện trường hợp nào học hộ, trường sẽ đình chỉ học tập đối với người thuê học. Còn người học thuê, trường sẽ gửi thông báo về địa phương hoặc trường nơi người này đang theo học để xử lý.

Biện pháp mà ông Dũng nêu ra phát huy hiệu quả đến đâu, chắc bạn đọc cũng đã rõ. Có “cung” thì tất sẽ có “cầu”. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận xét, chuyện thuê học - học thuê cũng giống chuyện bằng tiến sĩ... mua ở nước ngoài, đều là những biểu hiện của tệ sính bằng cấp. Vậy nên chừng nào bằng cấp còn được coi là tiêu chuẩn tuyển dụng, cất nhắc (thay vì chỉ nên được xem như tiêu chí tham khảo), chừng đó, vẫn sẽ còn người được thuê học và phấn khởi coi đó như một part-time hấp dẫn.

Nguyễn Thu Nga, sinh viên Trường ĐH Công đoàn, cho rằng học tập là một công việc đòi hỏi tính nghiêm túc, không thể thuê hay nhờ người khác làm thay. Chính vì thế, mặc dù đi học thuê có thể giúp Nga nhận được mức thù lao cao hơn so với các công việc part-time khác (mà lại nhàn hơn) nhưng bạn sẽ không bao giờ chấp nhận một “lời đề nghị khiếm nhã” như vậy. Nga mong các bạn sinh viên dù còn khó khăn hãy dũng cảm nói “không” với tệ nạn học thuê!

 
Theo Hà Vi
Sinh Viên Việt Nam