Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào"

Ở nước ngoài, “Ngày hội cửa mở” là cơ hội để sinh viên “đột nhập” vào tất cả những nơi bình thường kín cổng cao tường nhất, kể cả Phủ Tổng thống.

Ngày hội di sản châu Âu

“Ngày hội di sản” là cơ hội để mọi người thỏa thích thăm thú các công trình kiến trúc, văn hóa mà ngày thường không được phép vào vì tính chất công việc, mỗi năm 4 ngày, vào tuần thứ 3 của tháng 9: Cung điện, nhà máy, tòa thị chính đến phòng tắm hơi, nhà thờ hay chùa chiền. Đó là cơ hội duy nhất để khám phá những kho tàng kiến trúc bị đóng cửa im ỉm quanh năm. Quốc Định (du học sinh trao đổi ở The Hague) đã tranh thủ đăng ký tham quan Tòa án Tội ác Quốc tế trong dịp này, bởi ngày thường, đây là nơi “không phận sự, miễn vào”.
 
Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 1
 
Bạn đồng hành với anh chàng trong chuyến đi tham quan tòa án là Phương Vi (du học sinh ngành Luật châu Âu). Vì cô bạn đang học ngành Luật châu âu nên chuyến đi lần này rất đáng chờ mong. Đây chính là nơi trực tiếp diễn ra những phiên tòa mà cả thế giới quan tâm và vốn được xem là Thủ đô công lý của thế giới.
 
Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 2
Năm 2010, có 50 quốc gia ở châu âu đã tham gia “mở cửa ” triển lãm các dự án, tòa nhà của mình. Thời gian mở cửa đón khách cũng dao động tùy quốc gia, từ khoảng tháng 8 đến tháng 11, nhưng cao điểm vẫn là vào tuần thứ 3 của tháng 9. Ở Paris, 3 công trình được chờ đón tham quan nhất và năm nào cũng luôn có một đoàn xếp hàng dài chờ đợi là: Điện Élysée (nơi ở của Tổng thống), các bộ và cung điện Luxembourg (nơi làm việc của Thượng viện). Bắt đầu từ năm 1995, mỗi năm lại có một chủ đề riêng, chẳng hạn, năm 1995 là “100 năm ngành Điện ảnh”, năm nay là “Hành trình Di sản”. Năm ngoái, Thanh Hương (du học sinh Pháp) đã may mắn lọt được vào hàng người đến thăm nơi ở của Tổng thống Nicolas Sarkozy – điều mà không phải người Pháp nào cũng có cơ hội.

Khúc biến tấu của “Ngày cửa mở”

Chính là… đêm-cửa-mở. Tiếp nối thành công của “Ngày hội di sản”, các nước châu âu lại bắt tay nhau tổ chức “Đêm của các bảo tàng” với sự tham gia của 3.728 bảo tàng trong năm nay (trong đó 97% các bảo tàng đón khách hoàn toàn miễn phí). Như tên gọi, khách tham quan sẽ được rộng cửa đón chào vào một buổi tối tháng 5, duy nhất trong năm. Cùng các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, các bảo tàng sẽ càng trở nên lộng lẫy hơn vào buổi tối đêm Hè đó. 
 
Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 3
 
Hoành tráng hơn, Paris còn sở hữu sự kiện “Đêm trắng”. Điểm hẹn của khách đến thăm là trường học, phòng nghệ thuật, nhà thờ, khách sạn, vườn nhà – tóm lại là tất cả những công trình thi ca và nghệ thuật ở khắp các hang cùng ngõ hẻm của “thủ đô Ánh sáng”. Từ Bruxelles tới Toroton, “Đêm trắng 2011” là sự kiện đáng chờ đợi nhất vào tháng 10 này vì đây là lần thứ 10, sự kiện được tổ chức và chủ đề của năm nay cũng rất là thần bí: Những ngôi đền thờ. Người dân Paris đã bắt đầu quen với những “đêm tháng Mười chưa cười đã tối” đặc biệt ấn tượng với nhiều hệ thống đèn được lắp đặt trên đường phố, các tác phẩm nghệ thuật đương đại tràn ngập phố phường và bảo tàng được mở cửa lúc nửa đêm, kể cả bảo tàng Louvre!
 
Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 4
 
“Ngày cửa mở” có gì thú vị?

Ngày 11/9, có dịp ghé thăm thành phố Leiden (Hà Lan), tôi và hai người bạn Việt đã vô cùng ngạc nhiên vì không khí lễ hội của ngày hội cửa-mở ở các công trình lịch sử nơi đây. Từ mục đích tham quan thành phố, tụi tôi đã chuyển hướng thành thăm các địa điểm mở cửa miễn phí để tận dụng ngày vui hiếm có.
 
Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 5

Thích nhất là bên trong các công trình luôn có người chờ sẵn để hướng dẫn và những nơi tụi tôi có dịp ghé thăm toàn là những tòa nhà vốn ngày thường cửa đóng then cài. Ba đứa tụi tôi đã có cơ hội vào tận hội trường của De Universiteit Leiden (trường đại học đầu tiên ở Hà Lan, ngôi trường mà nữ hoàng Beatrix đã từng học) và các tư gia cổ.

Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 6
 
Nếu không nhờ cơ hội này, tôi cũng không thể khám phá ra “quán Bar nhà thờ” với gác xép cổ được tận dụng làm bar, không thể tưởng tượng ra không khí ấm cúng của căn gác xép và ánh sáng thiêng liêng từ “Chiếc cửa sổ Hoa Hồng”,  đặc trưng trong nhà thờ ở châu âu - nơi vẫn có thể tận dụng làm quán bar. Ở căn nhà nơi từng là nơi ở của thị trưởng thành phố, tụi tôi còn được chụp ảnh kỷ niệm với Napoleon “bằng xương bằng thịt” do một người Hà Lan đóng giả. Tương truyền là trong quá khứ, vua Napoleon đã có lần cùng vợ đến đây để gặp gỡ ngài thị trưởng của Leiden.

Hãy mở cánh cửa gần bạn nhất

Sinh viên châu âu rất quen thuộc với ngày cửa mở ở các trường đại học. Viện ĐH Công nghệ Besancon (Pháp) luôn tổ chức JPO “Journée Porte-Ouverte” vào học kì II hằng năm để phổ biến thông tin, giải đáp thắc mắc về trường cho các sinh viên, phụ huynh “tiềm năng”. Xuyên suốt cả JPO là những hoạt động nối tiếp: Trò chuyện tiếp xúc các thầy cô dạy các chuyên ngành chính ở trường, tham quan cơ sở hạ tầng của nhà trường, giao lưu với sinh viên, gặp gỡ Ban Giám hiệu. Cả ngôi trường ngày hôm đó tấp nập người ra kẻ vào, tình nguyện viên toàn là sinh viên trong trường. Cô Simonot kể, vào kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ, sinh viên trường đã bí mật tổ chức hoạt động “ăn theo” JPO, thâu đêm. Đến 3h sáng, cả hội trường vẫn còn ầm ĩ tiếng mọi người chúc tụng gián tiếp Tổng thống Obama qua màn hình máy chiếu. Sinh viên trao đổi đến từ Mỹ năm đó hẳn đã có một kỷ niệm nhớ đời.
 
Open Day: Ngày "không phận sự.. mời vào" - 7

Vì rất nhiều những niềm vui nhỏ mà không nhỏ kể trên, những học sinh cuối cấp người Pháp thường có xu hướng lên lịch đến dự JPO ở các đại học khác nhau, đóng tại nhiều thành phố khác nhau, trước khi quyết định đăng ký vào trường hay không. Bảo Yến (du học sinh trường Sorbonne 1) chia sẻ: “Khi đến JPO ở tận trường, bạn sẽ được chính sinh viên của trường hướng dẫn tận tình, dẫn đi tham quan từ phòng học tới phòng lab, chứ không chỉ tiếp xúc thông tin một chiều như ở các buổi hội thảo bên Việt Nam mình. Mình đã được các anh chị sinh viên cho hẳn CV và thư xin vào trường khi hỏi họ kinh nghiệm”.

Ý tưởng của “Ngày hội di sản châu âu ” khởi phát bởi cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang, vào năm 1984 với tên gọi “Ngày mở cửa các di tích lịch sử”. Sau này, nó đã được Liên minh châu âu phát triển, đổi tên thành “Ngày hội di sản” và mức độ phủ sóng đã lan khắp các châu âu, xa hơn là sang tận các nước Bắc Mỹ.

Theo Trang Ami
Sinh Viên Việt Nam