Nữ tiến sỹ… nông dân
Người phụ nữ ấy có thể gây ấn tượng mạnh với bất kỳ ai lần đầu gặp gỡ bằng sự rạch ròi, mạnh mẽ, nguyên tắc nhưng lại hết sức cởi mở và nữ tính.
Đó là PGS.TS Phạm Thị Thùy - một trong ba phụ nữ tiêu biểu của giới khoa học Việt Nam được vinh danh vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Giải thưởng Kovalevskaia danh giá.
Người ta vẫn hay nói với nhau rằng: phụ nữ mà làm đến PGS thì ghê gớm lắm, còn thầy tử vi thì vẫn phán: đàn bà tuổi Giáp Ngọ “nhi nữ nhưng không thường tình”, tính tình ghê gớm, sắc sảo. Dễ thấy đúng nếu đem cái nhìn định kiến ấy “áp” vào PGS.TS. Phạm Thị Thùy chỉ sau một cuộc giao tiếp xã giao.
Song, một cách biện chứng, đó chính là tính cách cứng cỏi, quyết liệt đáng trân trọng mà - nếu thiếu nó - người phụ nữ không bao giờ có thể thành công trong sự nghiệp, nhất lại là sự nghiệp nghiên cứu khoa học, trong điều kiện làm khoa học đầy khó khăn, thiếu thốn như ở Việt Nam.
Nhìn vào danh sách 31 cá nhân được vinh danh suốt 25 năm Giải thưởng Kovalevskaia, PGS.TS. Phạm Thị Thùy là một trong số rất ít nhà khoa học không đảm nhiệm vai trò quản lý mà chỉ thuần tuý nghiên cứu khoa học. Điều đặc biệt ấy khiến cho những ai chưa biết về bà phải chú ý tới. Còn trong giới chuyên môn, chẳng ai lạ gì chủ nhân của hai chế phẩm nấm chất lượng cao nổi tiếng Beauveria và Metarhizium.
Lấy tiền mua nhà ra tu bổ phòng thí nghiệm
Ghi dấu ấn thành công từ rất sớm, khi chỉ mới 26 - 27 tuổi, cô tiến sỹ trẻ vừa tốt nghiệp nghiên cứu sinh từ nước ngoài trở về khi ấy đã được tin tưởng giao cho một phòng thí nghiệm, làm chủ nhiều đề tài lớn cấp bộ. Trong hoàn cảnh khoa học thiếu thốn đủ đường lúc đó, Phạm Thị Thùy đã không ngần ngại mang số tiền tích cóp định mua nhà của mình ra để sửa chữa, tu bổ lại phòng thí nghiệm, mua máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho nghiên cứu.
TS. Thùy lúc ấy đã bộc lộ quan điểm: “không bao giờ ngồi chờ tiền nhà nước mới làm. Làm khoa học mà chờ tiền mới làm thì không phải là khoa học”. Cô tiến sỹ trẻ luôn phát huy tối đa sự xông xáo, năng động, khi hợp tác với Viện Công nghệ thực phẩm sản xuất BT (một chế phẩm sinh học), mua BT nhập về hướng dẫn ứng dụng cho nông dân, khi nhận đề tài làm thêm ở nhiều nơi, lúc nào cũng tính toán căn ke chặt chẽ để có tiền làm gối tiếp từ đề tài này sang đề tài khác. Những lúc lăn lộn đi tìm nguồn kinh phí nuôi sống các đề tài khoa học ấy, Phạm Thị Thùy chắc hẳn không ý thức được rằng mình mang bộ óc của một nhà kinh tế giỏi.
Nhưng cũng bởi sự năng động, không chịu “ngồi chờ” rồi đổ lỗi cho cơ chế như một số người, TS. Thùy từng bị quy chụp là “tự tiện” và suýt bị kỷ luật. Rồi bị đồng nghiệp, cấp trên gây sóng gió cũng không ít. Nhưng càng bị cản trở, thì bà càng chứng minh được mình, càng khẳng định được chỗ đứng của mình. Tính cách cứng cỏi, quyết liệt không cho phép bà suy sụp hay bỏ cuộc. Với bà, cách đấu tranh hay nhất là im lặng làm việc, lặng lẽ làm việc, người ta đã giành lối đi này, thì mình rẽ sang lối khác, không giành giật với ai.
Chính vì thế, thay vì phấn đấu lên các vị trí lãnh đạo, bà chọn con đường dạy học - con đường mà bà vừa có thời gian chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học, vừa có thể truyền lại kiến thức của mình cho thế hệ trẻ, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Làm bạn với nhà nông
Đam mê công việc đến tận cùng là thế, vậy nhưng thủa niên thiếu, chưa bao giờ Phạm Thị Thùy lại nghĩ đến một ngày “làm bạn với nhà nông”. Không biết làm nông nghiệp và không hề thích làm nông nghiệp, tốt nghiệp Trường chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định, thi đạt học đạt 25 điểm, nhưng suýt chút nữa Thùy không được đi học đại học chỉ vì thành phần gia đình là Việt kiều Thái Lan. Cô gái trẻ phải lên tận Bộ Giáo dục đòi quyền lợi cho mình và trường Đại học Nông nghiệp I lúc ấy là sự lựa chọn mang tính gượng ép.
Chỉ đến khi ra trường, đi thực địa, được tận mắt chứng kiến sự khổ cực của người nông dân, Phạm Thị Thùy mới ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình, tâm niệm phải làm cái gì đó để thay đổi, cải thiện cuộc sống cho họ. Từ ý thức trách nhiệm mà khởi sinh niềm đam mê, càng đam mê lại càng tâm huyết, càng tâm huyết lại càng nảy nở sáng tạo.
PGS.TS. Phạm Thị Thùy tâm sự: “Làm nghề này, thiếu một trong ba thứ “trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo” thì không thể làm được. Nếu tạo ra một chế phẩm mới, một cách làm mới khó một, thì thuyết phục được người nông dân ứng dụng chế phẩm ấy, cách làm ấy khó gấp mười. Họ không bao giờ dễ dàng từ bỏ phương pháp canh tác quen thuộc được truyền từ cha ông để thực hiện một phương pháp mới của các nhà khoa học. Vì thế, nếu không kiên nhẫn với họ, không tâm huyết sống chết với nghiên cứu của mình, thì rất dễ nản lòng”.
Nghe bà kể về những chuyến thực địa vất vả mới thấy với những người làm khoa học về nông nghiệp như bà, nhiều khi thao thiết với mảnh ruộng hơn cả chính chủ nhân của nó. Cống hiến vì người nông dân, nhưng bị nông dân xua đuổi, bị từ chối, bị thờ ơ là chuyện thường tình. Ấy vậy mà bà cứ lăn xả vào, ra sức thuyết phục họ bằng cả lời nói lẫn việc làm.
Nhớ lần về Hà Tĩnh giúp nông dân trồng đậu, áp dụng phương pháp xới đất tơi lên gieo hạt chứ không đục lỗ gieo hạt như cách cũ, bà bị nông dân ở đây từ chối đây đẩy. Thuyết phục mãi họ mới cho làm. Những khi mưa xuống, nước ngập ruộng, nữ tiến sỹ cứ lo lắng đứng ngồi không yên trong khi chủ nhà thì bình thản. Mưa tạnh, nắng lên, giục mãi chủ nhà mới chịu ra đồng theo mình. Cứ kiên trì làm việc, chăm chút từng thửa ruộng như chính ruộng của mình, cho đến ngày ruộng đậu cho thu hoạch cao hơn hẳn các mùa đậu trồng theo cách cũ, chủ nhà mới hiểu ra và cảm ơn bà.
“Lúc nhận được củ khoai, củ sắn cảm ơn của người nông dân là lúc mình vui nhất, hạnh phúc nhất. Đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất cho những vất vả cống hiến của mình” - PGS.TS. Phạm Thị Thùy chia sẻ.
“Còn bây giờ, khi được nhận giải thưởng Kovalevskaia, tôi cũng rất vui và cũng rất… bâng khuâng. Hoá ra, những cống hiến của mình cuối cùng cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Uỷ ban Giải thưởng công nhận - một cách nghiêm túc và công bằng. Tôi tri ân bà Nguyễn Thị Bình và hai người tài trợ sáng lập Giải thưởng này. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu giải thưởng được trao cho mình cách đây 3 - 4 năm, chắc chắn mình sẽ được khích lệ hơn nhiều. Dù vậy, dù nhận được giải thưởng khi đã về hưu, tôi vẫn tự ý thức mình còn phải làm gì tiếp theo, phải tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu để giúp đỡ người nông dân, thay đổi nhận thức của họ và tiến tới thay đổi nhận thức của cộng đồng”.
Hẳn vậy, bởi bà vẫn đang tiếp tục công việc của một giảng viên cao cấp ở nhiều trường đại học, vẫn đang hằng ngày hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi. Và sắp tới, bà còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm Sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Việt Nam. Công việc với PGS.TS. Phạm Thị Thùy chưa thể dừng lại bởi tâm huyết lớn nhất của cuộc đời bà là xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh cho nông dân vẫn chưa làm được. “Tôi đã đề nghị và sẽ tiếp tục đề nghị Nhà nước cho xây dựng nhà máy này. Chừng nào chưa làm được điều ấy, tôi còn chưa yên lòng”.
Ai đó nói rằng: “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông là một người đàn bà. Đằng sau sự thành công của một người đàn bà là một khoảng trống đáng sợ”. Tôi đã đem câu ấy hỏi PGS.TS Phạm Thị Thùy - người phụ nữ đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, cống hiến toàn bộ cuộc đời cho khoa học và những người nông dân mà không lập gia đình, thì nhận được một nụ cười: “Bất kỳ một thành công nào cũng có cái giá của nó. Và tôi hài lòng với cái giá mà mình đã trả”.
Tôi tin điều ấy, khi ngồi trong căn nhà ngập tràn hoa tươi, dịu mát trong màu xanh của bể cá cảnh, tinh tế với những bức tranh treo trên tường dẫn lối lên cầu thang. Trên lầu ấy, là cả một trung tâm nghiên cứu cá nhân, nơi người phụ nữ vừa được vinh danh là “Kovalevskaia của Việt Nam” đang từng giờ từng phút cống hiến những giọt cuộc đời cho sự phát triển của nông thôn Việt Nam và của khoa học chân chính.
Theo Báo điện tử Tổ Quốc