Nữ tiến sĩ của buôn làng

Trò chuyện, hoặc cùng đi điền dã với Tuyết Nhung Buôn Krông là dịp may đầy thú vị đối với bất kỳ ai có niềm say mê về nghiên cứu văn hóa tộc người cùng vẻ đẹp tinh tế của xã hội mẫu hệ Tây Nguyên. Bởi, nữ tiến sĩ người Ê đê Bih này chính là người đã “tắm mình trong hơi ấm mẫu hệ” ấy.


TS Tuyết Nhung (bìa trái) về buôn.

TS Tuyết Nhung (bìa trái) về buôn.

Bán gà mua hồ sơ thi đại học

Cô giáo Tuyết Nhung, Trưởng Bộ môn Ngữ văn khoa Sư phạm, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên của trường Đại học Tây Nguyên là con gái thứ năm trong một gia đình có tới 12 người con ở buôn Mblơt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Trên căn nhà sàn dài của gia đình cô đã có sự giao thoa văn hóa Việt - Bih, vì mẹ cô mang hai dòng máu Việt (Mỹ Tho, Tiền Giang), còn bố cô là người Bih, một sắc tộc “nhánh” tỏa ra từ “cây” phả hệ Êđê, định cư lâu đời trên vùng bình nguyên ven sông Krông Ana.

Những đội chiêng nữ Êđê Bih chân trần thô mộc, tự tin và mạnh mẽ luôn là điểm nhấn độc đáo, được cổ vũ nồng nhiệt trong các lễ hội Voi và Cồng chiêng Tây Nguyên. Đội chiêng nữ Bih Krông Ana năm 2008 từng được Bộ Văn hóa chọn đi dự Festival dân ca dân vũ thế giới diễn ra tại Ý .

Được nuôi lớn từ chiếc nôi thấm đẫm hương vị đại ngàn, cô gái Bih chào đời năm 1971, luôn thấy đó là “duyên”, cũng là “nợ”, tự nhận mình phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương . “Từ rất bé, tôi đã được tham gia vũ điệu nhảy xoang, nghe hát eirrei, nghe kể aghan (sử thi), được “ngủ thăm” khi có lễ hội. Ở đó, trai gái buôn làng đều cháy hết mình theo những điệu xoang bên ánh lửa bập bùng, được thưởng thức những món đặc sản của người Êđê với rượu cần nồng nàn, cơm lam sốt dẻo, gà nướng thơm lừng cạnh đĩa cà đắng trộn cá khô đậm đà, cay bỏng vị muối ớt. Những điều rất đỗi chân thực và gần gũi ấy ngấm vào máu tôi lúc nào không hay...” - Tuyết Nhung tâm sự.

Tính cách tò mò, tư chất thông minh, Tuyết Nhung  ấp ủ làm được điều gì đó lớn lao hơn quê hương. Nhưng cuộc sống những ngày còn cắp sách đến trường đó còn hoang sơ và khó khăn đến nỗi suýt tí nữa đường học vấn của Tuyết Nhung bị đứt.

Một buổi cà phê sáng, hình dung lại chuyện cũ, Tuyết Nhung bật cười, kể cho tôi nghe: Hồi tốt nghiệp phổ thông, mẹ cho mình một con gà cồ bảo đi bán lấy tiền mua hồ sơ thi đại học. Mẹ dặn, con gà này đáng giá 49 đồng. Trời còn mờ tối mình đã mải miết đạp xe gần bảy cây số từ buôn Mblơt vào tận chợ Buôn Trấp rao bán gà, không ai trả tới giá đó. Mình đạp xe về trường, dựng xe cột gà ngoài hiên vào lớp học tới cuối buổi chở gà về trả lại cho mẹ. Thế là hết hạn, vẫn chưa mua được hồ sơ. May sao nhà trường phát hiện hồ sơ còn dư một bộ mà Tuyết Nhung chưa có, bèn cho không. Mình nộp hồ sơ đi thi, đậu vào đại học Đà Lạt. Suốt mấy năm học rất “tài tử” may không bị thi lại lần nào...


TS Tuyết Nhung trình bày nghiên cứu về bảo tồn văn hóa dân tộc.

TS Tuyết Nhung trình bày nghiên cứu về bảo tồn văn hóa dân tộc.

Xinh đẹp và giỏi giang

Tốt nghiệp sư phạm Ngữ văn Đại học Đà Lạt, Tuyết Nhung về nhận công tác ở trường Đại học Tây Nguyên, học thêm văn bằng hai về Tâm lý - Giáo dục, kết hôn với một đồng nghiệp cùng trường. Có hậu phương vững chắc từ chàng giảng viên người Chăm thông thạo nhiều ngôn ngữ ngành Công nghệ thông tin, luôn “đòi hỏi cầu toàn” với vợ, Tuyết Nhung càng có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các cuộc hội thảo và thực địa nghiên cứu. Năm 2005 tại trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM, cô đã bảo vệ thành công học vị tiến sĩ với đề tài “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Êđê”.

Đôi vợ chồng trí thức chỉ có một cô con gái nhỏ tự giác chăm ngoan, nên ngoài thời gian giảng dạy, Tuyết Nhung còn tham gia phản biện, viết nhiều bài viết chuyên đề sinh động, hấp dẫn cho các tạp chí về bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán đẹp đẽ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Từ năm 2007 đến nay, chị cùng chồng, tiến sĩ Công nghệ thông tin Văn Ngọc Sáng và cộng sự đã thực hiện thành công việc số hóa điện tử các từ điển Việt - Jrai, Jrai - Việt; Việt - Stiêng, Stiêng - Việt; M’nông- Việt, Việt - M’nông; Chăm - Việt, Việt - Chăm, làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Nghiên cứu lễ hội dân gian Êđê”, “Dân ca Êđê”, viết giáo trình dạy tiếng Êđê, giáo trình dạy tiếng Chăm trực tuyến. Chị còn tham gia làm đề tài cấp Nhà nước về “Vai trò của nhóm nguồn nhân lực cao đối với tiến trình phát triển kinh tế- xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên”, được mời tham gia nhiều đề tài về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của người Êđê, M’Nông, Jrai, Bahnar...

Nhiều công trình khoa học có công sức của tiến sĩ Tuyết Nhung được in thành sách và công bố  như cuốn “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Êđê” ; “Văn hóa ẩm thực Êđê”; “Sử thi Y’Khing Jú- H’Bia Ju Yâo” v...v... góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. “Để làm được những điều đó, ông xã tôi đã hỗ trợ và cộng tác rất hữu hiệu cho các công trình này”.- Tiến sĩ Tuyết Nhung hạnh phúc chia sẻ.

Nhìn nữ tiến sĩ xinh đẹp, giản dị luôn hứng thú chia sẻ những gì mình hiểu biết cho sinh viên và học viên, ai cũng cảm nhận được mong muốn của chị về việc hun đúc, lan tỏa niềm đam mê cho lớp trẻ. Số sinh viên ngưỡng mộ cô giáo “hát hay như ca sĩ, giảng tỉ mỉ như chuyên gia” ngày càng đông. Nhưng nhiều khi chị cũng không giấu được nỗi buồn lo trước thực tế nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc đang dần mất đi, thế hệ trẻ ở các buôn làng ngày càng quên lãng những tập quán tốt đẹp mà cha ông để lại. Tiến sĩ Tuyết Nhung tiết lộ, gần đây, đại diện của Trung tâm nghiên cứu thuộc trường Đại học Paris 7 đã kết nối với nhóm nghiên cứu của chị về việc hợp tác thực hiện công trình số hóa toàn bộ di sản Sử thi Tây Nguyên. Hiện chị đang viết dự thảo đề án, mong tạo được thêm một kênh thông tin giá trị hữu hiệu trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết và truyền bá văn hóa các dân tộc của Việt Nam ra thế giới.


TS Tuyết Nhung (thứ 3, phải sang) đưa sinh viên đi thực tế.

TS Tuyết Nhung (thứ 3, phải sang) đưa sinh viên đi thực tế.

Một trong những công trình thú vị gần đây do TS Tuyết Nhung cùng nghệ nhân Võ Văn Hải thực hiện, là cuốn sách bằng gỗ độc đáo, trên đó khắc chữ về cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Y Jút H’wing, “cha đẻ” của bộ chữ viết tiếng Êđê, ra mắt công chúng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 2015. Điều thôi thúc chị thực hiện việc này, là tên thầy Y Jút lâu nay đã được đặt cho những con đường, những trường học trên Tây Nguyên, nhưng những cống hiến lớn lao cả về sự nghiệp cách mạng lẫn sự nghiệp giáo dục của ông, thậm chí đến cái họ của ông, vẫn rất ít người biết đến.

Dày công thu thập lại nguồn tư liệu tản mác về thầy Y Jút xong, TS.Tuyết Nhung lo phần biên soạn và dịch thuật, còn nghệ nhân Võ Văn Hải ngồi khắc tỉ mỉ tới 3 tháng toàn bộ nội dung lên 12 trang sách chuốt bằng gỗ bạch tùng viền bằng gỗ cà te, nặng gần 50 ký, mang tên “Thầy giáo Y Jút H’wing - người con ưu tú của Tây Nguyên”. Toàn bộ chi phí thực hiện công trình độc đáo này, là từ tiền túi của 2 đồng tác giả. Mới đây, Tổ chức Kỷ lục đã công nhận đây là “Cuốn sách gỗ được viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Êđê, Anh, Pháp đầu tiên tại Việt Nam”...

TS.Tuyết Nhung chia sẻ : Trong các buôn làng Êđê, cảnh chồng đánh vợ, cãi vã xúc phạm nhau là điều rất hiếm thấy. Vì Luật tục - Bảo vật vô giá mà tổ tiên người Tây Nguyên đã dày công sáng tạo, vun đắp chính là bộ quy tắc đạo đức đã thấm sâu vào mỗi nhà sàn dài còn lưu truyền tập quán mẫu hệ.

PGS-TS Đinh Thị Phương Châm hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN cho biết: Viện đã nhiều lần mời TS.Tuyết Nhung hợp tác trong các đề tài nghiên cứu về văn hóa các dân tộc. Nhiều kiến giải của TS Tuyết Nhung với lối tư duy không áp đặt, tôn trọng cách nói cách nghĩ của đồng bào, thật sự am hiểu phong tục tập quán bản địa, giúp rất nhiều người thiếu thông tin về Tây Nguyên có thể hiểu đúng, hiểu sâu hơn về văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt về những giá trị cốt lõi, nhân văn của một thời xã hội đã qua đi nhưng vẫn còn giá trị đích thực.

Theo Hoàng Thiên Nga - Thiên Linh

Tiền Phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm