Nữ sinh ẵm học bổng thạc sĩ 1,6 tỷ đồng trường kinh doanh top đầu châu Âu
(Dân trí) - Trần Lê Trà Hương (SN 2001) - cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương - mới đây đã nhận học bổng toàn phần lên tới 1,6 tỷ đồng cho hai năm học thạc sĩ tại trường kinh doanh top đầu châu Âu.
Trà Hương từng là cựu học sinh chuyên Hóa trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội và là sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngoại thương. Trong quá trình học tập, Hương luôn đạt mức GPA xuất sắc trong tất cả các kỳ học và giành giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa.
Nhờ vậy, sau ba năm học tập tại Ngoại thương, cô gái sinh năm 2001 được chuyển tiếp một năm tại trường University of Huddersfield và tốt nghiệp bằng xuất sắc với điểm số cao nhất chuyên ngành.
Đồng thời, Trà Hương cũng nhận danh hiệu "Best performing student on Business with Financial services" dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc nhất ngành Kinh doanh - Dịch vụ tài chính của trường.
Sau khi tốt nghiệp ở Anh, cô quay trở lại Việt Nam hoàn thiện năm cuối tại Trường Đại học Ngoại thương. Hương đã xuất sắc đạt 9,4 điểm khóa luận tốt nghiệp và dự kiến sẽ nhận tấm bằng đại học thứ 2 vào tháng 9/2024.
Mới đây nhất, Trà Hương nhận được tin báo trúng tuyển học bổng toàn phần với mức hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho hai năm học thạc sĩ, bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí tại BI Norwegian Business School - trường Kinh doanh số 1 Na Uy và là một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở châu Âu.
Ngoài ra, cô cũng nhận nhiều học bổng thạc sĩ có giá trị từ các trường đại học thuộc Russell Group (nhóm các trường đại học nổi tiếng hàng đầu tại Vương quốc Anh), có thể kể đến như University of Liverpool, University of Birmingham, University of Southampton.
Hành trình chuyển tiếp đáng nhớ tại Anh quốc
Chia sẻ về cơ duyên đi học một năm chuyển tiếp tại Anh quốc, Trà Hương cảm thấy biết ơn cơ hội Trường Đại học Ngoại thương và khoa Quản trị Kinh doanh đã tạo cho sinh viên. Đứng trước lựa chọn giữa Anh, Mỹ và Thụy Sĩ, cô đã quyết định chọn trường University of Huddersfield tại đảo quốc sương mù.
Cựu sinh viên Ngoại thương bộc bạch: "Khi nhắc đến Anh, mọi người sẽ nghĩ đó là một đất nước không quá năng động, không được đa văn hóa như Mỹ. Nhưng thực tế khi sang đây học tập và trải nghiệm, mình nhận thấy hoàn toàn khác.
Mọi người đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, tỉ lệ sinh viên quốc tế ở trường cũng rất cao nên mình chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng hay cô đơn. Người Anh cũng rất thân thiện. Ra đường vốn dĩ chỉ là người lạ thôi nhưng chỉ cần chạm mắt nhau là mọi người sẽ mỉm cười".
Nhờ tính linh hoạt cao, cô gái thế hệ Gen Z này thích ứng rất nhanh, chỉ mất khoảng một tuần đến một tháng để làm quen với môi trường mới, không hề gặp trở ngại về văn hóa. Tuy nhiên, về học tập, cô lại có rất nhiều điều mới mẻ vì phải tự học, đọc và viết luận rất nhiều.
Nữ sinh Việt chia sẻ ban đầu cũng gặp khó khăn trong quá trình làm việc nhóm với bạn bè quốc tế bởi các bạn trong nhóm đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người đều có lối suy nghĩ và phong cách làm việc khác nhau.
Trong lần làm bài tập nhóm đầu tiên, nhóm của Hương đã bị điểm khá thấp so với kỳ vọng của cô. "Thật sự đây là sự thất vọng khá lớn, khi học ở Việt Nam mình chưa bao giờ bị điểm như thế.
Lúc đó mình đã trách bản thân rất nhiều, nếu như mình chịu khó kiểm tra lại bài kỹ hơn, dung hòa được các ý kiến bất đồng trong nhóm thì có lẽ kết quả của nhóm đã có thể tốt hơn", Trà Hương bộc bạch.
Qua trải nghiệm này, bài học cô rút ra để thành công trong môi trường quốc tế phải có tư duy cởi mở, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Đồng thời, người trẻ cần rèn luyện sự kiên nhẫn, cải thiện kỹ năng giao tiếp và lắng nghe hiệu quả.
Khi có bất đồng ý kiến, quan trọng là phải lắng nghe và cố gắng hiểu quan điểm của từng người, tiếp nhận ý kiến của người khác với tâm thế cởi mở, sau đó mới cùng nhau tìm giải pháp tốt nhất.
Chia sẻ về cách tốt nghiệp bằng xuất sắc với điểm số cao nhất chuyên ngành, Hương tâm sự: "Cứ chăm chỉ sẽ đạt được kết quả tốt. Hãy cố gắng theo đuổi, kiên trì với mục tiêu ban đầu mình đặt ra.
Vì mình biết tất cả những sinh viên Ngoại thương từng đi chuyển tiếp ở University of Huddersfield đều tốt nghiệp bằng xuất sắc, nên lúc mới sang Anh mình đã đặt mục tiêu nhất định phải tốt nghiệp bằng xuất sắc. Do đó mình đã dành rất nhiều thời gian để học tập và trao dồi kiến thức cho bản thân".
Những bài học thực tế từ việc tham gia hoạt động ngoại khóa
Trường ĐH Ngoại thương vốn nổi tiếng là ngôi trường với những sinh viên năng động, sôi nổi, cô gái Gen Z đã tham gia rất nhiều tổ chức sinh viên và giữ chức vụ trưởng ban.
Từ những kỹ năng và kiến thức học được khi làm hoạt động ngoại khóa, cô đã áp dụng vào trong quá trình học. Khi sang Anh, Hương đều đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm ở trong tất cả các môn học trên lớp.
Nữ sinh này chia sẻ bản thân chưa bao giờ cảm thấy có khoảng cách bản thân là sinh viên quốc tế còn các bạn là người bản địa: "Khi mình không tự phân biệt bản thân mình với mọi người khác, mình sẽ tự tin hơn. Mình đừng nghĩ mình là sinh viên quốc tế, mình muốn làm gì hãy làm thôi.
Mình luôn ứng cử vào vị trí trưởng nhóm vì mình tự tin. Dù đến từ quốc gia nào, mình và các bạn đều có năng lực kỹ năng như nhau thì tại sao mình lại không ứng tuyển để làm người lãnh đạo".
Dành lời khuyên cho các bạn học sinh, sinh viên chuẩn bị đi du học, cô cho rằng: "Hãy giữ một tinh thần cởi mở nhất có thể, bởi vì khi đi ra một môi trường mới, một đất nước mới, mình sẽ gặp rất nhiều thứ khác với lúc ở Việt Nam, có thể về cách suy nghĩ, cách sống... Nhưng hãy cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận thì mọi chuyện đều sẽ ổn và đều sẽ giải quyết được".
"Cứ đi rồi cuối cùng sẽ đến đích"
Quá trình săn học bổng thạc sĩ đã để lại cho cựu học sinh Chuyên Sư phạm nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cô gái đã mất hơn nửa năm để chuẩn bị toàn bộ hồ sơ. Đầu tiên, Hương xác định xem bản thân muốn học ngành gì, trường gì, ở quốc gia nào.
Tiếp đến, cô sẽ đi tìm hiểu xem các trường yêu cầu những gì, rồi dần dần chuẩn bị những giấy tờ đó. Trong đó, Hương cho rằng bài luận đóng vai trò khá quan trọng, khoảng tầm 40% số điểm nên đã đầu tư khá nhiều thời gian và viết khá nhiều lần.
"Mình thấy cấu trúc viết bài luận của các trường châu Âu khá giống nhau, hãy cố gắng viết làm sao để bài luận, CV (bản tóm tắt thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc…) và thư giới thiệu có sự liên kết với nhau, thể hiện được bản thân mình là ai, như thế tính thuyết phục của bộ hồ sơ sẽ tăng lên. Thứ giúp mình tạo ấn tượng là chứng minh được học vấn, kinh nghiệm của bản thân phù hợp với chương trình học", Hương bật mí.
Dành lời khuyên cho những bạn trẻ có mong muốn săn học bổng, Trà Hương khẳng định: "Nếu có dự định săn học bổng thì nên bắt đầu càng sớm càng tốt, hãy cố gắng kiên trì với mục tiêu và kế hoạch ban đầu. Cứ đi rồi cuối cùng sẽ đến đích.
Có những bạn sẽ mất một, hai năm, thậm chí là ba, bốn năm để chạm được đến ước mơ của bản thân. Nhưng miễn là ngày hôm nay mình đã bắt đầu làm một điều gì đó thì đã có ích rồi".