Nữ PGS trẻ Phạm Thanh Huyền: Quan trọng là phải có ý tưởng

(Dân trí) - 29 tuổi bảo vệ luận án Tiến sỹ, 35 tuổi chị được phong hàm Phó Giáo sư. Có thể khẳng định chị là Phó Giáo sư nữ trẻ nhất Việt Nam.

Đó là nữ Phó Giáo sư Phạm Thanh Huyền, Tổ phó bộ môn Công nghệ tổng hợp hữu cơ - hoá dầu, động học xúc tác, khoa Công nghệ Hóa học - ĐH Bách khoa Hà Nội. Báo Khuyến học & Dân trí đã có cuộc trò chuyện với tân Phó Giáo sư Phạm Thanh Huyền.

Chị đến với nghiên cứu Hóa học như thế nào?

Lúc đầu tôi định theo nghiệp của bố thi vào ngành công an. Nhưng khi vừa tốt nghiệp THPT thì cũng là thời gian dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị triển khai, tôi rất thích và từ bỏ ý định thi vào ĐH An ninh để  vào ĐH Bách khoa Hà Nội, học ngành Hóa dầu. Năm 1996,  tôi ra trường thì được Công ty Dầu khí Đa quốc gia Schlumberger tuyển. Sau 2 tuần làm việc bên Singapore và Indonesia, tôi đã trở về trường Bách khoa làm giảng viên.

Được làm việc cho Schlumberger là ước mơ của nhiều người khi đó, làm việc cho Schlumberger tôi được nhận mức lương 3.400 USD/tháng, về trường ĐH Bách khoa tôi nhận lương 50 USD/tháng. Lý do rất đơn giản là tôi muốn được gần gia đình và nghiên cứu Hóa học.
 
Nữ PGS trẻ Phạm Thanh Huyền: Quan trọng là phải có ý tưởng - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao giấy chứng nhận Phó Giáo sư cho Tiến sỹ Phạm Thanh Huyền.

Khó khăn nhất trong nghiên cứu khoa học của chị là gì?

Tôi dạy môn Công nghệ tổng hợp hữu cơ Hóa dầu. Đúng là ngành công nghệ hóa dầu rất khó với nữ và ngành này luôn có công nghệ mới, đòi hỏi mình luôn luôn phải tìm hiểu.

Là nữ thì mình không xông pha được như nam, lai hạn chế hơn về mặt thời gian. Những lúc phải làm thí nghiệm nhiều thì tôi tranh thủ gửi con cho ông, bà. Thậm chí có đợt đang làm thí nghiệm, tôi phải nhờ sinh viên trông hộ thí nghiệm để chạy về đón con. Nhiều lần tôi nhận được học bổng để làm việc ở nước ngoài có thời gian từ 6 tháng trở lên nhưng tôi đành từ bỏ vì không thể xa con và gia đình. Tôi chỉ ra nước ngoài thực tâp 1 - 3 tháng hoặc dự hội nghị từ 3 - 5 ngày.

Môi trường làm việc ở Việt Nam rất tốt

Theo chị, môi trường làm việc tại Việt Nam có làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giới trẻ hiện nay bị giới hạn?

Thực ra ở nước ngoài, môi trường làm việc rất tốt, thiết bị của họ luôn sẵn sàng phục vụ nghiên cứu và ở bên đó mình tập trung được thời gian 100% cho công việc. Năm 2003 tôi nhận được học bổng đi Áo 3 tháng, năm 2007 đi Ý một tháng, tôi tranh thủ làm việc trong phòng thí nghiệm 10-12 giờ/ngày, làm cả thứ 7, chủ nhật, nên 1 tháng tôi làm được công việc bằng 3-6 tháng mình làm ở Việt Nam.

Hiện nay, tôi thấy điều kiện nghiên cứu ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội so với nước ngoài là tương đối tốt, không thua kém nhiều, thậm chí một số thiết bị nghiên cứu của mình hiện đại hơn, vì cùng máy đó, mình đầu tư mới (nhưng việc khai thác thiết bị của mình vẫn còn hạn chế). Ngoài ra, nhà trường hiện nay rất tin tưởng và tạo điều kiện cho giới trẻ nghiên cứu khoa học. Quan trọng là mình có ý tưởng và mình có dám làm hay không. Ở trường ĐH Bách khoa HN, tôi thấy nhiều người sống đươc bằng nghiên cứu khoa học.
 
Nữ PGS trẻ Phạm Thanh Huyền: Quan trọng là phải có ý tưởng - 2
35 tuổi, Tiến sỹ Phạm Thanh Huyền được phong hàm Phó giáo sư.

Chị nhận xét về sinh viên hiện nay như thế nào?

Sinh viên hiện nay năng động và giỏi hơn chúng tôi ngày trước rất nhiều. Nhưng nhiều em sinh viên vẫn chưa định hướng được nghề nghiệp của mình. Chỉ có khoảng 20% sinh viên thực sự đam mê  nghiên cứu khoa học và rất giỏi cả về ngoại ngữ; 60% sinh viên thì bình thường; 20% sinh viên còn lại thờ ơ như là các em bị ép vào học.

Qua các cuộc thi Olympic quốc tế Hóa học hàng năm, tôi thấy khi đi thi về hầu hết các em đều kêu ca rằng không được thực hành nhiều, mất điểm so với các bạn quốc tế. Chị nghĩ thế nào?

Chính xác, vì ở trường phổ thông ít có điều kiện làm thí nghiệm. Thực ra ở trường đại học cũng thiếu nhiều về thực hành. Ngay ĐH Bách khoa HN, các phòng lab cũng chưa đủ. Bộ môn tôi chỉ có vài phòng thí nghiệm mà có tới hàng trăm sinh viên nên rất thiếu thốn, vậy nên cần phải đầu tư thêm dụng cụ thí nghiệm, trang bị thêm nhiều phương tiện để SV thực hành.

Xin cảm ơn chị!

 

Hướng nghiên cứu chính của PGS. Phạm Thanh Huyền là: Nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng các chất xúc tác và chất hấp phụ cấu trúc vi mao quản và mao quản từ nguyên liệu trong nước; Nghiên cứu, chế tạo một số chất xúc tác và chất hấp phụ rắn thế hệ mới đa cấu trúc, ứng dụng trong một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ lọc - hóa dầu, tổng hợp hữu cơ và bảo vệ môi trường.

Chị đã có 29 công trình nghiên cứu khoa học được công bố.

Đề tài/dự án nghiên cứu chị đã tham gia thực hiện trong 5 năm gần đây:

- Xúc tác phức axetyl axetonat kim loại: tổng hợp, đặc trưng và ứng dụng cho phản ứng oxi hoá saccaroza sản xuất phân bón lá, B2004-28-154, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2004-2005, Chủ nhiệm

- Aplication of organic complexon to convert kaolin into some common zeolites, Đề tài nghiên cứu hợp tác Quốc tế Việt-Bỉ, VLIR-HUT IUC PJ1, 2004-2006, Đồng Chủ nhiệm

- Hoàn thiện công nghệ sản xuất các vật liệu zeolit từ khoáng sét Việt Nam và gibbsit phục vụ chăn nuôi gia súc và bảo vệ môi trường, Đề tài Ươm tạo công nghệ số 01/2005-2006-ĐHBKHN, Bộ KH & CN và Bộ GD & ĐT, 2005-2006, Tham gia chính

- Nghiên cứu công nghệ sản xuất chất hỗ trợ đất phục vụ nông nghiệp nông thôn, B2006-01-72 TĐ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trọng điểm, 2006-2007, Chủ nhiệm

- Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ có kích thước nanô   từ nguyên liệu trong nước để giảm thiểu các độc tố trong khói thuốc lá, KC.02.16/06-10, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2008-2010, Chủ nhiệm.

 
 
 
Bài và ảnh: Hồng Hạnh