Nữ PGS trẻ nhất năm 2013 và niềm tự hào dòng họ Nguyễn Lân

Năng động, trẻ trung, sinh ra trong gia đình “Nguyễn Lân” nổi tiếng, là mẹ của 2 con và hiện đang giữ trọng trách là Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp,... đó là phác họa chân dung nữ Phó giáo sư trẻ nhất năm 2013 Nguyễn Ngọc Lưu Ly (32 tuổi).

Nữ PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly trẻ trung bên cạnh chồng và con trai lớn
Nữ PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly trẻ trung bên cạnh chồng và con trai lớn.

 

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly chia sẻ niềm vui với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại:

Đây là một tin tuyệt vời, không chỉ riêng tôi mà còn của cả gia đình, vì tất cả mọi người đều luôn theo sát, ủng hộ tôi ngay từ đầu. Chỉ có điều, chúng tôi không đột ngột đón nhận tin vui này. Vì để được công nhận chức danh phó giáo sư là cả một quá trình dài làm hồ sơ rồi qua nhiều vòng xét chọn.

- PGS Lưu Ly có thể chia sẻ vài thông tin cơ bản, giúp bạn đọc hình dung về nữ phó giáo sư trẻ nhất năm nay?

- Tôi tốt nghiệp sư phạm tiếng Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) từ năm 2003, sau đó may mắn được giữ lại trường giảng dạy. Cũng thời gian đó, tôi học chuyển tiếp lên tiến sĩ và hoàn thành việc bảo vệ luận án tiến sĩ đầu năm 2009. Hiện tại, tôi vừa làm công tác giảng dạy, vừa là Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp. Về gia đình riêng, tôi và chồng bằng tuổi. Tôi có hai cháu, con trai lớn 8 tuổi, bé gái út 1,5 tuổi.

 

- 32 tuổi đã trở thành PGS, đặc biệt lại là một nữ giáo sư về ngành Khoa học xã hội, chị có bí quyết gì để có được thành công hôm nay?

- Tôi nghĩ mình là người may mắn bởi có nhiều điểm tựa. Trước hết, đó là một gia đình có truyền thống nghiên cứu. Từ ông nội là NGND, GS Nguyễn Lân đến các bác Lân Việt, Lân Dũng, Lân Cường, Lân Tráng,... đều là nhà tri thức đi theo con đường nghiên cứu. Truyền thống ấy đã “ngấm” vào tôi rất tự nhiên.

 

Quan trọng hơn, tôi được gia đình rất yêu thương, ủng hộ, không chỉ ba mẹ và em trai mà cả gia đình nhà chồng. Cũng phải kể đến cái nôi Trường ĐH Ngoại ngữ, nơi tôi được giữ lại làm công tác giảng dạy ngay từ khi tốt nghiệp ĐH. Đó cũng là nơi giúp tôi có điều kiện phát triển, giảng dạy và thử nghiệm những phương pháp mới để nghiên cứu ở cấp độ sâu hơn.

 

Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của thầy cô và đồng nghiệp. Có thể nói, ngoài nỗ lực của bản thân thì những điểm tựa trên là động lực không nhỏ giúp tôi có được thành công ban đầu như ngày hôm nay.

"Làm nghiên cứu khoa học trước hết phải có ý tưởng và xuất phát từ thực tế. Cá nhân tôi luôn hướng về nghiên cứu hành động để giúp kết quả nghiên cứu của mình mang tính ứng dụng cao hơn". - PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly

- Sinh ra trong gia đình Nguyễn Lân nổi tiếng, chị có bao giờ cảm thấy áp lực đè nặng lên mình?

- Nhiều anh chị em họ của tôi khi còn nhỏ thường nói chuyện vui với nhau đó là áp lực. Để có được thành công mọi người đều phải cố gắng, bởi kiến thức không thể vô tình rơi từ chỗ nào đó vào đầu của mình. Tuy nhiên, sống trong gia đình có truyền thống, mình có được môi trường nghiên cứu, có thể trao đổi với mọi người về công việc. Nhất là tôi không phải suy nghĩ, lựa chọn nhiều việc nên đi theo con đường nào vì con đường nghiên cứu đến với tôi rất tự nhiên, nhiều khi như là bản năng vậy.

- Được nghe kể trong thời gian làm tiến sỹ và PGS cũng là thời gian chị sinh con. Chị làm thế nào để thu xếp hoàn thành xuất sắc cả thiên chức làm mẹ và nghiên cứu khoa học?

- Tôi nghĩ mình khá thực tế, thích đi du lịch với bạn bè, thích đi chơi cùng gia đình cũng như thích nhiều công việc đời thường khác chứ không phải cả cuộc sống dồn trọn cho nghiên cứu.

Tuy nhiên, những khoảng lắng sinh con lại chính là lúc tôi có nhiều thời gian cho việc đọc hơn. Làm công việc nghiên cứu, với tôi việc đọc phải luôn “bám rễ” bên mình, nhất là với ngành Ngôn ngữ, càng không thể tách rời việc đọc. Hiện nay có nhiều sách hay và mạng cũng rất mở, giúp mình có nhiều phương tiện để tiếp cận với tài liệu hơn. Với tôi, việc đọc không chỉ dừng lại ở những kết quả, thành tựu nghiên cứu bằng tiếng Việt mà bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp..., để có thể cập nhật được thành tựu nghiên cứu của thế giới.

- Công trình nào Chị mất nhiều tâm sức cũng như hài lòng nhất trong con đường làm nghiên cứu của mình tính đến nay?

- Ở mỗi giai đoạn sẽ có những mục tiêu khác nhau, Ví dụ, Ngay từ khi bắt đầu bước chân vào ĐH tôi đã bắt đầu dò dẫm những “tác phẩm” nghiên cứu đầu tay và giờ đọc lại vẫn thấy rất ngộ nghĩnh. Còn nhớ, năm thứ nhất, thứ hai gì đó, tôi nghiên cứu về tính nữ của tượng Phật trong chùa Việt Nam; rồi nghiên cứu về trọng âm tiếng Pháp để ứng dụng cho người Việt học tiếng Pháp... Những công trình ấy dù nhỏ bé nhưng đó là những viên gạch đầu tiên trong quá trình nghiên cứu về sau.

 

Tôi cứ đi từng bước, như trèo từng bậc thang như vậy, không nhảy cóc, không đốt cháy giai đoạn. Đầu tiên là làm cái nhỏ, sau đủ kinh nghiệm tích lũy, bạo dạn hơn, có phương pháp đúng hơn và tư duy sáng sủa hơn dần sẽ làm cái lớn vừa sức mình lúc đó hơn.

- Hiện tại chị có nuôi ý tưởng nào về một công trình khoa học để đời không?

- Dự định thì có, thậm chí rất sáng rõ trong đầu nhưng gọi là để đời thì quả thực chưa dám nói. Chưa muốn nói đến cái gì cụ thể nhưng tôi muốn hướng đến những nghiên cứu mang tính liên ngành và tôi nghĩ đó cũng là xu thế chung. Bởi nếu chỉ ngành nào biết ngành đó, không có sự tương hỗ, qua lại sẽ phục vụ cuộc sống ít hơn.

- Với những bạn trẻ yêu nghiên cứu khoa học, chị có chia sẻ gì giúp họ quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng?

- Điều đầu tiên, theo tôi là phải đọc. Nếu không đọc thì nhiều khi những điều mình viết ra sẽ ngô nghê và không bắt mạch được với xu thế hiện có. Thứ nữa là phải có ít nhất một ngoại ngữ. Cũng rất quan trọng là phẩm chất mạnh dạn, tự tin vào bản thân, đặc biệt không nên dấu dốt. Có nhiều cách để chia sẻ với thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp giúp sáng rõ dần những khúc mắc. Cuối cùng là phải kiên trì, thấy con đường chông gai mà bỏ dở giữa chừng sẽ lãng phí vô cùng.

Kinh nghiệm nhỏ từ bản thân. Khi tôi làm nghiên cứu sinh cũng như khi viết sách chuyên khảo, tôi không để một mục tiêu lớn trước mắt mà chia ra thành từng mốc nhỏ để giảm đi áp lực, cũng như để có những niềm vui nho nhỏ khi đạt được một kết quả trong mỗi giai đoạn nào đó. Tôi cũng không tự tạo ra áp lực cho mình và chính vì không cảm thấy áp lực mà tôi làm mọi thứ dễ dàng hơn, đạt kết quả cao hơn.

- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

 

Theo Hiếu Nguyễn

GD&TĐ