Nữ hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Harvard

(Dân trí) - Grew Gilpin Faust - vị nữ hiệu trưởng đầu tiên trong lịch sử của trường ĐH Harvard đã chính thức nhậm chức hôm thứ Sáu tuần trước. Ngay sau đó, bà đã kêu gọi các trường ĐH phải làm sao để “nắm được thế chủ động trong việc xác định rõ chúng ta phải chịu trách nhiệm về cái gì”.

Theo Faust - vị tiến sĩ năm nay vừa tròn 60 tuổi, nhà sử học và nguyên là viện trưởng Viện Radclifffe thì: “Bản chất của một trường đại học, đó là nơi duy nhất chịu trách nhiệm đối với những gì đã qua và những gì sẽ xảy ra trong tương lai, chứ không chỉ đơn giản là những gì đang diễn ra trong hiện tại”.

 “Trường ĐH là nơi học tập và rèn luyện suốt một đời, học tập và rèn luyện để lĩnh hội những di sản, những tinh hoa của nhân loại đã kết tinh qua hàng nghìn thiên niên kỷ; là nơi học tập để tạo nên hình hài của tương lai”.

Bà cũng đã lên tiếng phản đối áp lực từ phía chính phủ đặt ra cho các trường đại học là phải chứng minh rằng các trường đang chịu trách nhiệm về công tác giảng dạy qua việc xác định rõ họ đã giảng dạy như thế nào. Thay vào đó bà đã kêu gọi chính bản thân các trường đại học và sau đại học phải làm sao để “nắm được thế chủ động trong việc xác định rõ chúng ta phải chịu trách nhiệm về cái gì”.

Tại một cuộc phỏng vấn trước lễ tuyên bố nhậm chức, Tiến sĩ Faust cho biết trong khi giáo dục bậc đại học và sau đại học chính là một đóng góp quan trọng cho đào tạo nguồn nhân lực thì nền giáo dục bậc cao này nên cố gắng làm được nhiều hơn là chỉ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực cạnh tranh cho nền kinh tế toàn cầu.

Bà đã tôn trọng và làm theo câu nói nổi tiếng của nhà Nhân chủng học W.E.B. Dubois: “Giáo dục và đào tạo là những đòn bẩy nâng con người lên”.

Trong bản báo cáo cuối cùng năm ngoái, ban thư ký giáo dục Hoa kỳ đã kêu gọi các trường đại học công phải đo lường kết quả học tập thông qua các bài kiểm tra đã được tiêu chuẩn hóa, phải kiểm soát chất lượng các trường đại học và phải rà soát những thay đổi trong hỗ trợ tài chính.

Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Faust đã đưa ra lời biện hộ rất rõ ràng về vai trò truyền thống của các trường đại học là “người quản gia của truyền thống”, là nơi “các triết gia cũng như các nhà khoa học” sinh sống.

Tiến sĩ Faust trở thành người lãnh đạo cao nhất của ngôi trường Đại học nhiều tuổi và giàu truyền thống nhất Hoa Kỳ đúng một năm sau khi ông Lawrence H Summer từ chức.

Bà đã bày tỏ những giá trị và chủ điểm mà bà nói rằng bà hi vọng sẽ xác định được trong nhiệm kỳ của bà. Tuy vậy bà đã khẳng định lại cam kết của trường Harvard là đưa nền giáo dục của trường vào top trường luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên từ mọi tầng lớp xã hội. Trước đây,Tiến sĩ Summer đã thành công với chính sách giúp đỡ những sinh viên từ những gia đình có mức thu nhập thấp hơn 60 nghìn đô la Mỹ một năm có thể theo học tại Harvard mà không phải chịu bất kỳ khoản nợ nào cả.

Bà cũng khẳng định tầm quan trọng của Harvard là luôn ở vị trí hàng đầu trong các nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó bà cũng nhấn mạnh về những giá trị nhân văn truyền thống của ngôi trường danh giá bậc nhất nhất nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới này.

 

Catharine Drew Gilpin Faust sinh ngày 18/9/1947, là một nhà sử học và là nữ hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Harvard kể từ năm 1672 mà không hề tốt nghiệp trường ĐH danh tiếng bậc nhất này.

Faust sinh ra và lớn lên tại Hạt Clarke, bang Virginia, trong một gia đình giàu truyền thống đã sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị.

Tốt nghiệp Học viện Concord bang Massachusetts năm 1964, Faust tiếp tục theo học cao học Quản trị kinh doanh tại tại trường ĐH Bryn Maw, tiến sĩ triết học tại trường ĐH Pennsylvania năm 1975. Cùng năm đó, bà tham gia làm việc tại khoa Penn với tư cách là phó giáo sư.

Năm 2001, bà được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp cao Radcliffe. Là một chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, bà là tác giả của năm cuốn sách đã xuất bản trong đó nổi bật nhất là cuốn Những người mẹ của sáng kiến, với cuốn sách này bà đã giành giải thưởng Francis Parkman năm 1997- giải thưởng thường niên trao cho các nhà sử học Hoa Kỳ.

 

Mai Hương

Theo The New York Times