Nóng bỏng cuộc chạy đua vào lớp 6

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về vấn đề không thi tuyển vào lớp 6, nhưng sức nóng của cuộc chạy đua vào lớp 6 vẫn không giảm nhiệt. Đến thời điểm này, các trường chuyên ở Hà Nội vẫn chưa tìm ra phương án tuyển sinh, nên việc của các cô cậu học sinh nhí vẫn là miệt mài học thêm.

Thi vào lớp 6 năm 2014 tại Hà Nội.
Thi vào lớp 6 năm 2014 tại Hà Nội.

Chạy đua học thêm

Theo khảo sát của chúng tôi, các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội như Trường THCS Amstedam, Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường THCS Cầu Giấy... chưa công bố phương án tuyển sinh của mình. Học sinh thi vào những trường này thường phải đối diện với tỷ lệ chọi khá cao, 1/10; 1/15; thậm chí 1/20 như trường THCS Ams.

Để chen một chân vào những trường hot này, các em học sinh tiểu học đã phải bắt đầu "cuộc đua" từ năm lớp 4, thậm chí lớp 3. Cho nên, dù có quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 thì với những trường này buộc phải có một phương án nào đó để lựa chọn học sinh theo tiêu chí của họ. Xem ra trên thực tế, sức nóng của áp lực thi cử vẫn không hề nguội.

Tại các lò luyện ở Hà Nội vẫn chật kín học sinh từ ca chiều đến ca đêm, nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật. Các trung tâm luyện thi lớn như trung tâm Bồi dưỡng Học mãi, trung tâm Trí Đức, học sinh tấp nập đến học thêm. Ngoài ra, còn có nhiều thầy cô chuyên luyện thi vào Trường Ams, Trường Cầu Giấy học sinh chen nhau đăng ký. Nhiều thầy cô có uy tín ở Hà Nội như thầy Trung, cô Hằng, thầy Hiếu dạy toán, bố mẹ phải xếp hàng từ năm trước và học sinh muốn theo học cũng phải vượt qua cửa ải đầu tiên là một bài test để chọn.

Trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội, nhiều năm có tỷ lệ học sinh đậu vào THCS Amsterdam cao, có chương trình học khá bài bản và sát sao các cuộc thi tuyển. Thế nhưng, các em học sinh ở trường này vẫn miệt mài tham gia học thêm ở ngoài. Nhiều em sau giờ tan trường, ăn tạm chiếc bánh mì và đợi bố mẹ chở thẳng đến nơi học thêm. Thậm chí có em đang học dở ca này, phải bỏ để maraton kịp một ca khác quan trọng hơn. Mỗi học sinh ngoài những giờ học chính khóa, còn có thêm ít nhất 2 đến 4 buổi đi học thêm toán và tiếng Việt ở các trung tâm.

Cô Nguyễn Thị Mỵ, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngôi sao nói: "Hiện nay có hiện tượng các em học sinh đi học luyện thi quá nhiều, nhiều em lên lớp mệt mỏi, buồn ngủ, không tiếp thu được bài vở. Nhiều em suốt ngày chỉ cắp sách đi học hết trung tâm này đến trung tâm khác, chứ không có thời gian tự học, xem lại bài vở. Điều đó, vô hình trung đã đánh mất tính sáng tạo của học sinh, biến các em thành những cỗ máy giải toán, viết văn. Nếu thử ra đề khác đi một chút, nhiều học sinh máy móc không làm được".

Cô Xuân Thân, giáo viên văn của trường Amsterdam cho rằng: "Học sinh trước hết cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, để thời gian tự học, tự đọc sách sẽ giúp các em thi tốt vào các trường chuyên, chứ không cần thiết phải chạy đua đi học thêm như thế. Học trên lớp còn không xong thì thử hỏi học thêm còn ý nghĩa gì. Đó là nhồi nhét chứ không phải học".

Thế nên mới có chuyện, học sinh muốn thi vào trường nào, phải tìm đến thầy cô dạy trường đó để luyện. Và mỗi em phải theo ít nhất hai lò luyện. "Việc ôn luyện nhiều ở lò với nhiều phương pháp khác nhau, khiến học sinh bị loạn phương pháp. Nhiều khi học sinh đến lớp mỏi mệt vì học thêm, không tiếp thu được kiến thức, thậm chí càng học càng kém", cô Mỵ nói.

Thực trạng đó không chỉ xảy ra ở học sinh Trường Tiểu học Ngôi sao mà còn ở rất nhiều trường trên địa bàn Hà Nội. Con đường thi đậu vào các trường chuyên ở Hà Nội hình như không có ngã rẽ nào khác ngoài việc đến các lò luyện thi.

Chị Hường ở quận Cầu Giấy, có con chuẩn bị vào lớp 6. Chị tha thiết muốn con được vào Trường THCS Cầu Giấy, vì với chị đó là môi trường tốt nhất để con phát huy khả năng của mình. Hằng ngày, sau giờ đi làm, chị Hường tất bật về đón con đến nhà thầy học thêm, một tuần 4 buổi. Thầy giáo sợ phụ huynh cho con bỏ học giữa chừng nên ra điều kiện, muốn theo học thầy phải đóng tiền một cục học đến hè. Nên dù nhiều lúc mệt mỏi với "sự nghiệp" thi cử của cậu con, chị Hường vẫn phải kẽo kẹt chở con đi học thêm.

Anh Minh cũng bận rộn không kém. Vợ anh quyết tâm cho con thi vào Amsterdam. Nhưng vợ bận, nên mọi việc đưa đón dồn hết cho anh. Sau giờ làm, anh vội vàng phi xe về đón con đến các điểm học thêm. "Hơn một tháng nay, con phải thức đến 2h sáng mới giải quyết hết bài tập ở lớp và bài tập học thêm. Tôi xót con lắm, nhưng biết làm sao, các bạn cũng học như thế mà con mình không học thì thi sao được". Anh còn chia sẻ, con anh theo lò luyện vào trường Amsterdam từ năm lớp 4, từ học trung tâm, rồi sau đó, thuê giáo viên dạy riêng.

Tư duy luyện gà nòi

Tư duy "luyện gà nòi"

Nhiều chuyên gia cho rằng, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 nhằm giảm tải việc học cho học sinh cấp 1, xóa bỏ việc học thêm, dạy thêm, xóa bỏ trường chuyên lớp chọn, điều đó thực sự cần thiết. Nhưng thực tế, có giải quyết được tận gốc vấn đề không khi áp lực vào các trường chuyên, lớp chọn cấp 2 luôn căng như dây đàn. Và một câu hỏi đặt ra là, có cần thiết phải đưa con trẻ vào những cuộc chạy đua của bố mẹ như vậy không khi các em đang tuổi ăn, tuổi chơi. Việc hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện kỹ năng sống quan trọng hơn nhiều việc giải được một bài toán khó. Do áp lực từ phía nhà trường, hay do áp lực từ chính phụ huynh đang kéo con em mình vào guồng quay không đáng có đó.

Theo Giáo sư Văn Như Cương, áp lực thi không chỉ nằm ở việc thi tuyển hay không thi tuyển mà ở tư duy của người làm giáo dục và từ chính bố mẹ của các em học sinh. Theo ông, việc thi tuyển ở một số trường đặc thù vẫn không nên bỏ. Và học sinh không cần thiết phải chạy đua nhau học thêm như thế. Chỉ cần các em nắm vững kiến thức cơ bản của sách giáo khoa, có chính kiến và có hiểu biết về xã hội nhất định, các em sẽ thi tốt. Ông cũng gay gắt với việc ra đề quá khó, mang tính đánh đố và luyện gà nòi đối với học sinh.

"Sự nghiệp giáo dục phải nhìn dài hơi, chứ không phải là những thành tích trước mắt. Chắc gì những em thi đậu vào Ams theo cách luyện gà nòi ở lớp 6 sẽ phát huy tốt khả năng của mình trong chặng đường phía trước", Giáo sư Văn Như Cương thẳng thắn.

Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh

Tôi nghĩ, việc các ông bố, bà mẹ chạy đua cho con đi học thêm để thi vào lớp 6 đang là một vấn đề bức thiết. Chúng ta đang chạy theo những giá trị ảo mà quên mất việc những đứa trẻ ấy sau này ra đời sẽ như thế nào, hành xử trong cuộc sống của nó ra sao.

Việc luyện thi ngày đêm sẽ đánh mất cá tính sáng tạo của các em học sinh. Con chúng ta cứ tự hào giải được bài toán khó này, nhưng không biết rồi những hành xử trong cuộc sống của nó sẽ ra sao. Bố mẹ sao không quan tâm đến chuyện đó. Điều đó rất nghiêm trọng, nó là một vấn nạn chứ không phải là chuyện thường.

Tư duy luyện gà nòi

Người ta lập ra các trung tâm luyện thi ở đây cũng vì lợi nhuận. Đọc bài thi của một học sinh không tham gia luyện thi ở trung tâm nào sẽ biết ngay vì giọng của các em vẫn giữ được sự hồn nhiên, không khuôn mẫu. Tôi nghĩ, cần phải cấm tuyệt đối việc dạy thêm, luyện thi vào lớp 6 cho các em học sinh, bởi điều đó đã đánh mất đi cá tính sáng tạo của các em và làm hỏng tư duy của học sinh.

Còn việc thi tuyển vào một số trường đặc thù tôi nghĩ cũng cần phải duy trì. Vì chúng ta phổ cập giáo dục phổ thông. Nhưng những trường tư thục họ có những tiêu chí riêng của mình, không thể phổ cập được. Chúng tôi cũng đang bế tắc không biết sẽ lựa chọn phương án nào cho phù hợp. Bởi cái lý của Bộ là phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở, hiện tại chúng ta đã phổ cập từ nông thôn đến thành thị rồi. Còn những trường đặc thù không nhiều, không thể phổ cập được.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội):

Tư duy luyện gà nòi

Tôi nghĩ, không thi tuyển vào lớp 6 để tiến tới xóa trường chuyên ở bậc THCS là đúng. Thực tế đã chứng minh, nếu còn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 thì còn học thêm, dạy thêm và áp lực căng thẳng này tiếp tục đè nặng trên đôi vai của học sinh tiểu học. Việc bỏ "mác" trường chuyên cũng cần thiết vì xóa bỏ đặc quyền của nó và thúc đẩy các trường THCS thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.




Theo Cảnh Sát Toàn Cầu