Đại hội gia đình hiếu học, cộng đồng KH tỉnh Ninh Bình lần thứ 2:
Nơi tụ hội của sự chia sẻ khó khăn, niềm vui thành đạt
(Dân trí) - Ngày 31/7/2007, Hội KH tỉnh Ninh Bình tổ chức đại hội Gia đình hiếu học dòng họ, cộng đồng khuyến học lần thứ 2. Đại diện của 150 gia đình hiếu học xuất sắc, 54 dòng họ, thôn - phố khuyến học tiêu biểu tụ hội về đây.
Các đại diện gia đình hiếu học (GĐHH) đã cùng sẻ chia những gian nan, vất vả; cùng chia vui trước sự thành đạt; cùng trao đổi những bài học, kinh nghiệm.
Đại hội vinh dự có chủ tịch Hội KH Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, cùng lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các ban, ngành trong tỉnh đã đến dự.
Từ trước khi có Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng GĐHH đã trở thành phong trào sâu rộng, phát triển liên tục và bền vững ở Ninh Bình.
Đến tháng 7/2007, Ninh Bình đã có 112.091 hộ đăng ký phấn đấu trở thành GĐHH, chiếm 52% số GĐ trong tỉnh; qua bình xét theo tiêu chuẩn có 65.996 gia đình đạt chuẩn GĐHH các cấp, bằng 58,9% gia đình đăng ký. Mỗi gia đình trên đều có những hoàn cảnh điều kiện rất khác nhau nhưng họ đều có chung một ý tưởng, một khát vọng là xây dựng gia đình trở thành gia đình học tập, sống hoà thuận, hạnh phúc tạo môi trường để mọi thành viên đều đuợc học tập vươn lên làm chủ cuộc sống. Điều đặc biệt là hầu hết các gia đình ở đây đều vượt qua khó khăn để nuôi con ăn học thành đạt, có ích cho xã hội.
Gia đình Ông Mai Văn Thái, dân tộc Mường theo Công giáo ở xã Quảng Lạc, vùng quê kinh tế kém phát triển nhưng vợ chồng ông đã bám ruộng, bám rừng tần tảo nuôi con ăn học, và đã thực hiện được khát vọng: cả ba người con đã và đang học đại học.
Ở huyện Kim Sơn, gia đình ông Lê Xuân Điều xóm 1, xã Văn Hải cũng là một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đã nuôi dạy bốn người con đã trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học. Còn ở huyện Gia Viễn, gia đình bà Trần Thị Hồng ở xã Gia Hưng cũng là một tấm gương tiêu biểu: chồng là thương binh nặng, kinh tế gia đình khó khăn nhưng đã nuôi dạy hai con tốt nghiệp đại học đã có công ăn việc làm, hai người con khác đang học đại học.
Đất Cố đô Hoa Lư cũng có rất nhiều gia đình nông dân hiếu học thành đạt. Ông Phạm Văn Chi, thôn Quán Vinh, xã Ninh Hoà, vợ mất khi ông 50 tuổi để lại bốn người con, 1 bị tàn tật, 3 đang học phổ thông... Ông ở vậy " gà trống nuôi con", dốc lòng, dốc sức, chắt chiu nuôi con ăn học. Các con ông không phụ lòng cha, quyết tâm vượt khó, vừa lao động, vừa miệt mài đèn sách tu chí nên người: 1 tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, 1 Đại học Y khoa, 1 Đại học Quân sự.
Ở Ninh Bình có những GĐHH thật đặc biệt ở nhà chùa, nhà thờ; đó là sư bác chùa Đông Trang (Yên Ninh Tự) xã Ninh An, Hoa Lư; sư bác Thích Diệu Nhân (Bùi Thị Duyên), mấy năm nay đã nhận nuôi 18 cháu mồ côi hoặc có hoàn cảnh bi thương. Các cháu đều được học hành tử tế: 4 cháu học mầm non, 7 cháu học tiểu học, 7 cháu học THCS. Linh mục Phê rô Nguyễn Hồng Phúc chánh xứ Phát Diệm có nhiều hoạt động tham gia KH ở địa phương. Thông qua Hội khuyến học (HKH) huyện Kim Sơn, HKH xã Lưu Phương, Linh mục đã dành nhiều suất học bổng trợ giúp cho các em học sinh nghèo vươn lên chăm ngoan học giỏi...
Cũng từ thực tiễn của phong trào xây dựng GĐHH, cộng đồng KH ở Ninh Bình đúc rút một số kinh nghiệm sau: Muốn xây dựng xã hội học tập phải xây dựng được GĐHH (thực chất là GĐ học tập), nói cách khác không xây dựng được GĐHH thì không có xã hội học tập.
Xây dựng GĐHH gắn liền với xây dựng gia đình văn hoá, lấy GĐHH làm nòng cốt vì cái gốc bền vững của gia đình văn hoá là GĐHH. Xây dựng GĐHH, cộng đồng KH phải đi đôi và gắn liền với xây dựng và phát triển nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ. Đầu tư trí tuệ và của cải để xây dựng GĐHH là sự đầu tư hiệu quả nhất góp phần quan trọng vào việc giảm bớt và tiến tới loại trừ tệ nạn xã hội.
Đại hội GĐHH, cộng đồng KH tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu đến năm 2010 có tổng số 175.000 hộ gia đình đăng ký bằng 80% tổng số hộ; hàng năm có từ 70% đạt danh hiệu GĐHH các cấp trở lên. Gắn kết phong trào xây dựng GĐHH với phong trào gia đình văn hoá, dòng họ KH, thôn phố KH với phong trào cộng đồng dân cư văn hoá; xây dựng Ninh Bình sớm trở thành xã hội học tập.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm vui mừng khi thấy Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế còn có nhiều khó khăn nhưng các gia đình, thôn xóm, dòng họ đã vượt khó vươn lên. Kinh nghiệm KH của phong trào Ninh Bình đã đóng góp, làm giàu thêm kho tàng kinh nghiệm cho phong trào KH toàn quốc.
Bùi Đình Hà