Nỗi niềm cô hiệu phó tuổi 25

(Dân trí) - “Học sinh người dân tộc Hà Nhì chưa ý thức việc học để làm gì. Đây là những khó khăn trong quá trình vận động các em quay lại trường lớp cho dù dùng cả biện pháp mềm dẻo cho đến răn đe”.

Đó là tâm sự của cô giáo Lý Mỹ Ly, Trường Tiểu học nội trú số 1 Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Học mang cái chữ về cho bà con

“Rất may mắn, bố tôi lúc nhỏ đã được nhà nước nuôi cho ăn học và được công tác tại trường thiếu niên dân tộc số 1, huyện Mường Tè. Ông cũng đã trải qua nhiều cương vị và đặc biệt, ông là đại biểu Quốc hội khoá IX” - Mỹ Ly tâm sự

Bố mẹ Mỹ Ly rất quan tâm tới chuyện học hành của con. Bố Ly mong muốn gia đình mình là tấm gương gương mẫu cho bà con dân tộc Hà Nhì hiểu được sự học, dù có phải vay mượn đến mấy. Chỉ có cái chữ mới có thể giúp bà con thoát nghèo.

Mỹ Ly nhớ lại: “Từ nhỏ, 7 anh chị em trong nhà luôn biết bảo ban nhau học hành. Mẹ tôi luôn nhắc nhở, việc học là cả đời, kiến thức rất vô vàn. Chúng tôi luôn nhớ mẹ dặn thế nên dù học ở đâu cũng cố gắng.

Có lẽ mẹ là điểm sáng để cho anh em tôi học hỏi. Mẹ không biết chữ nhưng luôn mong muốn con cái biết nhiều chữ.

 

Tôi còn nhớ như in cái ngày 7 anh em đã khóc trong vòng tay của mẹ. Ngày ấy gia đình rất khó khăn, bố mẹ đã phải vay 10 triệu để trang trải tiền học cho chúng tôi. Khi anh em biết tin, mẹ chỉ nói: Bố, mẹ cố gắng cho các con học tập để mang cái chữ về người dân tộc Hà Nhì”.

Nỗi niềm cô giáo vùng cao

Đối với Lý Mỹ Ly thì việc đưa con chữ đến với con em người dân tộc Hà Nhì là tâm nguyện cho dù con đường phía trước không hề đơn giản một chút nào.

“Người dân tộc Hà Nhì vẫn còn phân biệt trọng nam khinh nữ nên đa số học sinh nữ không muốn đến trường. Chính vì vậy để làm thay đổi cách tư duy này đối với người dân nơi đây thực sự rất khó khăn. Họ luôn quan niệm phụ nữ đến tuổi (tầm khoảng 15-16 tuổi) thì phải lập gia đình” - Mỹ Ly cho hay.

Chỉ mới 25 tuổi nhưng Mỹ Ly đã được cử làm hiệu phó của Trường Tiểu học nội trú số 1 huyện Mường Tè. Trách nhiệm nặng nề cùng với tâm huyết đưa con chữ đến với tất cả những người dân tộc Hà Nhì đã làm cho Mỹ Ly già trước tuổi.

“Hiện tại trường chúng tôi đã có hai học sinh bỏ học. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các em trở lại trường cho dù có khó khăn đến đâu” - Mỹ Ly tâm sự.

Mỹ Ly còn cho biết thêm, ngoài sự khó khăn do cách suy nghĩ của người dân tộc Hà Nhì thì vấn đề sách giáo khoa cho học sinh nơi đây cũng là điều đáng phải bàn. Hầu hết học sinh đều không có đầy đủ sách để học. Giáo viên phải lặn lội đi tìm từng quyển sách cũ cho các em.

Chúng tôi tin tưởng rằng, ở thị trấn Mường Tè xa xôi, dù mưa hay nắng thì người dân nơi đây vẫn sẽ bắt thường ngày bắt gặp hình ảnh quen thuộc của cô giáo Ly miệt mài vừa đến trường, vừa đến từng nhà dân vận động học sinh đi học trở lại.

N.H