Nỗi lòng giáo viên duyên muộn

(Dân trí) - Ở ngôi trường cấp 2 huyện bán sơn địa Kỳ Anh (Hà Tĩnh), rất nhiều thầy giáo phải sống cuộc sống đơn chiếc dù họ rất muốn lập gia đình. Cuộc sống khắc nghiệt nơi đây là một phần khiến họ không thể tìm được một nửa của đời mình.

Những câu chuyện có thật

 

Thầy giáo H., giáo viên một trường cấp 2 huyện Kỳ Anh tâm sự: “Với tôi, ra trường được bố trí công việc, gần chục năm công tác tôi đã rất muốn lập gia đình, nhưng thật sự rất khó khăn. Không phải vì tôi kén chọn nhưng sự khác biệt về môi trường sống, điều kiện công việc nên tôi đã tìm mãi một nửa của đời mình mà vẫn chưa thành”.

 

Năm nay đã ngoài 30, thầy H. ở trường T. (xin được giấu tên) đã có gần chục năm công tác. Với mức lương và chế độ của một giáo viên vùng sâu vùng xa, cuộc sống của thầy không đến nỗi khó khăn. Dù rất tha thiết ổn định gia đình nhưng đến bây giờ, thầy H. vẫn đơn chiếc một mình. Thầy H. tâm sự rất thật: “Kiếm cho mình một “nửa cuộc đời” còn lại thật chẳng dễ dàng chút nào. Đó là cả một câu chuyện dài kỳ”.

 

Thầy kể: Trường có gần 40 thầy cô giáo nhưng đến hơn 2/3 là giáo viên nam, số giáo viên nữ còn lại phần lớn cũng đã có tổ ấm gia đình. Cứ vào năm học mới, anh em trong trường lại hy vọng sẽ có những giáo viên nữ được phân về nhưng hy vọng mãi chỉ là hy vọng. Một phần vì cuộc sống nghèo và khắc nghiệt nơi đây khiến các cô giáo "sợ", không dám dấn thân.

 

Thầy H đã mạnh dạn “chuyển hướng” sang các trường lân cận nhưng ở các trường đó cũng đang có rất nhiều thầy giáo ở vào hoàn cảnh của thầy.

 

Không kết duyên được với đồng nghiệp, thầy chỉ còn biết hy vọng vào những người con gái tại địa phương. Nhưng sự khác biệt về môi trường sống, điều kiện công việc là một khoảng cách khó vượt qua.

 

Một giáo viên khác hiện đang công tác tại một ngôi trường ở miền thượng Kỳ Anh kể: “Trường mình chủ yếu là anh em, số nữ ít, có cũng đã lập gia đình hoặc có người yêu. Mấy năm nay, cứ mỗi lần bước vào năm học mới, trường có 2, đến 3 cô giáo mới về công tác. Cô nào cũng được các thầy rất quan tâm. Thậm chí, có cô cùng lúc được 3, 4 thầy để ý”.

 

“Nóng” nhất trong số những ngôi trường có nhiều thầy giáo “duyên muộn” có lẽ là trường PTCS Kỳ Lợi, ngôi trường nằm sát mép biển, cách đèo Ngang vài chục km. Trường có 40 giáo viên, 13 nữ, 27 nam. Nhiều thầy đã ở độ tuổi ngoài 30, phần lớn mong muốn lập gia đình, nhưng như lời thầy hiệu trưởng Trần Văn Sỹ là “không dễ”.

 

“Có được một cô giáo trong trường thì hay biết mấy, vì phù hợp với cuộc sống sau này, nhưng giáo viên nữ về công tác mỗi năm được 1, 2 người thì cũng ngần ấy người chuyển đi. Còn nhìn ra ngoài thì khó lắm, lao động, học trí, cuộc sống là một khoảng cách giữa các thầy với chị em ở địa phương. Hơn nữa, những ngôi trường như chúng tôi đây dạy hai buổi mỗi ngày, tối lại lo giáo án nên anh chị em không có nhiều thời gian tìm hiểu”.

 

Tại trường PTCS Kỳ Thượng - ngôi trường nằm cheo leo trên vách núi của miền thượng - câu chuyện đi tìm tổ ấm luôn là vấn đề “thời sự” của anh em trong trường. Hay như trường PTCS Kỳ Đồng (xã Kỳ Đồng), PTCS Kỳ Sơn, PTCS Kỳ Lạc (xã Kỳ Lạc) cũng không thiếu những hoàn cảnh muộn mằn như thầy H.

 

“Đi tìm điệu lý thương nhau”

 

Phần lớn những hiệu trưởng mà chúng tôi gặp đều cho biết, nhà trường đã đề cập nhiều lần với Phòng giáo dục trong việc phân bổ giáo viên nữ về trường để tạo cơ hội cho các thầy có điều kiện tìm hiểu lứa đôi, xây dựng tổ ấm gia đình.

 

Thầy giáo Nguyễn Quốc Anh - Trưởng phòng giáo dục huyện, người đã có thời gian dài làm giáo viên ở nhiều xã miền thượng Kỳ Anh - rất trăn trở đến thực trạng này: “Đó là một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của anh em. Biết thế nhưng rất khó cho chúng tôi”.

 

Vài năm nay Phòng Giáo dục Kỳ Anh đặc biệt quan tâm đến việc phân bổ giáo viên trước mỗi năm học mới, xem đó là một giải pháp nhỏ hy vọng giúp nhiều thầy cô giáo đến được với nhau và cố gắng này cũng đã giúp nhiều thầy tìm được hạnh phúc của mình. Trường PTCS Kỳ Thượng năm qua vừa có đám cưới, chú rể là một thầy “duyên muộn”, còn cô dâu là một trong ba cô giáo mới được phân về trường.

 

Nhiều trường nỗ lực tổ chức các hoạt động văn hoá giải trí, tạo cơ hội cho các thầy gặp gỡ, giao lưu. Điển hình như trường PTCS Kỳ Lợi, xây dựng đơn vị kết nghĩa, giao lưu với một vài đơn vị khác đóng trên địa bàn, trong đó có lực lượng biên phòng, cầu cảng Vũng Áng. Tuy nhiên, giải pháp này của trường Kỳ Lợi chưa thấy mang lại kết quả nào.

 

Và câu chuyện “duyên muộn vùng xa” vẫn cứ tiếp diễn…

 

Minh San - Văn Dũng