“Nói là làm” - Trào lưu mất trí!
1.000 like đốt trường, 40.000 like tự thiêu... đó chỉ là hai trong số vô vàn những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ trong trào lưu mạng Việt Nam, nói là làm. Hơn thế, dù bị dư luận lên án gay gắt nhưng trào lưu này vẫn đang được nhiều bạn trẻ, nhất là trẻ vị thành niên, lan truyền rất mạnh.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với các chuyên gia tâm lý, giáo dục, xã hội học quanh trào lưu "kỳ dị" trên.
Nguy cơ phạm tội từ trào lưu "đốt đền"
Đại tá, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết: “Với những hiện tượng, xu hướng không lành mạnh lại được “cổ vũ” của cộng đồng ảo rất dễ đưa những người chưa thành niên có những hành vi lệch chuẩn, ảo tưởng và ngông cuồng. Vì thế, những hành động theo kiểu “kẻ đốt đền” để “nổi tiếng” bằng mọi cách, thậm chí là phạm pháp thời gian qua đã xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ. Đây thực sự là một hiện tượng đáng lo ngại. Và từ những hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, nguy hiểm đó đến sự trượt dài vào con đường lầm lỗi và phạm tội là một khoảng cách không xa, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Để hạn chế những hiện tượng đáng lo ngại trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và kiên trì. Tuy nhiên, điều quan trọng và trước hết là mỗi gia đình cần phải hết sức quan tâm giáo dục, quản lý con em mình. Ngay từ trong gia đình phải định hướng được cho các em những giá trị đúng đắn thông qua những quan hệ ứng xử hàng ngày.
Hãy để các em sống, sinh hoạt đúng với lứa tuổi và thời đại của mình nhưng nền tảng gia đình vẫn mang tính bền vững. Cần phải giúp các em tránh bị cuốn vào những hiện tượng, trào lưu không lành mạnh, nhất là trước những ảnh hưởng không mong muốn hoặc lành mạnh từ truyền thông và mạng xã hội. Gia đình phải trở thành “pháo đài bảo vệ các giá trị”.
TS. Nguyễn Văn Vịnh: Cần cách tiếp cận mềm mỏng
TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho hay: “Theo tôi, đây là một trào lưu rất ngu xuẩn! Đó là một sự ngu xuẩn thách thức xã hội. Bởi trong mọi trường hợp, việc tự hủy hoại bản thân mình là một hành vi không thể chấp nhận. Vậy, nó lại đang được cộng hưởng, được like, được share... gây tâm lý rất hoang mang trong cộng đồng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi muốn nhấn mạnh những người tham gia trào lưu "Việt Nam, nói là làm" đa phần là những em học sinh tuổi vị thành niên. Các em chưa đầy đủ trưởng thành về mặt nhận thức cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hơn thế, các em lại đang ở "tuổi nổi loạn", muốn mình thành trung tâm, muốn thể hiện mình.
Cũng từ đó, chúng ta cần có những biện pháp "mềm" để các em hiểu và lên tiếng một cách tích cực. Gia đình, nhà trường, hãy lắng nghe các em, hãy để các em lên tiếng, để các em thể hiện mình bằng những cuộc trao đổi, những cuộc thi vui, bổ ích.
Và thay vì chỉ nhắm mũi dùi chỉ trích để các em nhỏ phản kháng gay gắt hơn, truyền thông nên đưa những tiếng nói công tâm, thấu hiểu những học sinh tuổi vị thành niên. Cốt lõi, truyền thông nên đưa thông tin để các em học sinh mới chập chững trước ngưỡng cửa cuộc đời hiểu: bản chất cuộc đời vô vàn điều phức tạp, đó không đơn giản là những nút like. Nhưng câu chuyện này thì khá dài”.
TS Phan Quốc Việt: Lo cống hiến, đừng vội mơ nổi tiếng!
Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chuyên gia tâm lý, người nhiều năm nghiên cứu và giáo dục tâm lý học sinh chia sẻ: “Chuyện đổ xăng phóng hỏa đốt trường là quá nguy hiểm hơn cả chuyện các học sinh nữ đánh bạn hội đồng trước đó. Đây không phải “nói là làm” mà là quá khích. Người ta “nói là làm” là làm những việc có ích cho xã hội, có ích cho bản thân. Còn "tự thiêu", "đốt trường" vì like phạm 2 tội: vừa phạm vào tài sản công, vừa tự hủy hoại mình. Theo luật, xâm phạm tính mạng người khác là tội nặng, còn tự hủy hoại mình là tội gì? Không ai đi làm cái việc tự hủy hoại mình cả, chỉ có người mất trí mới làm việc này.
Tóm lại những trào lưu “câu like” như vậy là loại mất trí, không có việc để làm. Ai cũng muốn nổi tiếng cả, nhưng phải phấn đấu hết mình, “hữu xạ tự nhiên hương” và quan trọng nhất là giá trị cuộc sống. Các bạn trẻ hãy cống hiến đi chứ đừng mong vội nổi tiếng.
Trong tất cả các sách, kể cả sách Phật, tự làm hại mình chỉ là người rồ dại, bất bình thường. Những người cổ vũ, reo hò xung quanh cũng là những người vô công rồi nghề, không chịu làm, không chịu học và đầy ác ý. Đây là những hành động quá nguy hiểm, cần ngăn chặn và kỷ luật nặng”.
Theo Mỹ Mỹ - Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa