“Nội chiến” gia đình chuyện chốt hạ trường cấp 3 cho con
Kỳ thi vào lớp 10 kết thúc, nhiều phụ huynh chuyển từ tâm trạng lo lắng thắc thỏm sợ con trượt sang tâm trạng phân vân, thậm chí mất ăn mất ngủ vì con trót đỗ nhiều trường.
Mai Linh (Ba Đình, Hà Nội) dở khóc dở cười khi thấy bố mẹ tranh cãi về việc chọn trường để học. Vốn học khá nên ngoài việc thi cấp 3 bình thường, Linh còn thi Chuyên Ngữ (ĐH Quốc gia, Hà Nội) và thi Cấp 3 nội trú FPT. Trước lúc thi, nhà cô căng thẳng vì lo kết quả thi không như ý. Thi xong, nhà Linh lại rơi vào thế giằng co, bố thì muốn con gái học trường cấp 3 gần nhà, mẹ thì kiên quyết cho Linh học Chuyên ngữ “để hết cấp 3 đi du học luôn”. Cuối cùng, Linh tỉ tê với bà nội và bác cả, để mọi người ủng hộ cô bé chọn trường nội trú.
“Ba năm nữa đằng nào con cũng đi du học. Mà muốn đi du học thì hồ sơ tốt đã đành, kỹ năng sống còn phải tốt nữa. Học nội trú là một điểm cộng vào hồ sơ đấy”, Linh phân tích rành mạch, nghe rất “người lớn”.
Thật ra, cô bé bật mí mình “chấm” trường nội trú FPT còn vì một lí do tưởng như rất “trời ơi”: Thích học thiên về nghệ thuật. Điều này thì các trường Linh thi đều thiếu vắng. “Cháu chỉ mong bà và bác giúp cháu thuyết phục bố mẹ.” 9 năm đi học suốt ngày vùi mình trong các lớp học thêm, Linh thật sự muốn được học khác đi, được sinh hoạt CLB nghệ thuật, được học kỹ năng sống, thậm chí được trồng rau như nông dân ở một vườn trường thực thụ chứ không phải vườn “mô phỏng” như các trường cấp 3 khác.
Ngược với trường hợp của Mai Linh, Tuấn Anh gần như trầm cảm khi bố mẹ can thiệp sâu vào việc chọn trường. Thi đỗ chuyên Toán trường cấp 3 chuyên Thái Nguyên, Tuấn Anh háo hức mong đến ngày nhập học. Nhưng bố mẹ cậu nhất định nằng nặc yêu cầu con xuống Hà Nội học chuyên Tự nhiên. “Thời của bố, được vào Tổng hợp là nhất con ạ!” là điệp khúc bố mẹ cậu tua đi tua lại đầy tự hào. “Lý không phải đam mê của em. Nhưng chắc em đành nghe theo bố, tiếp bước truyền thống học sinh Tổng hợp của cả nhà”, Tuấn Anh rầu rĩ nói. Với cậu, ngày khai giảng và nhập trường không còn là sự kiện đáng để mong chờ. “Biết vậy, em làm bài thi Lý kém một chút!” là điều Tuấn Anh tiếc nhất mình đã không nghĩ ra sớm.
Anh Mạnh Hà, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội thì dùng phương pháp của người “trong nghề” để thuyết phục con chọn trường theo ý mình. Con gái anh thi đỗ 2 trường có tiếng ở Hà Nội, và vui bạn vui bè nên muốn vào chỗ nào bạn bè nhập học đông. Anh Hà dẫn con tới cả 2 ngôi trường, cho con xem cơ sở vật chất, rồi cho con gặp một số thầy cô dạy ở cả 2 trường để con có cơ sở quyết định cho đúng. Anh cũng kỳ công lên các diễn đàn, facebook để tham khảo ý kiến các phụ huynh có con học ở 2 ngôi trường, và đều cho con xem thông tin thu lượm được. “Thật sự thì cả 2 trường con thi đỗ đều có tiếng cả. Nhưng học sinh sẽ nhận ảnh hưởng lớn nhất từ thầy cô, bạn bè. Tôi muốn con chọn ngôi trường mà thầy cô tận tình, giảng dạy có tâm, và đặc biệt là phải trung thực trong thi cử.”, anh Hà kể về tiêu chí chọn trường cho con.
Bản thân là một giảng viên đại học, nên anh nhìn thấy rõ các sinh viên đại học thiếu những gì khi chuyển tiếp từ cấp 3 lên đại học. “Chỉ vì mẹ cháu không đồng ý, nếu không tôi đã gửi con đi học nội trú ở trường trên khu CNC Hoà Lạc. Học thật thi thật, rèn ngoại ngữ, luyện kỷ luật với kỹ năng sống, 3 năm cấp 3 của con tôi chỉ mong làm tốt các việc này”, anh kể đầy tiếc nuối vì con “vuột” mất ngôi trường anh ưng nhất.
Còn anh Thanh Sơn, phụ huynh của cậu con trai đã trải qua kỳ thi cấp 3 năm ngoái thì có kinh nghiệm xương máu. Hoàng Anh, cậu con trai cả của anh đã nằng nặc đòi đi học nội trú nhưng gia đình anh đã nhất quyết phản đối vì “đồng ý là trường con chọn tốt thật, nhưng nhà ở Hà Nội, sao phải xa xôi lên tận Hoà Lạc để học cấp 3”. Cuối cùng sau một năm học “trời không chịu đất nên đất phải chịu trời”, anh đang làm thủ tục chuyển trường cho con để thoả mãn nhu cầu “sống tự lập, học tập kiểu mới” của cậu con trai vốn học rất khá nhưng cá tính mạnh.
“Phụ huynh hãy tôn trọng ý kiến của con, vì ép con vào học môi trường không phù hợp chỉ gây ra tâm lý miễn cưỡng và ảnh hưởng đến kết quả học tập của con”, anh Sơn đúc kết.