Những “tiết lộ” thú vị về xin học bổng Nhật Bản cho bạn trẻ
(Dân trí) - Những thắc mắc về cách nhận học bổng, bí quyết phỏng vấn xin visa, xin việc thành công tại Nhật Bản cùng rất nhiều những thắc mắc khác cũng đã được các cựu du học sinh chia sẻ chi tiết tại Ngày hội du học Nhật Bản 2018.
Ngày 7/10, tại tầng 6, khách sạn Lotte - 54 Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo du học Nhật Bản – “Study in Japan Fair 2018” do Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản tổ chức hàng năm, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, Tổng lãnh sứ quán Nhật Bản Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình Hội thảo giáo dục Nhật Bản năm nay có quy mô lớn với sự tham gia của hơn 80 trường Đại học, Cao đẳng và các cơ quan giáo dục Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn lượt người tham dự, trong đó có học sinh, sinh viên, người đi làm và cả các phụ huynh quan tâm đến du học Nhật Bản.
Bên cạnh các gian hàng tư vấn trực tiếp của nhiều trường đại học Nhật Bản thì buổi chia sẻ kinh nghiệm du học của Hội thảo cũng đặc biệt nhận được sự theo dõi đông đảo của bạn trẻ.
Người trực tiếp chia sẻ là các thành viên trong câu lạc bộ du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, anh Lưu Tuấn Anh - CEO tại Tomosia Co và chị Thân Thị Mỹ Bình - Tiến sĩ Quốc tế học - ĐH Utsunomiya Nhật Bản 2018, giảng viên khoa Ngôn ngữ Văn hóa Nhật Bản - ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Cả 2 anh chị đều từng là du học sinh theo học và làm việc tại “xứ sở mặt trời mọc”.
Theo đó, giải đáp thắc mắc của sinh viên về học bổng Mext khi được xin tại Việt Nam và Nhật Bản, hai cựu học sinh cho biết có sự khác biệt. Nếu xin học bổng Mext tại Việt Nam, người học cần phải có giấy giới thiệu của trường, cơ quan đang làm việc tại Việt Nam. Sau đó hồ sơ được chuyển sang Đại sứ quán duyệt, vượt qua vòng phỏng vấn thì học bổng mới có kết quả.
Còn nếu xin học bổng ở các trường tại Nhật Bản, sau khi học 1, 2 năm trong quá trình học nếu du học sinh có thành tích xuất sắc hoặc may mắn trường ít người theo học thì du học sinh sẽ được chọn, thầy hướng dẫn căn cứ vào thái độ học tập, học lực của du học sinh để quyết định có được học bổng hay không.
Ngoài học bổng Mext, tại Nhật Bản còn có rất nhiều học bổng khác với nhiều mức hỗ trợ khác nhau, nếu du học sinh càng học lên cao xác suất nhận được học bổng càng cao vì tại Nhật ưu tiên cho những trường hợp này.
“Thực tế những người học cao cần nhiều thời gian nghiên cứu nên được ưu tiên có học bổng cao hơn còn những bạn học đại học sẽ khá khó được học bổng, thường năm 3,4 trở đi mới có học bổng”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
“Hiện nay chính phủ Nhật Bản cũng đang có rất nhiều những chính sách khuyến khích các du học sinh theo học tại Nhật Bản, các cơ quan, xí nghiệp cũng có những học bổng cho sinh viên chính vì vậy các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự tin theo học tại đây”, TS. Mỹ Bình cho hay.
Cũng theo anh Tuấn Anh, để “săn” được học bổng phải có chiến lược cụ thể, nếu đã xác định có học bổng thì phải dành ra khoảng 2 tuần, tìm tất cả các từ khóa về học bổng, thống kê rồi sau đó lọc dần. Người học chọn những học bổng có xác suất đạt cao nhất, rồi bắt đầu nộp hồ sơ vào đó.
“Kinh nghiệm duy nhất chính là sự chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị thật kĩ. Đặc biệt là phỏng vấn phải tạo ấn tượng tốt và gây thiện cảm với người đối diện. Đó là kĩ năng rất quan trọng”, vị CEO nói.
“Đối với những du học sinh mong muốn theo học thạc sĩ tại Nhật hoàn toàn có cơ hội ở lại làm việc tại Nhật, thậm chí cơ hội lớn” là khẳng định của TS. Mỹ Bình. Với những người học Thạc sĩ, số lượng công việc dành cho họ khá nhiều chính vì vậy muốn tìm một công việc tại Nhật Bản thì việc học Thạc sĩ ở Nhật rồi đi tìm việc là một phương án hay.
Các du học sinh gần như bắt buộc phải thi kỳ thi cho người nước ngoài và không được thi theo kỳ thi người bản xứ dù trình độ tiếng Nhật cao. Theo anh Tuấn Anh kỳ thi này là một lợi thế vì đề thi dành cho người Nhật rất khó, nhiều từ chuyên môn người nước ngoài không thể biết, ví dụ như môn quốc ngữ.
Với du học sinh muốn xin việc tại Nhật, một “típ” không thể bỏ qua là cuốn sách hướng dẫn tất cả các bước chuẩn bị phỏng vấn từ cách chọn quần áo, cà vạt, cách mở cửa, gõ cửa, cúi chào,... Khi trả lời phỏng vấn phải trả lời rõ ràng, trung thực và có một số câu phỏng vấn thường xuyên được lặp đi lặp lại nên có thể chuẩn bị trước.
“Cách phỏng vấn của người học đại học và sau đại học cũng có sự khác nhau, đối với chương trình đại học để xin học bổng, câu hỏi sẽ xoay quanh bài văn các bạn đã gửi trước, chủ yếu sẽ hỏi xoay quanh câu hỏi đó. Còn với người học sau đại học, vì được giáo sư giới thiệu, tiến cử lên nên khả năng trượt rất thấp và gần như là không có”, TS. Mỹ Bình nói.
Kim Bảo Ngân