Những tiết học mang hơi thở cuộc sống

Trước khi đưa vào chương trình dạy học, nhiều người còn nghĩ học sinh chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề “vĩ mô” như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thế nhưng với “Em học sống xanh”, cách tiếp cận những đề tài có vẻ khô khan, không hấp dẫn nói trên đã đem đến những niềm vui bất ngờ cho học sinh.

Học sinh hồ hởi khoe thành quả thu hoạch sau một buổi học ngoại khóa ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Học sinh hồ hởi khoe thành quả thu hoạch sau một buổi học ngoại khóa ở Sóc Sơn, Hà Nội.
 
Chơi mà học

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của lớp trưởng lớp 6A3 trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) Lê Nguyễn Mỹ Linh chính là chuyến đi đến trang trại rau xanh ở Sóc Sơn cùng cả lớp. Món rau trong bữa cơm hàng ngày với nhiều bạn có vẻ là món ăn nhàm chán nhất, thậm chí là bắt buộc phải ăn nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi các bạn được chính những người nông dân trồng rau giới thiệu, phân tích sự khác nhau giữa rau hữu cơ và rau không hữu cơ. “Nhờ đó em mới biết được  các loại rau thật đa dạng và ăn rau sạch thì có ích như thế nào cho sức khỏe” - Lê Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ. Những điều thu hoạch được của lớp 6A3 là những kỷ niệm khó quên khi lần đầu tiên các em được tận tay đắp đất, gieo hạt, bắt sâu, chăm sóc cả một vườn rau rộng lớn. 

Đối với các lớp lớn hơn ở trường THCS Trung Hòa thì những buổi hoạt động ngoại khóa như vậy đã có rất nhiều và đã trở thành hoạt động thường xuyên. Trường THCS Trung Hòa là đơn vị đầu tiên triển khai dự án “Em học sống xanh” kết hợp với Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị với kinh phí tài trợ của SIDA và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Kế hoạch Hành động Quốc tế (GAP). Cô Nguyễn Thị Tạo, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh thành phố vốn chịu áp lực lớn với kiến thức bài vở theo chương trình của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên nếu biết cân đối và mạnh dạn đưa các chương trình giáo dục môi trường vào giờ học hay kết hợp với hoạt động ngoại khóa, các em sẽ rất hào hứng và gần như được nạp thêm năng lượng để học tập  tốt hơn”.

Thay lý thuyết bằng thực hành

“Có rất nhiều khó khăn khi triển khai dự án “Em học sống xanh”, trong giai đoạn đầu tiên vì chương trình chính khóa của học sinh vốn dĩ đã quá nặng. Giáo viên cũng gặp nhiều lúng túng khi phải kết nối kiến thức thực tế với kiến thức sách giáo khoa trong nhiều môn học” - cô Nguyễn Thị Tạo chia sẻ.

Tuy nhiên, thay vì dạy và học một cách sách vở, giáo điều, thì với “Em học sống xanh” mục đích của dự án được đặt ra khá cụ thể là thay đổi hành vi của học sinh thông qua các chủ đề tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, hạn chế rác thải, đảm bảo sức khỏe, trồng cây xanh, mua sắm... theo hướng bền vững. 

Để thực hiện được mục đích này, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị  cho biết, dự án tiến hành theo phương pháp mời các em học sinh thử nghiệm hành động trước, khi các em nhìn thấy kết quả trực  tiếp từ hành động thử nghiệm đó,  các em sẽ tự ý thức và thay đổi hành động của mình. 

Bên cạnh đó, dự án còn triển khai giờ sinh hoạt theo chủ đề vào các tuần là nơi để các em chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn trong quá trình thực hiện hành động. Điều đặc biệt là trước và sau mỗi chủ đề các em đều được thực hiện các kiểm toán cá nhân để nhìn nhận được sự thay đổi của bản thân qua mỗi chủ đề. Được biết, dự án với thành công ban đầu đang được nhân rộng ra 5 trường tại Hà Nội, 7 trường tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, 1 trường tại tỉnh Thái Bình và 1 trường tại tỉnh Quảng Nam. 
 
Theo Vinh Hương
ANTĐ