Những “thần đồng” sông nước Cửu Long

Bốn nhân vật được giới thiệu trong bài này là những trẻ em có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt. Ở những làng quê miệt sông nước Cửu Long, có thể còn nhiều “thần đồng” khác đang “ẩn dật”, chưa được phát hiện.

Tạm gọi các em là “thần đồng” vì trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi, chưa đến trường nhưng các em đã biết đọc sách báo; làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia có nhiều số hạng; có khả năng học tiếng Anh rất nhanh; nhớ nhanh hàng trăm số xe, số điện thoại, tên cầu thủ nước ngoài...

Huỳnh Gia Bảo - Mơ thành nhà khoa học

Nằm trong một con hẻm nhỏ của xóm lao động, giờ đây căn nhà 23/24, đường Đề Thám, phường 1, thị xã Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã trở nên quen thuộc với nhiều người vì ở đó có một “thần đồng”. Bé tên là Huỳnh Gia Bảo, sinh năm 2000, con trai đầu lòng của anh Huỳnh Cao Minh, hiện là tài xế xe tải và chị Nguyễn Thị Kim Phi, thợ may.

Từ nhỏ, do cha mẹ thường xuyên bận rộn với công việc nên bé Bảo luôn quấn quýt bên ông bà nội hoặc tự chơi một mình. Một hôm, đang ngồi chơi trước sân, Bảo (lúc đó 4 tuổi) lượm một mẩu gạch viết những chữ cái xuống sân rồi quay sang ông bà nội hỏi có phải đó là họ tên của mình không?

Lúc đầu, bác Huỳnh Hải Tuyền, ông nội bé Bảo, chỉ nghĩ rằng cháu mình vẽ những dòng nguệch ngoạc như bao đứa trẻ khác. Nào ngờ, khi đến xem thì thấy là Bảo viết chẳng những đúng họ tên mình mà còn viết rất ngay hàng. Nhưng bất ngờ hơn là những người trong gia đình phát hiện ra chú bé mới 4 tuổi, chưa đến trường ấy, còn biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia 1 con số. Thì ra, bấy lâu nay, Bảo đã từng ngồi lặng lẽ hàng giờ chơi với cuốn tập, cây viết để… tự học.

Năm 2005, Bảo được đi học mẫu giáo. Vào lớp được một tuần, Bảo đã viết và thuộc tên của tất cả các bạn cùng lớp. Khi cô giáo hỏi vì sao em biết tên các bạn, Bảo nói: “Con nhìn vào tên ghi trên bình nước uống của từng bạn”.

Tháng 9/2006, Bảo vào lớp 1, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thị xã Sóc Trăng. Khi các bạn bắt đầu học chữ cái và đánh vần thì Bảo đã đọc và viết ro ro. Thấy Bảo có năng khiếu đặc biệt, một hôm, thầy Lê Quốc Hoàng Long, chủ nhiệm lớp, cố tình đọc một bài viết thật dài cho Bảo viết lại. Khi thầy vừa đọc xong, Bảo đã hoàn tất bài viết mà không hề sai một lỗi chính tả nào.

Nhưng có lẽ điều ngạc nhiên lớn nhất đối với mọi người là Huỳnh Gia Bảo hiện đã học đến quyển số 4 Start With English (Giáo trình tiếng Anh dành cho trẻ em). Các bài tập trong sách em đều làm hết và rất đúng. Tôi thử hỏi vài câu tiếng Anh, Bảo trả lời rất rõ ràng và chính xác. Thì ra, do mê học, mê đọc sách, một hôm, thấy cuốn sách tiếng Anh của ông nội đang đọc, Bảo năn nỉ ông dạy thêm tiếng Anh.

Lúc đầu, bác Huỳnh Hải Tuyền mua cho Bảo 1 quyển Start With English. Về nhà, mỗi ngày bác Tuyền chỉ dành khoảng chừng nửa giờ để dạy thêm cho Bảo vì sợ bé quá tải. Thế nhưng, dạy tới đâu, Bảo hiểu tới đó, chẳng mấy chốc đã học hết quyển sách. Cứ như thế, chỉ sau 1 năm, Bảo đã học hết 4 quyển sách Start With English.

Nay đã 6 tuổi nhưng Bảo không thích các chương trình ti-vi dành cho thiếu nhi như hoạt hình, ca múa mà chỉ thích xem các chương trình khoa học, đố vui, các cuộc thi có tính kiến thức… Đặc biệt, Bảo còn có trí nhớ rất tốt. Em thuộc lòng hơn 100 số điện thoại, địa chỉ và số xe, kể vanh vách tên các cầu thủ nước ngoài, nhất là các tuyển thủ Đức, đội bóng mà em thích nhất. Em cũng biết bình luận những trận đấu hay rất dễ thương.

Khi được hỏi sau này sẽ làm gì, Huỳnh Gia Bảo cười nói: “Con muốn trở thành nhà khoa học, chế tạo thật nhiều máy móc để làm việc thay cho con người”.

Lê Nguyễn Hùng Sơn - 30 tháng tuổi đọc chữ thông thạo

Những “thần đồng” sông nước Cửu Long - 1
  

Bé Hùng Sơn đang đọc báo.

Ở ấp Long Bình, phường 4, thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) có một “thần đồng” là bé Lê Nguyễn Hùng Sơn, sinh ngày 20/2/2002, con của anh Lê Tiến Hùng và chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết.

Anh Tiến Hùng cho biết: Lúc 12 tháng tuổi, Hùng Sơn đã nói chuyện lưu loát và rất hiếu động. Khi Hùng Sơn được 18 tháng, gia đình gởi cháu vào trường mầm non, nhưng Hùng Sơn khóc suốt một tuần, đến nỗi nói chuyện không ra tiếng gần cả tháng. Thấy cháu khóc quá, nhà trường không dám nhận nuôi dạy cháu nữa. Vì thế, cha mẹ Hùng Sơn phải gởi cháu cho ông bà ngoại chăm sóc để rảnh tay lo làm ăn.

Hàng ngày, Hùng Sơn được ông bà và người thân ru ngủ bằng máy cassette và đĩa nhạc VCD. Lúc được 24 tháng tuổi, Hùng Sơn biết hát rành rẽ nhiều đoạn nhạc mà không cần người khác nhắc.

Theo lời bà Trần Thị Huỳnh Anh (bà ngoại của Hùng Sơn), thấy cháu có khả năng nghe nhớ đặc biệt này, những người trong gia đình tiếp tục cho cháu thường xuyên tiếp xúc với những phương tiện nghe nhìn khác.

Lúc Hùng Sơn đúng 30 tháng tuổi, một buổi tối đang ngồi xem ti-vi với ông bà ngoại, đột nhiên bé buột miệng đọc rành rọt những chữ xuất hiện trên màn hình. Thấy lạ, mọi người tìm những tờ báo, trang giấy có chữ viết tay đưa ra để thử: Hùng Sơn đều đọc trôi chảy.

Biết Hùng Sơn có năng khiếu bẩm sinh lạ hơn người, sợ người ngoài đồn đại, thêu dệt chuyện không hay, nên lúc đó cả gia đình đều giấu và chưa dám đưa cháu vào trường mẫu giáo để học. Bà Huỳnh Anh cho biết thêm, vẫn chăm sóc cháu bình thường như bao đứa trẻ khác trong gia đình. Hùng Sơn vẫn mạnh khỏe như những bé cùng trang lứa.

Hôm đến thăm, để kiểm nghiệm trực tiếp năng khiếu của bé Hùng Sơn, chúng tôi đưa cho bé những mẫu báo, tờ giấy có chữ do chúng tôi viết tay, bé đều đọc rành rọt, chỉ có những chữ cái được viết tắt liền nhau là bé không đọc được. Khi gia đình mở máy karaoke, bé Hùng Sơn hát đúng từng từ.

Tính đến nay, Lê Nguyễn Hùng Sơn chỉ mới xấp xỉ 5 tuổi. Cách đây mấy tháng, bé đã trở lại trường mẫu giáo.

Phạm Thanh Điền - Biết đọc lúc 3 tuổi

Những “thần đồng” sông nước Cửu Long - 2

Bé Phạm Thanh Điền.

Phạm Thanh Điền (ở xã Thạnh An, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) được phát hiện có khả năng đặc biệt vào năm 2003. Lần đó, khi mới 3 tuổi, Điền được cha (anh Phạm Thanh Liêm) chở đến trường để rước anh của Điền đang học mẫu giáo về nhà.

Trong lúc anh Liêm ngồi ngoài cổng trường chờ tan học thì bé Điền chạy đến đứng trước cửa lớp nhìn mấy chữ cô giáo viết trên bảng và… đọc vanh vách. Cô giáo giật mình khi nhìn thấy đứa bé còn nhỏ xíu mà đọc được chữ. Thế nhưng, anh Liêm lúc đó cũng không để ý lắm đến chuyện Điền biết đọc chữ.

Đến năm học 2004-2005, anh của bé Điền vào lớp 1, Điền nằng nặc đòi cha mẹ cho đi học chung với anh. Thấy con khóc lóc, năn nỉ mãi, anh Liêm chở bé Điền đến trường xin cho con được học. Thấy đứa bé ham học lại có khả năng đặc biệt, nhà trường đồng ý.

Mới vào học, Điền khiến cô giáo vô cùng ngạc nhiên vì bé không chỉ đọc chữ thông thạo mà còn viết chữ rất chính xác. Kiểm tra chính tả lần nào bé Điền cũng được điểm 10, ít khi điểm 9. Học được vài tháng, Điền bị bệnh phải nghỉ học.

Sang năm học sau, bé Điền được vào học lớp 1 trước tuổi, nhưng sau đó lại phải nghỉ học vì theo quy định, trường không được nhận học sinh chưa đủ tuổi… Đến năm học 2006-2007 này, Điền mới chính thức được học lớp 1A , Trường Tiểu học An Bình (xã An Thạnh).

Tôi trở lại thăm bé Điền và gia đình vào một ngày cuối năm 2006. Điền trông dạn dĩ hơn lần tôi gặp cách đây 2 năm. Trong lúc chị Lê Thị Dung, mẹ bé Điền còn đang nhìn ngờ ngợ chưa nhận ra tôi thì bé Điền đã reo lên: “A! chú nhà báo”, rồi em tìm nhắc chiếc ghế đẩu, kéo tay tôi mời ngồi.

Để thử lại khả năng đọc của Điền, tôi đưa bé tờ báo yêu cầu bé đọc. Cầm tờ báo trên tay, Điền đọc nhanh, không vấp chữ nào và phát âm rất chuẩn cả một đoạn: “Thiệt hại bão số 9: 51 người tử vong, 33 người mất tích và trên 777 người bị thương… Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm và chỉ đạo tỉnh Bến Tre khắc phục hậu quả bão số 9…”.

Chị Dung đưa hai quyển tập học môn Toán và Tiếng Việt của Điền cho tôi. Cả 2 quyển điểm bài tập toàn điểm 10; chỉ có duy nhất một điểm 9 ở môn toán do Điền thi đua làm bài tập “chạy” với bạn nên… viết lộn số.

Cô Châu Mỹ Dung, giáo viên dạy lớp của Điền, nói: “Hơn 20 năm đứng lớp ở trường này tôi chưa gặp một học sinh nào có những khả năng kỳ lạ và đặc biệt như em Điền”.

Bùi Thị Diễm Trang - Học mẫu giáo đã biết làm toán nhân 4 số

Những “thần đồng” sông nước Cửu Long - 3
  

Bé Bùi Thị Diễm Trang.

Năm học 2005-2006, khi mới 5 tuổi, vào học mẫu giáo được 4 tháng, cháu Bùi Thị Diễm Trang, có đôi mắt sáng, nước da ngăm đen, đã làm cả trường mẫu giáo Lộc Hòa và gia đình bất ngờ đến sửng sốt khi phát hiện cháu ngồi viết mấy bài thơ từ quyển sách lớp 7 của anh mình ra vở, với chữ rất đẹp và đọc chữ vanh vách không thua gì anh.

Nhưng chị Phạm Thị Thanh (mẹ Diễm Trang) còn bất ngờ hơn thế khi Diễm Trang khoe đã thuộc lòng và đọc lào lào bảng cửu chương từ 2 đến 9 (cả đọc xuôi và đọc ngược); đồng thời làm được phép nhân đến 4 con số…

Hôm đến thăm, tôi bảo Trang tự viết giới thiệu về mình. Bé chạy vào lấy ra quyển tập nháp, kéo ghế ngồi viết: “Con tên: Bùi Thị Diễm Trang, học lớp1/4, Trường Tiểu học Lộc Thuận, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre”. Dòng chữ đẹp và đều cỡ như của các học sinh viết chữ đẹp lớp 3, lớp 4.

Rồi theo lời mẹ, Diễm Trang đọc cho tôi nghe “một lèo” bảng cửu chương từ 2 đến 9 (có đôi lúc bị hụt hơi Trang ngưng lại hít hơi rồi đọc tiếp mà không sai chỗ nào).

Để kiểm tra khả năng làm toán nhân 4 con số của Trang, tôi đọc số 4567 nhân với số 6789 và yêu cầu bé làm. Diễm Trang lập tức sắp các số, đưa các ngón tay lên tính toán, nhân, viết số, nhớ số… Lát sau, bé đưa ra kết quả: 31.005.363 và đọc: “Ba mươi mốt triệu, không trăm không năm nghìn, ba trăm sáu mươi ba”.

Tôi đọc tiếp số “Một tỉ, hai trăm triệu, ba trăm mười lăm nghìn, bảy trăm bốn mươi lăm đồng”, và gần như ngay lập tức Diễm Trang viết: 1.200.315.745 đồng. Không chỉ thế, Diễm Trang còn làm được cả phép toán tìm ẩn số X.

Chọn bài toán trong sách lớp 3: “X + 285 = 2094”, tôi bảo Diễm Trang tìm X. Cháu nói “dễ ẹt” và làm ngay: “X = 2094 – 285 = 1809”. Chị Thanh cho biết, bây giờ học lớp 1, Diễm Trang hầu như không học bài ở nhà. Mỗi lần chị Thanh biểu học bài, làm bài tập thì Trang thường nói: “Dễ quá, con thuộc và làm hết trơn rồi”.

“Sau này, lớn lên cháu sẽ làm gì?” - tôi hỏi. Trang nhẹ nhàng trả lời: “Dạ, con ráng học thật giỏi để làm bác sĩ trị bệnh cho mẹ cha và trị bệnh cho người nghèo không lấy tiền. Khi giàu con sẽ cho người nghèo tiền cất nhà để không bị bão làm sập nhà (nhà bé Trang đã bị sập sau bão số 9)”.

Có một điều trùng hợp hết sức thú vị là cả Phạm Thanh Điền và Bùi Thị Diễm Trang không chỉ ở chung một tỉnh mà còn có cùng ngày, tháng, năm sinh: 13-8-2000. Cả hai đều đang học lớp 1, là học sinh giỏi nhất lớp, có khả năng đặc biệt nhất trường.

Theo Nguyễn Tân - Đình Thanh - Cao Dương
Báo Cần Thơ