Những sự kiện nóng giáo dục tuần qua
(Dân trí) - Tuần qua có một số văn bản mới liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận.
Chính thức ban hành Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ
Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy chế mới đã bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý NCS, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.
Xem Chi tiết Quy chế đào tạo Tiến sĩ TẠI ĐÂY
Theo quy chế này, tuyển sinh tiến sĩ có thể tổ chức từ một đến nhiều lần trong năm; nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus.
Công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Chiều ngày 12/4, Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình chủ trì họp báo.
Phát biểu giới thiệu Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Chương trình tổng thể), GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Tại buổi họp báo, hai vấn đề nhận được nhiều quan tâm nhất trong phần hỏi - đáp là điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ chương trình mới.
Theo một số chuyên gia giáo dục, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố là mô hình hay, đột phá khi cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa hướng nghiệp sớm. Tuy vậy, nếu áp dụng chương trình quá vội có thể gây khó cho giáo viên.
“Hội nghị Diên Hồng” của các trường đại học ngoài công lập
Sáng 14/4, tại trường ĐH Công nghệ TPHCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị các trường đại học ngoài công lập với sự tham gia của 60 trường trong cả nước. Hội nghị này nhằm tìm các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập một cách bền vững.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Hội nghị này nhằm bàn luận, thống nhất các vấn đề, giải pháp có tính chất then chốt để việc phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập (NCL) được bền vững.
Do đó, ông Nhạ đề nghị các đại biểu, đại diện các trường cần nhìn thẳng, nói thật các vấn đề trên tinh thần cởi mở để cùng bàn luận, đưa ra các vấn đề có tính thực tiễn, khả thi trong giải pháp thực hiện.
Bà Phạm Thị Huyền, đại diện Nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường ĐH NCL đã báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát trực tiếp tại 59 trường. Qua phân tích số liệu thống kê, khảo sát cho thấy, bên cạnh những điểm sáng về phát triển còn một số trường ĐH NCL “tụt hậu” so với mặt bằng chung của các trường.
Công tác tuyển sinh của các trường gặp khó khăn tại tất cả các hệ đào tạo một phần do cơ chế, chính sách tuyển sinh, một phần do địa điểm xây dựng trường ở một số địa phương và một phần do uy tín và các điều kiện học tập của trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút người học dẫn đến việc không tuyển đủ sinh viên về số lượng và chất lượng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, đào tạo và NCKH.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ lý thuyết - thực hành trong chương trình đào tạo chưa phản ánh đúng tính chất đào tạo ứng dụng của các trường ĐH NCL. Thêm vào đó, ở một số trường, chương trình đào tạo chưa được thống nhất và ổn định trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ, ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu kiến thức hoặc bố trí lịch học của sinh viên. Dịp này, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị nhiều đề xuất để giải quyết những bất cập của các trường.
Nguyên hiệu trưởng được đề nghị phục hồi chức vụ sau hơn 1 năm bị kỷ luật cách chức
Sau khi có kết luận nội dung đơn tố cáo đối với ông Lý Văn Trắng - nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học 3 Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cơ quan chức năng huyện này đã ban hành quyết định kỷ luật cách chức đối với ông. Tuy nhiên, sau hơn một năm, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu phục hồi chức vụ đối với ông Trắng vì cho rằng việc làm của huyện này là sai quy định.
Mới đây, ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã ký quyết định lần 2 về việc giải quyết tố cáo khiếu nại của ông Lý Văn Trắng - nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học 3 Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Theo quyết định, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời hủy bỏ quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Lý Văn Trắng; đồng thời, xem xét chế độ chính sách có liên quan đến ông Trắng theo quy định.
Trước đó, ông Lý Văn Trắng có đơn khiếu nại quyết định số 217 (ngày 29/1/2016) của Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời về việc thi hành kỷ luật đối với ông. Ông Trắng yêu cầu hủy bỏ quyết định này và bồi thường quyền, lợi ích hợp pháp của ông đã bị xâm phạm; đồng thời điều chỉnh hình thức kỷ luật đối với ông cho phù hợp với quy định pháp luật.
UBND tỉnh Cà Mau nhận định: “Việc khiếu nại của ông Lý Văn Trắng là đúng vì các chứng cứ tại hồ sơ thể hiện nội dung khiếu nại là có cơ sở pháp lý”.
Theo đó, ngoài việc đề nghị hủy bỏ quyết định số 217 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lý Văn Trắng, xem xét các chế độ chính sách theo quy định pháp luât, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc tham mưu khiến UBND huyện Trần Văn Thời giải quyết vụ việc chưa đúng quy định. Trong đó, có trách nhiệm của Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Văn Thời.
Có khoảng 160.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp không đăng ký vào đại học
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tính đến ngày 15/4, có gần 600.000 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm là 448.058 (74,71%). Còn lại, có khoảng 160.000 thí sinh chỉ dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT mà không đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm.
Trong đó, tỷ lệ số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên là 233.771 (38,98%); đăng ký bài khoa học xã hội là 296.138 (49,38%); số thí sinh đăng ký cả 2 bài thi là 52.811 (8,81%).
Trong số 362.677 hồ sơ đăng ký dự thi được nhập lên hệ thống thì số đăng ký nguyện vọng 1 là 362.677 (100%); số nguyện vọng 2 là 319.043 (87,97%); số nguyện vọng 3 là : 257,737 (71.07%); nguyện vọng 4 là: 185,360 (51.11%); nguyện vọng 5 là : 127,315 (35.1%) và số nguyện vọng còn lại: 215,076 (59.3%).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lưu ý, mặc dù Quy chế tuyển sinh không hạn chế số nguyện vọng, nhưng thí sinh cần cân nhắc xem xét kỹ từng nguyện vọng trước khi đăng ký, phải đảm bảo các nguyện vọng đăng ký phù hợp với năng lực của mình nhưng cũng là những ngành mình yêu thích để đảm bảo được làm công việc yêu thích hoặc phù hợp với năng lực, khi đã trúng tuyển không phải cân nhắc việc có nên nhập học hay không.
Nguyên Chi
(Tổng hợp)