Những phụ nữ kiều bào làm rạng danh nước Việt
Họ là những tấm gương vượt khó vươn lên và mong sao các chị sẽ góp phần làm cho tên tuổi phụ nữ Việt Nam xứng danh là hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu, của Bùi Thị Xuân, của Hồ Xuân Hương...
Chúng ta đều biết, trong hoàn cảnh chính trị đặc biệt không ít trí thức Việt Nam đã ra nước ngoài định cư. Do bản chất thông minh và cần cù học tập, nghiên cứu, nhiều trí thức và doanh nhân, cả nam lẫn nữ đã có mặt trong các trung tâm khoa học, trung tâm thương mại lớn của nhiều quốc gia phát triển. Có những nữ trí thức làm việc trong các trung tâm khoa học, thậm chí cả trong các trung tâm nghiên cứu quân sự lớn của đất nước.
Lê Võ Phương Mai - cán bộ của trường đại học Cardiff (Anh) - thành viên tổ chức nghiên cứu kinh tế của Liverpool, một tấm gương điển hình cho sự học và khả năng chinh phục thế giới bằng kiến thức của người Việt Nam. Năm 12 tuổi, Mai theo bố mẹ sang Nga sinh sống. Tốt nghiệp phổ thông, Mai sang Anh học dự bị đại học tại trường Bellebys ở Brighton.
Mai có thể sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ: Nga, Anh và Pháp. Mai may mắn được một người thầy giỏi là chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Anh, Giáo sư - tiến sĩ Patrick Minford - người đã từng nhiều năm làm cố vấn kinh tế cho bà Margaret Thatcher dìu dắt. Mai còn là sinh viên đầu tiên của trường Cardiff được đặc cách học tiến sĩ có học bổng, vì theo quy định bắt buộc phải học qua thạc sĩ mới được làm tiến sĩ. Năm 2007, Mai đã nhận bằng tiến sĩ khi mới 26 tuổi. Không lâu sau, cô được nhận học bổng do Hội đồng kinh tế và các ngành xã hội thuộc Bộ Giáo dục Anh cấp. Đây là một trong những học bổng có uy tín nhất ở Anh, mỗi năm chỉ cấp tối đa là 15 suất dành cho lĩnh vực kinh tế.
Trường hợp của Mai, theo đánh giá của cơ quan xét cấp học bổng thì chủ đề nghiên cứu này có tác động lớn tới nền kinh tế. Cô đã chỉ ra mô hình kinh tế vĩ mô đang được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển có những điểm chưa chuẩn xác, và không thể dùng riêng mô hình này để chẩn đoán nền kinh tế mà cần phải có một sự thay đổi. Cô cũng đã chứng minh rằng, nền kinh tế Mỹ không thể dùng riêng mô hình này mà phải thêm những mô phỏng khác thì mới chuẩn xác hơn.
Theo cách nói vui của Giáo sư - tiến sĩ Patrick Minford, nó được ví là "bom nguyên tử, nếu nổ thì không phải là chuyện đùa”. Hơn nữa, nhân vật ấy chỉ là một cô gái mới 27 tuổi, trong khi thông thường để nghiên cứu được các mô hình kinh tế vĩ mô phải là những chuyên gia kinh tế giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm. Cùng với việc hoàn thành nghiên cứu mô hình mới, hiện tại Mai cũng đang thực hiện đề tài mới về Bong bóng giá cả đối với các thị trường như: vàng, bất động sản, chứng khoán, vật liệu… và cách xử lý của nhà nước.
Giờ đây, cái tên Tiến sĩ Lê Võ Phương Mai gắn với ý tưởng thay đổi mô hình kinh tế thế giới không chỉ được giới chuyên gia kinh tế ở Anh chú ý, mà cả chuyên gia kinh tế ở nước khác. Cô cũng thường xuyên giúp đỡ các sinh viên Việt Nam sang Anh học tập, nhất là những sinh viên ham học, hàng năm Mai tranh thủ về nước giới thiệu các cơ hội học tập ở Anh cho các học sinh, sinh viên Việt Nam. Cô chia sẻ: "Khi đứng trên bục giảng, tôi cảm thấy chạnh lòng vì thấy có ít sinh viên Việt Nam quá, mà đó không phải do chúng ta thua kém về trình độ. Tôi mong có thể giúp được càng nhiều em sang đây học càng tốt”.
Thu Trang sau khi hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Thụy Sĩ đã nhanh chóng được Trường Đại học Geneva mời ở lại làm việc tại khoa đào tạo nghề của trường. Sau 18 tháng làm việc, cô đã được bổ nhiệm đứng đầu khoa - một vị trí mà ngay cả những người dân gốc Thụy Sĩ cũng phải mơ ước. Năm 2007, Thu Trang đã hoàn thành xuất sắc bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học dược phẩm của mình. Năm 2008, trường Đại học Geneva đã mời cô gái giàu chí tiến thủ trở lại trường đảm nhận một công việc tốt hơn tại khoa đào tạo nghề của trường, và đến năm 2010 cô là người đứng đầu phụ trách nhiệm vụ quản lý các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của trường Đại học Geneva. Chúng ta biết rằng, trường Đại học Geneva là trường đại học tổng hợp lớn thứ hai ở Thụy Sĩ và là một trong những trường đại học tốt nhất châu Âu.
Võ Thị Diệp sinh ra tại Bạc Liêu và rời Việt Nam vào năm 1979, khi mới 17 tuổi. Đến Mỹ với vốn tiếng Anh rất hạn chế, bà đã nỗ lực không ngừng để nhận bằng cử nhân hóa học tại trường Southern Illinois University in Edwardsville. Sau đó, bà nhận bằng tiến sĩ hóa học của trường University of Missouri at Rolla rồi gia nhập NASA. Tại Trung tâm không gian Mỹ, Tiến sĩ Diệp chuyên về kỹ thuật vật liệu kết cấu. Trong đó, bà đã ghi dấu ấn bằng việc phát triển và thử nghiệm thành công vật liệu mới dùng cho động cơ tên lửa của tàu con thoi. Đến nay, vợ chồng bà vẫn luôn là niềm tự hào của những người gốc Việt đang làm việc tại NASA, và trở thành hình mẫu của sự thành công trong nghiên cứu kỹ thuật không gian vũ trụ.
Ngô Mai Thy, sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Portland (Mỹ). Cô được học tập, nghiên cứu và thiết kế các robot thăm dò trên vũ trụ. Đầu năm nay, cô dự hội thảo chuyên môn tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory của NASA và được trang trải toàn bộ chi phí. Ngô Mai Thy đang dự định chuyển tiếp lên Đại học bang Portland để lấy bằng cử nhân về toán học. Cô phải hoàn thành một bản tóm tắt các mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, ngân quỹ và phác thảo sơ bộ cho robot thăm dò và các sứ mệnh trên sao Hỏa. Cô cho biết:”Robot của chúng tôi được thiết kế để đi qua mọi loại địa hình và chướng ngại vật khác nhau trên sao Hỏa, rồi thu về các loại đất đá để xét nghiệm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ”.
Lê Thị Mỹ Lệ, doanh nhân người Việt - Giám đốc hệ thống nhà hàng Miền Tây tại London (Anh), đã mở được bốn nhà hàng mang tên Miền Tây tại Anh (hai trong số đó là tại London) và đang ấp ủ nhiều dự định kinh doanh mới. Chị cho biết: "Mong muốn cuối đời của tôi là được đóng góp cho quê hương”. Chị đang có kế hoạch sẽ mở một xưởng mây tre tại Việt Nam, với mục đích giúp những người tàn tật có thêm thu nhập và đem nghệ thuật làm đồ thủ công của người Việt giới thiệu ở nước ngoài.
Nguyễn Thị Kim Anh - đại diện công ty TNHH Minh Long tuy đã sinh sống tại Anh khá lâu, nhưng chị lại quyết định thành lập công ty ở Việt Nam trước và đang xúc tiến thành lập công ty tại Anh. Phạm Thị Thục Anh, Giám đốc điều hành công ty TNHH Ox & Fox tại Bulgaro có Công ty quảng cáo Number One Advertising. Công ty của chị đã làm việc với hơn 2.500 công ty lớn, nhỏ và cũng đã có tiếng tăm nhất định tại Sofia. Chị đã quyết định thành lập công ty TNHH Ox & Fox với mục tiêu tìm kiếm, xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang Bulgari. Nguyễn Thị Hà - Giám đốc công ty Ha Beauty Nails Supply, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Chị là một trong những người đầu tiên có công đưa ngành làm móng (nails) vào Đức, và cũng là người đầu tiên mở công ty cung cấp trang thiết bị máy móc về ngành nails cho thị trường này…
Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương nữ trí thức và doanh nhân Việt kiều thành đạt kể sao cho hết. Họ là những tấm gương vượt khó vươn lên và mong sao các chị sẽ góp phần làm cho tên tuổi phụ nữ Việt Nam xứng danh là hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu, của Bùi Thị Xuân, của Hồ Xuân Hương...
PCN Hội đồng Tư vấn KH&GD MTTQ Việt Nam