Kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam:

Những niềm tin đang bắt đầu toả sáng

(Dân trí) - Con đường khuyến học là một “con đường sáng” mà bao thế hệ cha ông tâm huyết đã đi. Người làm khuyến học không bao giờ đơn độc trên con đường dài đi tới và những gì mà 3,8 triệu Hội viên hội Khuyến học Việt Nam đang nỗ lực trong một thập kỷ qua chính là con đường cho những niềm tin đang bắt đầu toả sáng.

Giáo dục trong nhà trường đã khiến giáo viên cũng như phụ huynh quá mệt mỏi, vậy mà còn thêm cả giáo dục ngoài nhà trường... Có vượt qua được sự mệt mỏi này để đến với mỗi người dân để cho họ hiểu được sự cần thiết của công tác vận động trong giáo dục thì  mới biết 10 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã phải vất vả thế nào trong việc tự khẳng định mình và sát cánh cùng ngành giáo dục vì một tương lai học hành của con em chúng ta - Đó là ghi nhận của hầu hết các đại biểu khi đến dự buổi lễ kỷ niệm 10 năm ra đời và phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam.  

Làm khuyến học: “Mèo con bắt chuột con” 

“Với tôi, hạnh phúc giản dị là: làm được những việc hữu ích, từ đó thấy thanh thản và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Cũng như nhiều đồng sự khác, 2 năm sau khi nghỉ hưu, tôi nhận được quyết định đi làm khuyến học. Tuổi đã cao, sức đã yếu, lại bước vào một địa hạt mới khi điểm xuất phát là 4 không: Bộ máy, trụ sở, kinh phí, phương tiện. Dù vậy, sau hơn 4 năm từ sau cái đêm thao thức nhập cuộc ấy, tôi đã học và hiểu ra rất nhiều điều: khi làm khuyến học, tôi đã tự tìm được cho mình sự thanh thản và hạnh phúc trong một đoạn đời sau hưu trí” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị Trương Sỹ Tiến đã tâm sự như vậy.

Cũng dòng tâm sự này, ông Tiến tiếp tục: “Ngoài cái Tâm, cái Trí, làm khuyến học phải có Lực. Khi cuộc sống còn nhiều người phải vất vả và bộn bề lo âu cho gia đình, con cái; khi từng cộng đồng đang trăn trở để từng bước đi lên thì việc chia sẻ với từng cảnh ngộ, tiếp sức được cho họ dù lớn, dù nhỏ đều là hạnh phúc của người làm khuyến học vậy. 

Được làm khuyến học là một hạnh phúc khi góp thêm được những việc hữu ích cho đời, cho dù việc giúp ích đó chỉ là “mèo con bắt chuột con” thôi nhưng có lẽ ý nghĩa của đời sống gắn liền với tính hữu ích này và vì vậy thật thanh thản và hạnh phúc khi được làm khuyến học” 

Những “ngọn lửa lòng” 

Nếu không có nhận thức đứng đắn, không có “lửa lòng” thì làm gì có một tỉnh với hơn 600 xã, phường trong vòng hơn 1 năm đã phủ kín tổ chức hội đến tận cơ sở như Thanh Hoá. Nếu không có nhiệt tâm thì làm gì có các gia đình hiếu học được nhen nhóm từ một cơ sở của TPHCM đã trở thành phong trào có hàng triệu gia đình hiếu học trong toàn quốc. Chỉ một thời gian ngắn, Thái Bình đã tổ chức gần 300 Trung tâm học tập cộng đồng đi vào hoạt động...

Ngày nay, tỉnh nào cũng có Quỹ Khuyến học, nhiều ít có khác nhau, nhưng hàng năm đã tạo ra hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ học sinh nghèo được tiếp tục theo học, giúp đỡ học sinh giáo viên gặp khó khăn... 

Đó chính là sự khẳng định của ông Phạm Đình Hảo, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng. 

Còn đối với ông Bạch Hưng Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An thì ngọn lửa lòng này còn được thể hiện bằng 3 T: Tự nguyện, Tâm huyết, Trí tuệ. 

Cũng cùng một sự nhận đinh như vậy, ông Nguyễn Đình Bưu, Chủ tịch Hội Khuyến học Thanh Hoá đã nhận xét: “Chưa bao giờ Thanh Hoá lại có sự động viên, khen thưởng học sinh, sinh viên học giỏi và giúp đỡ học sinh sinh sinh viên nghèo được tổ chức rộng khắp và thường xuyên như hiện nay. Truyền thống tương thân tương ái, lo cho mọi gia định nghèo không để con em thất học và tôn vinh người học giỏi, chăm lo sự nghiệp trồng người, đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước... đang được Hội Khuyến học khơi dậy và phát huy mạnh mẽ”. 

Nhóm PVGD