Những ngành học tốn kém

Ngoài học phí, sinh viên một số ngành học còn phải chi rất nhiều cho dụng cụ học tập, nguyên - vật liệu thực hành hay làm đồ án.

Mua dụng cụ, làm đồ án

 

Vào đầu năm học, mỗi SV ngành Kiến trúc phải trang bị bộ dụng cụ tốn kém hơn nhiều so với việc lo tập vở, viết mực của SV các ngành khác.

 

“Nếu sắm đủ bộ dụng cụ học tập, mỗi SV cũng tốn ngót 3 triệu đồng vào đầu năm học. Hàng loạt dụng cụ phải mua như: bàn vẽ (1 - 2 triệu đồng/cái), màu và cọ cứng cũng 400 nghìn đồng, bảng và thước 200 nghìn đồng...”, Hồng Ngân - SV ngành Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc TPHCM cho biết.

 

Khánh Hòa - SV ngành Mỹ thuật công nghiệp thì kể: bộ màu, bột vẽ pentel với 12 màu có giá 180 nghìn đồng, nếu mua thêm màu khác riêng lẻ thì từ 15 - 20 nghìn đồng/màu. Cọ vẽ bột màu cũng có nhiều cỡ. Trong đó, nếu mua loại hơn 10 nghìn đồng/cây thì chỉ sử dụng được tối đa một đồ án, loại hơn 20 nghìn đồng thì có thể từ 3 - 4 đồ án. Môn hình học phải dùng phấn tiên để vẽ, 1 hộp 36 màu có giá gần 100 nghìn đồng.

 

Vào chuyên ngành còn phải học thêm loại vẽ bằng màu nước, nên SV phải trang bị thêm hộp màu nước 230 nghìn đồng loại nhỏ. Vẽ màu nước sẽ dùng loại cọ riêng, và mua một lượt ít nhất 5 cây, gồm: 2 cây cọ bẹt (nhỏ và trung) khoảng 30 nghìn đồng, 3 cây cọ tròn khoảng 70 nghìn đồng...

 

Ngoài gôm, các loại bút từ chì, mực, kim, than, dạ... được sử dụng với số lượng lớn nhất là giấy. Một tờ giấy Canson (loại giấy chuyên dụng cho vẽ mỹ thuật) khổ A3 tùy theo độ dày và đẹp dao động từ 2 - 15 nghìn đồng/tờ.

 

“Một đồ án bình thường phải trình bày từ 5 - 7 bản vẽ, nếu là đồ án tổng hợp có khi lên tới 11 bản vẽ, chưa kể đến hàng loạt những bản vẽ nháp trước đó. Vì vậy, đầu mỗi học kỳ em phải mua sẵn mấy chục tờ để chuẩn bị cho vẽ thực hành”, Phạm Minh Châu - SV ngành Kỹ thuật đô thị cho biết.

 

Với các SV này, một dụng cụ bắt buộc  nữa là máy vi tính, nhưng để vẽ được thì máy phải có giá từ 7 triệu đồng trở lên. Một khi phải vẽ máy, SV tiếp tục tốn kém chi phí cho in ấn, bởi in mỗi tờ giấy A0 cũng từ 10 - 15 nghìn đồng/tờ. Vì vậy, càng chăm học, siêng thực hành thì chi phí càng cao.

 

Những ngành học phải làm mô hình, SV còn tốn kém cho việc mua chất liệu. Tùy theo sức sáng tạo, điều kiện cụ thể từng người mà đồ án sử dụng có thể là: xốp, inox, giấy, thạch cao, bột trát tường, kim ghim, ống se chỉ... Nếu khéo tay tự làm thì không đến 100 nghìn đồng/mô hình, còn đặt làm thì ít nhất cũng từ 200 nghìn đồng/mô hình trở lên.

 

Học làm nữ công

 

Một số ngành của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thì tốn kém không chỉ dụng cụ mà cả nguyên - phụ liệu may. Bước vào buổi thực hành, mỗi SV ngành Công nghệ cắt may phải có trong tay các dụng cụ: kéo cắt vải, kéo cắt chỉ, kim, chỉ... Trong quá trình thực hành từng môn mà SV phải mua thêm các phụ liệu như: băng-rôn, dây kéo, khuy, keo..., nhưng nguyên liệu tốn kém nhất là vải vóc.

 

“Thực hành bình thường trên lớp chỉ cần sử dụng loại vải bình thường, nhưng khi làm bài thi cuối kỳ, hoặc tham gia vào cuộc thi như thi tay nghề do trường tổ chức... thì phải sử dụng đúng chất liệu của bộ y phục mà mình may. Ví dụ, một sơ mi nữ thì khoảng 100 nghìn đồng, áo dài thì hơn 200 nghìn đồng, áo cưới thì không dưới 300 nghìn đồng tùy theo chất liệu”, Thiện Hòa - SV ngành Công nghệ cắt may kể lại.

 

Với ngành Kỹ thuật nữ công, ngoài may vá SV còn được làm quen với thêu thùa, nấu nướng, trang điểm, cắm hoa, làm bánh kem, pha chế cocktail... Cuối học kỳ 2 lớp đã bắt đầu thực hành nấu ăn. Mỗi ngày thực hành 7 - 8 món ăn tùy theo môn, mỗi tín chỉ sẽ có 5 ngày thực hành và thi. Với các môn nấu ăn, lớp chia thành các nhóm nhỏ hùn tiền mua đồ chung. Các dụng cụ nấu nướng như: bếp, nồi, chén, đũa... đều của nhà trường, nhưng vật liệu, gas... thì SV phải tự mua.

 

Với ngành Công nghệ thực phẩm, riêng chế biến thịt phải làm tới mười mấy món như: lạp xưởng, chả lụa, xúc xích, giò thủ, khô bò, xíu mại sốt cà... Vì vậy, ngoài thịt để chế biến còn phải có các phụ gia như: pectin, mắm, muối... hay những dụng cụ để đóng gói như: hộp, lon, bao bì....

 

“Chế biến thức ăn hộp muốn đạt chất lượng phải dùng đúng những vật liệu cần dùng, ví như nhiều khi chế biến nước giải khát phải mua cam Mỹ chứ không thể mua cam thường, nên rất tốn kém”, Nguyễn Thắm - SV ngành Công nghệ chế biến cho biết.

 

Theo Hà Ánh
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm