Những lớp học lúc... 23 giờ!

Theo thông lệ, từ đầu năm học, học sinh các lớp cuối cấp ở Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (TPHCM) lại bước vào thời kỳ “huấn luyện” đặc biệt của trường. Sáng, chiều, tối tất cả chỉ có học và học, kể cả ngày lễ, chủ nhật.

Sau khi thi học kỳ II, lịch học các môn thi tốt nghiệp càng dày đặc hơn: học sinh khối 9 sau 22 giờ, trong khi khối 12 phải sau 23 giờ mới kết thúc một ngày “sôi kinh nấu sử” ở trường!

 

Học! Học nữa! Học... tới 23 giờ!

 

Bà T. có con học lớp 12 tại Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến cho biết: “Tôi choáng váng khi nhìn vào lịch học của con”. Tất cả buổi sáng trong tuần đều học năm tiết, 11h30 học sinh tan trường thì 13h đã phải vào học đến 17h và tối tiếp tục học từ 18h-23h!

 

Càng choáng hơn khi buổi họp phụ huynh mới đây, trường đưa cho mỗi phụ huynh một tờ thông báo nêu rõ HS nào không đi học đầy đủ, nhà trường kiểm tra mà không đủ điều kiện thì sẽ không chịu trách nhiệm về kết quả của HS ấy!

 

“Điều kiện là gì? Nhà trường đặt điều kiện để được thi tốt nghiệp là thế nào? Không lẽ cứ phải răm rắp theo lộ trình mà nhà trường đặt ra thì mới đủ điều kiện sao?”, bà T. bức xúc. Xót lòng, bà đề nghị với giáo viên chủ nhiệm cho con được nghỉ học buổi tối ở trường để cháu có thời gian ôn bài tại nhà và nghỉ ngơi, nhưng cô giáo đã thẳng thừng từ chối.

 

“Tôi còn muốn bệnh huống chi là nó, suốt ngày chỉ học và học, riết như vậy làm sao chịu nổi. Điều kiện dạy tốt đến đâu thì cũng phải cho HS có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn mới tiếp thu bài được. Hơn nữa, sức học của cháu rất khá, đâu cần thiết phải gò ép như vậy, cả những ngày lễ vừa rồi cũng không được nghỉ một ngày nào” - bà T. lo lắng cho biết.

 

Nhưng không riêng gì con bà T., trên 600 HS lớp 12 của trường này đều nhất nhất phải tuân theo lịch học kín mít như thế. Ngay cả HS khối 9 cũng phải học cả ngày lẫn đêm. Chị N. ở Bình Thạnh cũng tỏ ra khá xót xa bởi gần hai tháng nay, em của chị chưa được nghỉ một ngày nào, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

 

Mỗi sáng em chị rời nhà lúc 6h và trở về lúc 22h30, tắm rửa, ăn uống đến nửa đêm mới có thể ngủ. Bữa nào bài vở nhiều, ở trường chưa thuộc hết là sáng 5h phải dậy ôn bài vì hôm nào cũng khảo bài, dò bài rất gắt gao. Như vậy, một ngày HS còn được bao nhiêu thời gian để ngủ? “

 

Học hành như thế, lại không được vui chơi, giải trí thì làm sao một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn phát triển tốt được. Nó chỉ ước được ngủ thôi! Nó thèm ngủ đến mức bảo tôi mua chiếc dây thắt lưng như dùng cho em bé để khi chở đến trường nó có thể tựa vào lưng tôi ngủ thêm 20 phút(!)”, chị N. ngán ngẩm.

 

Chị kể thêm dịp lễ vừa rồi cứ nghĩ sẽ được nghỉ bốn ngày nên gia đình sắp xếp cho cháu về thăm gia đình ở tỉnh, cũng là để nghỉ ngơi luôn nhưng sau đó nhà trường thông báo chỉ được nghỉ một ngày 30/4, ngày 1/5 các em vẫn phải đi học bình thường! Tuy nhiên đó vẫn còn là một ngày nghỉ may mắn, HS khối 12 còn không được nghỉ một ngày nào.

 

Sức khỏe không tốt thì đi trường khác!

 

Lịch học trên được áp dụng ngay từ đầu năm học và là giờ học bắt buộc cho tất cả HS. Sáng học bình thường, chiều làm bài tập, tối ôn và học thuộc những bài còn lại. Một giáo viên quản nhiệm sẽ giám sát việc học, trả lời những thắc mắc cũng như khảo bài HS lần cuối trước khi về.

 

Ông Nguyễn Ngọc Phấn - hiệu phó Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến - cho biết: “Mô hình này đã được trường áp dụng cả chục năm nay, đó là qui định. Ngay từ khi nhận HS chúng tôi đã thông báo những HS nào ở xa, điều kiện đi lại khó khăn hoặc sức khỏe không tốt thì nên chọn trường khác, vì đến cuối cấp chúng tôi sẽ áp dụng học tập trung cả ban ngày và ban đêm. Chúng tôi muốn các em đậu ĐH chứ không phải chỉ đậu tú tài!”.

 

Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý với quan điểm trên. Một số phụ huynh cho rằng con họ học khá thì không cần thiết phải học ngày học đêm vất vả như thế. Hơn nữa, học không có cả ngày nghỉ như hiện nay khiến không ít phụ huynh lo lắng về khả năng tiếp thu bài cũng như sức khỏe của các em.

 

“23h mới tan ra, về nhà là 23h30, tắm rửa, ăn uống cũng phải qua ngày hôm sau con tôi mới được ngủ. Có bữa nó mệt quá, ăn qua loa gì đó rồi ngủ vùi luôn, không kịp tắm táp. Sáng 5h phải dậy coi lại bài trước khi đến trường, người thiếu ngủ nên nhìn nó phờ phạc, hốc hác đến tội nghiệp"- một phụ huynh nghẹn ngào nói.

 

Điệp khúc tăng tiết, học dồn, học ép lại diễn ra và đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tâm lý của hàng ngàn HS mỗi khi mùa thi đến. Phải chăng vì áp lực thi cử, áp lực thành tích mà người ta sẵn sàng nhồi nhét HS đến cùng kiệt, bất chấp những hệ quả xấu đang từng ngày từng giờ hiển hiện ở học đường?

 

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm