Những khu vực du học giá rẻ

Chi phí cần đầu tư một tấm bằng đại học tại Anh, Mỹ, Úc hay Singapore thường không thấp và không phải học sinh nào cũng may mắn nhận được học bổng.

Giải pháp khá thực tế là chuyển hướng sang những nước ít đắt đỏ hơn nhưng chất lượng giáo dục không thua kém. Hiện nay, có khá nhiều khu vực du học “mới nổi” mang đến thêm nhiều lựa chọn cho phụ huynh và học sinh. Vì nhiều lý do khác nhau, chi phí học tập tại những quốc gia này khá dễ chịu, có thể giúp mơ ước cho con du học của nhiều gia đình trở nên khả thi hơn.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu – học phí thấp, nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh


Các nước thuộc Liên minh châu Âu – học phí thấp, nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh

Trong những năm gần đây, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nổi lên như một trong những thị trường du học lớn nhất thế giới. Tuy nhiên trong quan niệm của nhiều phụ huynh, châu Âu là một trong những khu vực đắt đỏ nhất thế giới nên cũng nằm ngoài tầm với không khác gì các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc… Đây là một quan niệm có phần sai lầm.

Tại nhiều nước thuộc EU, giáo dục không được xem như một ngành kinh doanh mà là “nghĩa vụ” của chính phủ đối với cộng đồng. Mỗi năm, một khoản ngân sách không nhỏ sẽ được dành ra để đầu tư vào hệ thống giáo dục. Chính vì vậy ở tất cả các bậc học, mức học phí phải đóng thường chỉở mức tượng trưng hoặc hoàn toàn miễn phí. Mức học phí dành cho những công dân đến từ các vùng lãnh thổ khác ngoài EU có thể sẽ tương đương mức dành cho học sinh bản xứ hoặc nhỉnh hơn chút ít, phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia, nhưng nhìn chung vẫn ở mức rất thấp.

Những quốc gia nổi tiếng về giáo dục với sinh viên quốc tế hiện nay hội đủ hai yếu tố học phí thấp và chất lượng cao trong EU là Pháp, Hà Lan, Đức, Phần Lan… Các bậc phụ huynh đừng cảm thấy “sợ” vì những nước này đều không sử dụng tiếng Anh, bởi các quốc gia này đều có các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ở nhiều ngành khác nhau.

Mặt khác, vẫn luôn có những chương trình chuẩn bị tiếng bản xứ kéo dài khoảng một năm trước khi vào đại học cho những học sinh có nhu cầu. Thông thường, các sinh viên chọn học đại học bằng tiếng bản xứ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn lúc ban đầu nhưng lại có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm những khóa học có học phí thấp hơn hay nhận được thêm các gói hỗ trợ từ chính phủ.

Pháp: Đây là một trong những nước có đông du học sinh Việt Nam nhất. Trong quá khứ, từng có thời gian Pháp tỏ ra lạnh nhạt với tiếng Anh và chỉ chào đón những du học sinh sử dụng ngôn ngữ của mình. Chính vì vậy, nên dù biết Pháp là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất thế giới nhưng nhiều sinh viên đã không đến với đất nước này.

Những năm gần đây, nước Pháp đã “thoáng” hơn rất nhiều. Không chỉ một số mà có đến gần 700 khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh, đa phần là những ngành mũi nhọn của Pháp như Kinh tế, Nghệ thuật, Kiến trúc, Kỹ thuật, Toán, Du lịch Khách sạn, Xã hội học, Văn học… Tiếng Pháp cũng là một trong những ngôn ngữ thông dụng trên thế giới, nhiều học sinh chọn Pháp là điểm đến như một cách để trau dồi thêm ngoại ngữ thứ hai.

Hà Lan: Là một trong những quốc gia tiên phong tại EU trong việc phát triển và quảng bá các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh. Đến thời điểm này, đây cũng là một trong những điểm đến được sinh viên quốc tế quan tâm nhất. Đất nước xinh đẹp, khí hậu ôn hòa, nhiều khóa học để lựa chọn là những điểm mạnh của Hà Lan. Những ngành học mũi nhọn của Hà Lan là Kinh tế, Kiến trúc, Nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật đương đại), Truyền thông, Xã hội học…

Đức: Một trong những dòng chảy văn hóa chính của châu Âu, không có gì lạ khi Đức cũng góp mặt trong danh sách này. Người Đức luôn được đánh giá là có tác phong làm việc nghiêm túc, kỷ luật.Đây cũng là những đức tính mà các du học sinh mong muốn được trau dồi khi đến Đức. Trong lĩnh vực Công nghệ, Môi trường và Thiết kế sản phẩm, Đức vẫn luôn là quốc gia tiên phong trên thế giới trong cả sản xuất lẫn giáo dục. Đây cũng chính là những ngành được nhiều sinh viên quốc tế quan tâm nhất ở Đức.

Phần Lan: Tuy đây là cái tên ít được nhắc đến nhưng trên thực tế, Phần Lan luôn nằm trong top hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới (từng đạt vị trí số 1 vào năm 2000, 2003 và 2006, xếp hạng bởi OECD – Organisation for Economic Co-operation and Development). Chi phí học tập tại Phần Lan hoàn toàn tỷ lệ nghịch với thứ hạng, tại Phần Lan gần như 100% các khóa học đều hoàn toàn miễn phí cho cả sinh viên bản xứ lẫn quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do mà nhiều trường ở Phần Lan, đặc biệt là những khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh có tỷ lệ chọi khá cao. Năm 2010, Trường Đại học Helsinski chỉ nhận 19% trên tổng số đơn xin học, thấp hơn cả tỷ lệ chấp nhận của Đại học Oxford (Anh).

Châu Á – Nhiều cơ hội rộng mở

Nếu chi phí sinh hoạt tại các nước thuộc EU vẫn là một bài toán khó, thì giải pháp tiếp theo là những nước láng giềng của chúng ta. Ngoài Singapore vốn thuộc hàng ngũ những quốc gia du học có uy tín nhưng chi phí đắt đỏ không thua kém các nước phương Tây, còn rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổở châu Á có nền giáo dục khá phát triển. Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan luôn đạt các thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các nền giáo dục tốt nhất thế giới. Nhiều trường đại học ở các quốc gia này lọt vào top những trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu – học phí thấp, nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh


Điểm cộng đầu tiên cho những quốc gia châu Á láng giềng là cuộc sống có phần dễ thở hơn, giúp phụ huynh và học sinh bớt đi những phép toán “ngạt thở” khi quy đổi từ tiền đồng sang đôla Mỹ, bảng Anh, euro… Và với những phụ huynh, học sinh có tâm lý lo ngại khó hòa nhập ở những quốc gia phương Tây có nền văn hóa quá khác biệt, các nước châu Á sẽ là lựa chọn dễ chịu hơn với những điểm tương đồng về xã hội, văn hóa, thời tiết, con người…

Ngôn ngữ được sử dụng trong các chương trình đại học trong những nước này cũng rất đa dạng, từ tiếng bản xứ cho đến tiếng Anh. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là trở ngại lớn, khi nhiều nhà đầu tư chính tại thị trường Việt Nam lại đến từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… nên trang bị thêm một trong những ngôn ngữ này ngoài tiếng Anh trở thành một nhu cầu của các bạn trẻ.

Ngoài ra, vì những chính sách thông thương và ưu đãi mà sinh viên Việt Nam thường có nhiều cơ hội tìm được những suất học bổng toàn phần nếu theo học các khóa học được giảng dạy bằng tiếng bản xứ. Hằng năm, chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và chính quyền Đài Loan đều có những chương trình học bổng dành riêng cho học sinh, sinh viên Việt Nam ở tất cả các bậc học, từ đại học cho đến thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngoài ra, những chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh có thể dễ dàng tìm thấy ở Malaysia, Thái Lan, Philippines. Nền giáo dục ở các quốc gia này khá tương đồng do chịu ảnh hưởng nhiều từ Anh (Malaysia, Thái Lan) và Mỹ (Philippines). Có nhiều chương trình đại học được giảng dạy bằng tiếng Anh, với giáo trình tương đồng với các giáo trình tại Anh và Mỹ.Đây cũng là thị trường mà nhiều trường đại học Anh, Mỹ, Úc chọn để xây dựng các chi nhánh (tương tự với mô hình Đại học RMIT tại Việt Nam). Chi nhánh của các trường đại học quốc tế được biết đến nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á là Đại học Monash, Đại học Nottingham, Đại học Webster…

Theo Nhật Hà
DNSGCT