Kết quả thi ĐH và tốt nghiệp THPT:

Những hợp lý và phi lý

(Dân trí) - Nếu như trong kỳ tuyển sinh năm 2006, số thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 tại các trường ĐH, CĐ nở rộ với hơn 40 người thì năm nay, số thủ khoa tuyệt đối hầu như không có.

Tại 40 cơ sở  ĐH, CĐ vừa chính thức công bố điểm thi cho thí sinh vẫn chưa hề có thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 (không phải làm tròn). Bên cạnh việc hiếm thủ khoa tuyệt đối của thí sinh các khối tự nhiên thì kết quả thi của thí sinh khối xã hội vẫn thấp một cách đáng ngại.

 

Kết quả thi ĐH luôn được xem là sự phản ánh trung thực nhất cho tính thực chất của kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chính vì thế hàng năm, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) luôn xây dựng những thống kê điểm so sánh kết quả giữa hai kỳ thi này để phát hiện ra những địa phương nào nhiều gian lận trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

Năm nay là một năm mà kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là thực chất nhất từ trước đến nay. Do đó, kết quả hai kỳ thi của thí sinh năm nay được xem là có sự tương đồng. Dù vậy, bên cạnh sự hợp lý vẫn tồn tại một số phi lý đáng kể.

 

Hợp lý

 

Về việc hiếm thủ khoa tuyệt đối thì ngay sau khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ kết thúc, trả lời Dân trí về công việc chấm thi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Nguyễn An Ninh đã đưa ra dự báo điểm tuyệt đối của thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm nay sẽ giảm hẳn khi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở 4 môn.  

 

Đặc điểm nổi bật của đề thi trắc nghiệm là không có thí sinh nào không làm được nhưng cũng có những câu không phải tất cả thí sinh nào cũng đều làm được. Đề thi trắc nghiệm có khả năng phân loại cao hơn. Vì thế, điểm 10 năm nay ở các môn Ngoại ngữ, Hoá học, Vật lý, Sinh học sẽ ít hơn các năm trước nhiều.

 

Đáp án chấm cũng được chia cực kỳ chi tiết. Vì thế, tính đến thời điểm này, hai thí sinh đạt điểm cao nhất là thí sinh Nguyễn Đăng Chuẩn, THPT Thuận Thành Bắc Ninh (thi ĐH Bách khoa Hà Nội) và thí sinh Nguyễn Đức Học (thi Học viện Tài chính) cũng chỉ đều đạt 29,75 điểm.

 

Số thí sinh đạt điểm tuyệt đối giảm hẳn là một biểu hiện sinh động nhất về sự chuẩn mực của đề thi. Có thể nói, trong 6 năm thực hiện 3 chung, chưa năm nào đề thi lại thành công như năm nay.

 

Kết quả này khá đồng nhất với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vì, trong gần 900 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp cũng chỉ có duy nhất 1 thí sinh đạt 59/60 là thí sinh Nguyễn Đức Duy (TPHCM).

 

Phi lý

 

Đối với các môn xã hội thì chưa năm nào có thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhưng như năm 2006, còn có lác đác một vài điểm 10 môn Văn. Tuy nhiên, tại kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, tính đến thời điểm này vẫn chưa hề có thí sinh nào đạt được điểm 10 trong cả 3 môn Văn, Sử, Địa. Đối với hai môn Văn, Sử, tình hình điểm thi của thí sinh còn tồi tệ hơn khi có hàng loạt thí sinh chỉ đạt điểm 1,2.

 

Tại hầu hết các trường ĐH có thí sinh dự thi khối C, điểm thi của thí sinh đều rất thấp. Ngay tại trường ĐH được coi là trường top đầu về khối C như  ĐH KHXH&NV (ĐH QGTPHCM), đối với khối C chỉ 5,59% thí sinh đạt điểm 5 trở lên nhưng có tới 21,7% thí sinh chỉ đạt điểm từ....0 - 0,75 ; trong đó có 92 thí sinh điểm 0 môn Sử.

 

ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Đà Nẵng) 90% bài thi của môn Văn có điểm dưới trung bình, môn Sử có tới gần 99% bài thi của thí sinh có điểm thi dưới trung bình, trong đó có tới 21% bài thi đạt điểm 0…

 

Điều đáng lưu ý, hai môn Văn và Sử là những môn có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra và hầu hết những thí sinh dự thi khối C năm nay đều phải là những thí sinh đạt yêu cầu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT này.

 

Phải chăng đề thi ĐH và đề thi tốt nghiệp THPT lại có khoảng cách cực lớn nên mới khiến kết quả dự thi ĐH của thí sinh khối C đang thấp một cách đáng kinh ngạc như vậy so với kết quả thi tốt nghiệp THPT?

 

Theo Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh thì định hướng ra đề thi ĐH tiệm cận với đề thi tốt nghiệp THPT là định hướng chung trong công tác ra đề thi và đương nhiên không có sự phân biệt giữa khối tự nhiên và khối xã hội.

 

Như vậy, độ vênh đáng kể về kết quả giữa hai kỳ thi của thí sinh khối C không phải do đề thi gây ra. Cứ cho là số thí sinh dự thi năm nay có nhiều người năm trước trượt ĐH năm nay thi lại thì cũng không thể kéo kết quả của thí sinh khối C xuống thấp đến mức như vậy.

 

Do đó, sự chênh lệch này đang là một dấu hỏi lớn về tính nghiêm túc thực sự của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại sao “độ vênh” này không thể hiện ở các môn khác mà chỉ rơi vào những môn học thuộc lòng và có thể dễ dàng kiếm điểm nhờ “phao”? Phải chăng con số hơn 60% của tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay một phần vẫn là con số “ảo”?

 

Mai Minh