Những giao thừa xa xứ
Đối với nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, Tết xa quê trong ký ức là những kỷ niệm đong đầy trong nỗi nhớ da diết khôn nguôi...
Tết đến, xuân về cũng là thời điểm du học sinh lâng lâng một nỗi lòng nhớ quê cha đất tổ, nhớ vị Tết truyền thống đậm đà từ nơi đất khách xa xôi.
Vì điều kiện học tập nên đã 3 năm nay, Đỗ Xuân Hòa, sinh viên năm cuối chuyên ngành Công nghệ Thông tin Viễn thông, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) không được về quê ăn Tết. Với chàng trai sinh ra và lớn lên ở quận Tân Bình, TPCM ấy, Tết xa xứ bao giờ cũng đong đầy nỗi nhớ.
Hòa kể, năm ngoái, theo chương trình trao đổi sinh viên của NTU, Hòa phải sang trường Tampere University of Technology (Phần Lan) học. Đón giao thừa ở thành phố Tampere vốn ít người và xa lạ, Hòa và hai “đồng hương” cùng phòng không thể ra ngoài nỗi nhớ quê hương. Phút giao thừa lặng lẽ trôi đi trong sự bồn chồn với những tiếng nấc nghẹn ngào nơi cổ họng.
“Đã cố kìm lòng lắm nhưng khi nghĩ đến bố mẹ ở TP Hồ Chí Minh, mình không cầm được nước mắt. Mình thương và nhớ bố mẹ quá…”, Hòa xúc động nhớ lại.
Trong khi đó, Nguyễn Bích Hải, người vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh và Kinh tế quốc tế tại Hanseo University (Hàn Quốc) cho biết: Tết đến, sinh viên Hàn Quốc nô nức kéo nhau về nhà. Ký túc xá vắng tanh, vắng ngắt.
Để vơi đi nỗi nhớ, Hải và 10 sinh viên khác đến từ Trung Quốc, Nepal, Malaysia, Ấn Độ đã họp nhau lại cùng nấu các món ăn ngày Tết của nước mình.
Trời lạnh âm 10 oC, nên khi “làm cỗ” xong, ai nấy đều tái mặt vì ngâm tay trong nước lạnh. Truyền hơi ấm cho nhau, xua đi cái giá rét, mọi người chẳng ai bảo ai, kéo đệm ngồi sát lại, quây quần bên mâm cơm chào năm mới.
Và, trong căn phòng nhỏ đi mượn của một sinh viên Hàn Quốc ấy (ký túc xá không cho nấu ăn), một “cái tết liên hợp quốc” đã diễn ra vui vẻ, giúp mọi người quên đi nỗi nhớ nhà.
Tuy nhiên, có những người không có cách gì vượt qua được nỗi nhớ nhà khi Tết đến. Hà Đăng Chính, người vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Cơ điện tử, Đại học Quốc gia Singapore - NUS (hiện đang làm nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế tại Singapore), đã phải “bắt” máy bay về Việt Nam vào đúng sáng mùng 1 Tết năm ngoái.
“Mùng 1 Tết là ngày sinh nhật mẹ tôi nên sau khi tham gia chương trình đón Tết “Cún con cưỡi cọp” với các sinh viên Việt Nam ở NUS đêm giao thừa, tôi quyết định về Việt Nam mừng tuổi mẹ. Bố mẹ tôi đã hết sức bất ngờ vì con mới về nghỉ hè trước đó chưa lâu, nay lại về Việt Nam ăn Tết”, Chính kể.
Tết VYSA, Tết UK và Tết UEVF
Khi không có điều kiện về nhà, “người ở lại” luôn đoàn kết, cùng vui và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất nhân dịp xuân về.
Không kể những nhóm bạn nhỏ cùng quây quần bên nhau, đón chào năm mới, những cái Tết VYSA (Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản), Tết UK (Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh), Tết VNKR (Hội du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc), Tết UEVF (Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp)… cũng mang bản sắc rất Việt Nam, dù diễn ra ở nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Ngoài chương trình ca nhạc của sinh viên UK với Live Show “Glamour” của Hội Sinh viên Việt Nam tại London, các chi hội sinh viên Việt Nam tại các thành phố ở Anh cũng tổ chức những chương trình “cây nhà lá vườn” chào mừng năm mới.
Sinh viên Việt Nam tại thành phố Leeds hăng say với “Ngày Việt Nam”. Ở thành phố Birmingham là đêm văn hóa “Việt Nam - The Hidden Charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn). Còn tại thành phố Southampton, du học sinh Việt Nam mua nguyên liệu về tự gói bánh chưng và nấu lấy để cùng nhau tận hưởng không khí Tết.
Với những sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Quốc gia Singapore, đêm giao thừa xuân Bính Tuất với tên gọi rất… sinh viên là “Cún con cưỡi cọp”, thực sự đã để lại ấn tượng.
Khoảng 150 sinh viên đã tập trung tại Prince Geogre Park Residence - khu Ký túc xá tập trung nhiều sinh viên Việt Nam nhất - để cùng làm và thưởng thức bữa tiệc ẩm thực với các món bún bò Huế, phờ bò hay bún bò Nam bộ…
Còn tại thành phố Bochum, CHLB Đức, các bạn du học sinh ở đây sum vầy bên nhau, cùng làm bánh chưng, nấu bún măng, chè…
Trương Minh Huy Vũ, sinh viên trường Đại học Siegen cho biết, một số bạn nữ còn tổ chức cúng đêm giao thừa, mong ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ cho một năm gặp nhiều may mắn và thành đạt...
Theo Xuân Mai
Tiền Phong