Những gì thầy cô đang rao giảng đã là... quá khứ, lạc hậu
(Dân trí) - Kiến thức thầy cô đang chia sẻ trên giảng đường hôm nay đã là quá khứ, ngày mai đã là lạc hậu. Giảng viên bây giờ không phải dạy mà còn phải học... từ sinh viên.
Vấn đề được đặt ra tại tọa đàm "Chuyển đổi số trong giáo dục đại học" do Trường ĐH Văn Lang tổ chức diễn ra vào ngày 29/12.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, đổi mới giáo dục ở Việt Nam rất khó khăn vì không có nguồn lực về con người đi đầu trong chuyển đổi số.
Như đợt dịch vừa rồi, nhiều nơi dạy trực tuyến theo ông Dũng là rất phản sư phạm. Không ai bắt sinh viên ngồi cả tiếng đồng hồ nhìn vào màn hình để nghe thầy giáo giảng.
"Thầy cô chúng ta đi từ trường lớp hàn lâm, suốt ngày chiếu PowerPoint lên nhưng chỉ để truyền đạt kiến thức một chiều. Trong khi, giáo dục bây giờ phải chuyển từ nền tảng truyền đạt kiến thức sang hướng dẫn sinh viên làm giải quyết vấn đề thực tế.
Đội ngũ giảng viên phải thay đổi tư duy, nhưng thực tế là họ cũng không có kinh nghiệm thực tế để giải quyết vấn đề", ông Dũng nói.
Chi 2,5 tỷ đồng/năm thuê sinh viên làm trợ lý cho giảng viên
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM triển khai chi khoảng 2,5 tỷ đồng cho sinh viên làm trợ lí cho giảng viên.
Sinh viên là thế hệ trẻ năng động và rất am hiểu về công nghệ, sẽ hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy, sinh viên vừa phát huy được năng lực của bản thân vừa có thêm thu nhập.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, bây giờ không còn khái niệm học nữa. Những điều thầy cô đang chia sẻ trên lớp hiện nay là những cái đã ở quá khứ, và ngày mai đã trở nên lạc hậu.
Giảng viên bây giờ không cần dạy, sinh viên có thể học qua người khác, học qua mạng, qua nhóm...
Vai trò của người thầy là tìm những địa chỉ, những kênh để sinh viên biết học.
Thầy giáo lên lớp phải chuyển sang học từ thực tế, phải biết doanh nghiệp đang cần gì, có vấn đề gì và từ đó, thầy trò cùng giải quyết bằng những kiến thức các em đã tự học được trên trên mạng.
"Khoe có vườn bonsai, đến lôi ra... bức tranh bonsai"
TS. Vũ Viết Ngoạn, CEO Viet Lotus Corp cho biết, không có lý do gì để các cơ sở đào tạo cung cấp một nguồn nhân lực, để rồi ngay lập tức các cơ sở sử dụng lao động lại phải đào tạo lại.
Kỹ năng số phải được cập nhật nhanh nhất trong giáo dục đào tạo, trong các trường ĐH. Muốn sinh viên có kỹ năng chuyển đổi số, ông Ngoạn cho rằng các trường phải tạo môi trường công nghệ số để để sinh viên có điều kiện, cơ hội trải nghiệm.
"Trường học nói chuyển đổi số nhưng sinh viên không có điều kiện trải nghiệm thì giống như chúng ta khoe có vườn bonsai nhưng khách đến nhà thì đưa ra bức tranh... bonsai", ông Ngoạn ví von.
TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang bày tỏ, công nghệ, chuyển đổi số đang làm thay đổi yêu cầu của thị trường lao động trên toàn thế giới.
Chuyển đổi số thay đổi toàn bộ về mặt tư duy, cơ chế, nguyên lý quản lý của trường học, tác động đến từng giảng viên, người học.
Trước đây, mỗi giảng viên chỉ có thể tiếp cận với một lượng sinh viên nhất định, giờ đây có thể hàng triệu người. Sinh viên có thể tiếp cận với những giảng viên hàng đầu thế giới như ở Harvard, những giảng viên đoạt giải Nobel.
Giảng viên ở trường đại học phải học cách kết hợp từ những bài giảng đó để đưa vào để phù hợp với sinh viên, đưa sinh viên đến nhà máy, vào phòng Lab như thế nào, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam ra sao.
"Chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ người học về mặt công nghệ, về mặt quản lý mà phải tạo ra những sản phẩm đào tạo có năng lực làm việc", ông Trí nêu quan điểm.