Những điều cần biết khi dự thi khối các trường Quân đội
(Dân trí) - Do tính chất đặc thù của khối các trường quân đôi nên việc đăng ký dự thi có nhiều khác biệt so với các trường dân sự. <i>Dân trí</i> cung cấp những bước cơ bản nhất để thí sinh thuận tiện làm hồ sơ dự thi vào khối trường này.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, thí sinh muốn đăng ký dự thi vào khối các trường quân đội bắt buộc phải sơ tuyển tại Ban chỉ huy quân sự nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú. Thời gian sơ tuyển từ ngày 10/3 đến 15/4.
Chỉ những thí sinh đáp ứng được điều kiện sơ tuyển mới được cấp hồ sơ đăng ký dự thi (theo mẫu của Bộ quốc phòng). Sau khi nhận hồ sơ ĐKDT theo đường nội bộ, các trường sẽ gửi giấy báo dự thi cho thí sinh, phiếu báo thi nhận tại Ban TSQS quận, huyện, thị, đơn vị (nơi thí sinh đăng ký dự thi).
1. Đối tượng tuyển sinh vào khối các trường quân đội?
Đối với hệ dân sự của khối các trường quân đội thì thí sinh không phải sơ tuyển. Thí sinh chỉ cần nộp hồ sơ ĐKDT là được phép dự thi. Mẫu hồ sơ ĐKDT đối với hệ dân sự thì theo mẫu của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh có thể nộp hồ sơ ĐKDT hệ này theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT địa phương hoặc nộp qua hệ thống tuyển sinh quân đội bằng cách gửi cho Ban chỉ huy quân sự địa phương nơi mình cư trú. |
- Quân nhân tại ngũ: là Hạ sỹ quan, binh sỹ, quân nhân chuyên nghiệp nhập ngũ từ năm 2008 về trước. Công nhân viên quốc phòng có thời gian phục vụ quân đội từ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 7/2009). Số lượng đăng ký dự thi theo chỉ tiêu đã phân bổ cho các đơn vị. (Những thí sinh đang ở trong quân ngũ muốn được dự thi ĐH thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị mình)
- Nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ), số lượng ĐKDT không hạn chế.
- Nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân: vào đào tạo Dược sỹ, Bác sỹ quân y tại Học viện Quân Y (10% chỉ tiêu); vào đào tạo kỹ sư quân sự ngành Tin học và Điện tử viễn thông tại Học viện kỹ thuật quân sự (10%) chỉ tiêu của hai ngành trên); vào đào tạo các ngành Ngoại ngữ tại Học viện Khoa học Quân sự (10% chỉ tiêu).
2. Những tiêu chuẩn để được dự thi vào khối các trường quân đội?
Thí sinh đăng ký dự thi vào khối các trường quân đội phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
* Yêu cầu tự nguyện: Thí sinh tự nguyện ĐKDT vào một trường quân sự; Khi trúng tuyển chấp hành phân công công tác Bộ quốc phòng; Khi trúng tuyển chấp hành sự phân công ngành học.
* Yêu cầu về văn hoá: Phải tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT; không hạn chế ngưỡng về học lực.
* Yêu cầu về sức khoẻ:
- Các học viện, trường đào tạo về Y, kỹ thuật, Năng khiếu (bao gồm: Học viện kỹ thuật quân sự; Học viện Quân Y; Học viện khoa học quân sự, hệ đào tạo kỹ sư không quân thuộc Học viện Phòng không-Không quân; Trường ĐH văn hoá Nghệ thuật Quân đội; Trường CĐ Kỹ thuật Vinhempich) Tuyển chọn học viên đạt sức khoẻ loại 1 ở 5 chỉ tiêu (Nội, ngoại, tâm thần kinh, da liễu-hoa liễu, tai-mũi-họng).
Riêng tiêu chuẩn về thể lực nam giới: Chiều cao từ 1m63 trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên. Được tuyển chọn học viên đạt sức khoẻ loại 2 về răng.
Được tuyển những học viên có tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị không quá 3 điốp, kiểm tra thị lực qua kính đạt 10/10; tổng thị lực hai mắt 19/10.
- Đối với các học viện và trường còn lại: Tuyển chọn học viên đạt sức khoẻ loại 1 ở 6 chỉ tiêu (nội, ngoại, tâm thần kinh, da liễu-hoa liễu, mắt, tai-mũi-họng)
Riêng tiêu chuẩn thể lực về nam giới: Chiều cao từ 1m65 trở lên; cân nặng từ 50 kg trở lên. Được tuyển chọn học viên đạt sức khoẻ loại 2 về răng.
Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo; thí sinh là người dân tộc ít người được lấy đến sức khoẻ loại hai về thể lực. Trong đó nam giới phải đạt chiều cao từ 1m62 trở lên; cân nặng 47 kg trở lên.
3. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh quân sự có gì khác biệt so với quy định của Bộ GD-ĐT?
Tất cả thí sinh thì vào các trường ĐH trong quân đội đều được hưởng chính sách ưu tiên đối tượng và khu vực như Bộ GD-ĐT ban hành trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009.
Riêng phần ưu tiên đối tượng thì bổ sung hai điểm sau: Đối tượng 02 (thuộc nhóm ưu tiên 1): Quân nhân tại ngũ được cử đi học, có 01 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở trở lên.
* Đối tượng 08 (thuộc nhóm ưu tiên 2): Con sỹ quan quân đội, con quân nhân chuyên nghiệp và con công chức quốc phòng có mức tương đương sỹ quan, đang tại chức hoặc đã nghỉ chế độ, chuyển ngành, nghỉ hưu.
Tất cả các thí sinh muốn dự thi vào các trường quân đội đều phải qua sơ tuyển tại Ban chỉ huy quân sự địa phương: quận, huyện, thị xã, nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với thanh niên ngoài quân đội), tại đơn vị (đối với quân nhân).
Thí sinh ĐKDT làm hồ sơ theo quy định, dưới sự hướng dẫn của Ban tuyển sinh Quân sự quận, huyện, thị, đơn vị.
Mỗi thí sinh ĐKDT phải có một bộ hồ sơ tuyển sinh (Hồ sơ tuyệt đối không được tẩy xoá - nếu sửa chữa phải có chữ ký và dấu). Hồ sơ gồm có: 1 bản thẩm tra xác minh lý lịch; 1 phiếu khám sức khoẻ; 3 phiếu ĐKDT theo mẫu của Ban tuyển sinh Quân sự-Bộ Quốc phòng.
Phiếu ĐKDT do thí sinh tự khai; bản thẩm tra xác minh chính trị do cán bộ tuyển sinh Ban chỉ huy Quân sự quận, huyện, thị xã (đối với thanh niên ngoài quân đội), đơn vị (đối với quân nhân) đi thẩm tra xác minh theo quy định.
Nếu thí sinh là diện được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển chọn thì phải có chứng nhận ưu tiên hợp lệ. Giấy chứng nhận ưu tiên đối tượng con thương binh, con bệnh binh, com liệt sỹ…phải là bản sao có công chứng.
Mỗi thí sinh nộp kèm theo hồ sơ ĐKDT tuyển sinh quân sự 4 ảnh (cỡ 4x6) kiểu chứng minh thư mới chụp trong vòng 6 tháng (để tránh nhầm lẫn ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, tỉnh huyện nơi thí sinh ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh). Một ảnh dán vào hồ sơ tuyển sinh, một ảnh dán vào phiếu khám sức khoẻ (đóng dấu Ban TSQS).
Nguyễn Hùng