Những đặc điểm cơ bản của nền đại học Hoa Kỳ
Đào tạo không theo hệ thống, phân hóa lớn về trình độ và chất lượng, vai trò quản lý của nhà nước rất mờ nhạt...Đó là những đặc điểm nổi bật của giáo dục đại học Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ hiện có đến mấy chục trường chất lượng vào cỡ đứng đầu thế giới, với những tên gọi lừng danh như Harvard, Princeton, Stanford, M.I.T, Caltech v.v. (trong khi đó những nước phát triển nhất ở châu Âu, mỗi nước chỉ có 2 hay 3 trường vào cỡ tương đương).
Mấy thập kỷ gần đây, một tỷ lệ lớn các giải Nobel được trao tặng cho các nhà khoa học Hoa Kỳ mà số đông là giáo sư ở các trường đại học; điều đó càng làm tăng uy tín của nền đại học Hoa Kỳ.
1. Đặc điểm cơ bản nhất và rất riêng biệt của nền đại học Hoa Kỳ là vai trò quản lý trực tiếp của nhà nước rất mờ nhạt.
Nói đến nhà nước ở Hoa Kỳ, phải nói đến nhà nước trung ương cấp liên bang (đóng đô ở Washington D.C) và nhà nước cấp bang. Hiện nay, Hoa Kỳ có 50 bang.
Theo Hiến pháp Hoa Kỳ thông qua năm 1787 và chính thức có hiệu lực từ 1788 tới nay, quyền tổ chức và quản lý giáo dục là thuộc về các bang chứ không thuộc về chính quyền trung ương liên bang. Như vậy, cấp liên bang tuy có bộ máy gọi là Cục Giáo dục, nhưng nó chỉ có nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tình hình giáo dục trong liên bang chứ không có chức năng quản lý, chỉ đạo.
Mỗi bang có quyền và thực sự đã tổ chức giáo dục trong bang theo cách riêng của mình và do đó từ bang này sang bang khác, cách tổ chức giáo dục không giống nhau, đến mức có nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã nói rằng một công dân liên bang từ bang mình sang học tập ở bang khác cũng giống như đi du học ở nước ngoài! (thí dụ sẽ phải trả học phí cao hơn so với học sinh vốn là cư dân của bang).
Các bang cũng chỉ chủ yếu quản lý giáo dục phổ thông, còn về giáo dục đại học thì các trường gần như hoàn toàn tự trị, các trường đại học công chỉ khác các trường đại học tư là được ngân sách của bang đài thọ (do đó học phí ở trường công thấp hơn trường tư rõ rệt) và trong ban quản trị của trường công có một đại diện của chính quyền bang, không có quyền ưu tiên gì hơn các thành viên khác.
Sở dĩ các trường đại học của Hoa Kỳ được quyền tự trị rộng như vậy vì nhiều trường đại học tư đã có trước từ thời kỳ thuộc địa của Anh, phần lớn do Giáo hội Thiên chúa giáo di cư từ châu Âu sang và xây dựng ra, theo tập quán tự trị của các trường đại học châu Âu thời phong kiến trung cổ (thí dụ các trường tư danh tiếng như Harvard thành lập 1636, Yale 1701, Princeton 1746, Columbia 1759 v.v. đều có trước khi có các bang và liên bang).
2. Nền đại học Hoa Kỳ “không thành một hệ thống gì cả” (not a system at all)
Mỗi trường đại học, công hay tư, đều có quyền tổ chức việc dạy và học trong trường mình, theo sáng kiến riêng, không có và không bắt buộc phải theo những quy chế, thể lệ chung.
Tất nhiên là những tập quán và kinh nghiệm đã được hình thành trong lịch sử và được mỗi trường chọn lọc tiếp thu một cách tự nguyện là cái chung làm cho nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ (công hay tư) không đến nỗi khác nhau quá đáng.
Mặt khác, từ giữa thế kỷ XX đến nay, đã hình thành ra nhiều tổ chức phi chính phủ nghiên cứu và khuyến cáo các biện pháp nhằm làm cho các trường đại học Hoa Kỳ có tính chất đồng đều hơn như các tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục đại học.
Lấy một thí dụ: Các văn bằng và học vị do các trường đại học Hoa Kỳ cấp không phải là văn bằng và học vị quốc gia. Nhà nước Hoa Kỳ không chịu trách nhiệm và không bảo lãnh về giá trị của chúng vì nhà nước không quản lý. Trường nào cấp thì chỉ trường ấy chịu trách nhiệm, do đó giá trị thực tế của các văn bằng và học vị ấy không giống nhau mà phụ thuộc vào danh tiếng của mỗi trường.
Cũng vì lý do này nên nhà nước liên bang Hoa Kỳ không thể ký kết các hiệp định công nhận tương đương học vị, văn bằng của các trường đại học Hoa Kỳ với học vị và văn bằng của một nước nào khác. Đây là một đặc điểm cần chú ý về mặt pháp lý khi đặt vấn đề công nhận tại nước ta văn bằng, học vị của các trường đại học Hoa Kỳ.
Lấy một thí dụ khác: Vấn đề tuyển sinh. Mỗi trường làm một kiểu và có những thủ tục, hồ sơ riêng, có trường tuyển sinh rất chặt chẽ, rất khó; có trường tuyển sinh dễ dàng; có trường rất thoải mái, ai muốn xin học đều nhận cả, miễn là nộp đủ tiền, thậm chí có loại trường “bán bằng” như ở ta gần đây gọi là “học giả, bằng thật” (loại này ở Hoa Kỳ gọi là degrees mill, tức là máy sản xuất bằng).
Vì vậy, trong các tài liệu của Hoa Kỳ giới thiệu cho sinh viên các nước khác muốn du học ở Hoa Kỳ, họ đều khuyến cáo là cần đề phòng các loại trường rởm.
Mặt khác đã hình thành ra các tổ chức phi chính phủ để giúp các trường tổ chức thi tuyển vừa thuận lợi, vừa có chất lượng hơn như các cách thi chung ký hiệu là SAT (standardized admission test: thi nhập học chuẩn hóa vào đại học), GRE (graduate record examination: thi yêu cầu vào sau đại học), TOEFEL (thi Anh ngữ cho du học sinh muốn vào học ở Hoa Kỳ) v.v..
Kết quả các kỳ thi này được nhiều trường đại học sử dụng trong việc tuyển sinh của mình, kết hợp với các tiêu chuẩn khác của riêng mỗi trường.
3. Nền đại học Hoa Kỳ là có sự phân hoá rất lớn về trình độ và chất lượng giữa các trường.
Hiện nay, Hoa Kỳ có khoảng bốn ngàn trường đại học (với các mô hình dài hạn 4 - 5 năm, có hay không có sau đại học, đại học ngắn hạn hay cao đẳng, bao quát đủ các ngành nghề) trong đó khoảng gần 3 ngàn trường công, hơn một ngàn trường tư.
Trong số này có vài chục trường là vào cỡ chất lượng cao nhất thế giới. Chính chất lượng và số lượng các trường này đã làm nên uy tín, sự hấp dẫn và ánh hào quang của nền đại học Hoa Kỳ.
Còn hàng ngàn trường khác thuộc loại trung bình, không có gì đặc sắc hơn các trường trung bình khác trên thế giới.
Lại có không ít những trường mà mục tiêu chủ yếu là kinh doanh giáo dục để thu lợi nhuận, trong đó có một số là trường rởm, “bán bằng”.
Ta cần tìm hiểu để học tập là tại sao có các trường chất lượng rất cao.
Đây là một vấn đề rất khó nhưng cũng rất lý thú. Sơ bộ, qua một số tài liệu, có thể nêu ra 4 lý do lớn sau đây:
- Một là thông qua việc để cho các trường được tự do phát huy sáng kiến nên đã xuất hiện một số trường vượt lên các trường khác, trở thành những trường có tiềm lực, có uy tín.
- Hai là có sự đầu tư rất lớn, tập trung vào các trường có tiềm lực vươn lên. Ngoài đầu tư của các bang, chính phủ liên bang trung ương tuy không có chức năng chỉ đạo và quản lý giáo dục nhưng đã dùng công cụ tài trợ về đầu tư thông qua các dự án ký kết với các trường có tiềm lực để thúc đẩy phát triển các trường đại học.
Một phần rất quan trọng nữa là đầu tư của các nhà tỷ phú kếch xù có tập quán làm việc “từ thiện” xã hội, nhất là về giáo dục đại học.
- Ba là chính sách thu hút nhân tài: Tuyển sinh rất chặt chẽ, thu hút học sinh giỏi trên thế giới thông qua học bổng và sau khi học xong nếu xuất sắc thì thu hút ở lại trường; thu hút các nhà khoa học giỏi trên thế giới về giảng dạy thông qua sự đãi ngộ cao và nhất là tạo điều kiện để làm nghiên cứu khoa học (không ít người được giải thưởng Nobel tuy thuộc quốc tịch Hoa Kỳ nhưng vốn là người nhập cư). Đây là hiện tượng mà người ta gọi là “chất xám của thế giới chảy về Hoa Kỳ”.
- Bốn là các trường đại học có danh tiếng đều là những trung tâm nghiên cứu khoa học vào cỡ lớn nhất của Hoa Kỳ. Một tỷ lệ lớn các nghiên cứu khoa học của nhà nước và của các xí nghiệp tư nhân đều giao cho các trường đại học có tiềm lực thực hiện thông qua các hợp đồng đầu tư.
Được tự do phát huy sáng kiến, lại được tập trung tiền, tập trung người tài, tập trung công việc quan trọng: đó là lý do làm phát triển các trường đại học có danh tiếng của Hoa Kỳ.
4. Về nội dung và phương pháp dạy và học:
Ở các trường đại học Hoa Kỳ, có một số điều đáng chú ý đã được nhiều nhà nghiên cứu giới thiệu rộng rãi như trong hai năm đầu học đại học, chú trọng các kiến thức văn hoá rộng, hai năm sau mới thực sự đi vào chuyên ngành, như bố trí việc học theo chế độ tín chỉ, thi cử dùng rộng rãi phương pháp trắc nghiệm, chú trọng việc tự học, tự nghiên cứu, thực hành có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo sư, như tạo ra sự quan hệ thân mật giữa giáo sư và sinh viên, v.v..
Nhiều bộ sách giáo khoa về toán và khoa học tự nhiên cho đại học được xuất bản ở Hoa Kỳ là những bộ sách có tiếng trên thế giới.
Liên hệ với phương pháp giảng dạy ở các trường của ta hiện nay (phổ thông và đại học) là thường đòi hỏi học sinh, sinh viên nói và viết đúng như bài giảng của thầy, như sách giáo khoa được thầy cho học sinh, sinh viên học, thì ở các trường trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, các thầy khuyến khích học sinh, sinh viên độc lập suy nghĩ, có những cách trình bày, thậm chí cả nội dung ý kiến khác với bài giảng, với sách giáo khoa, miễn là có lý lẽ và lập luận vững vàng và rõ ràng.
Đây là một điều mà chúng ta cần học tập, nhất là ở đại học (tất nhiên việc này phụ thuộc vào trình độ của thầy, cô).
Nói chung, các kinh nghiệm của nền đại học Hoa Kỳ đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Khi nghiên cứu học tập, cần chú ý phát huy được mặt tích cực, đề phòng và hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là cần đề phòng trong điều kiện hiện nay của nước ta, có thể chỉ phát triển mặt tiêu cực mà không có mặt tích cực (như vai trò của nhà nước bị thu hẹp đối với các trường đại học).
Đó là bài toán ta cần giải quyết tối ưu cho ta khi nghiên cứu học tập mô hình đại học Hoa Kỳ.
Theo Lê Văn Giạng
Tiền phong