Những cú sốc trước và sau khi đi du học
Dù được chuẩn bị tâm lý kỹ trước khi quyết định đi du học và đặc biệt là được học tập trong môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam, nhưng không ít bạn trẻ đã thực sự sốc khi đối mặt với thực tế lúc du học
Môi trường du học nước ngoài có thể xem là cơ hội cho du học sinh phát huy năng lực của bản thân cũng như học tập thêm được nhiều kinh nghiệm để khi trở về nước sẽ phát triển tài năng một cách tối đa nhất.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm mà nhiều du học sinh được biết đến qua những câu chuyện thành công. Còn mảng chìm đó là những cú sốc về tâm lý, môi trường văn hóa, chính trị ở nước sở tại và đặc biệt là cú sốc khi về nước tìm được công việc phù hợp khiến không ít du học sinh lao đao…
Sốc tinh thần khi ở nước sở tại
Trở về Việt Nam sau nhiều năm nhưng Chi Ngô (28 tuổi), Giám đốc phát triển thương hiệu Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt, TPHCM vẫn không quên được những bỡ ngỡ và cảm thấy sốc tinh thần khi trong thời gian du học tại trường đại học Victoria University ,thành phố Melbourne, Úc. Mọi thứ phải vận động từ A- Z chứ không như ở Việt Nam được bố mẹ “cưng như cưng trứng”.
Chi cho biết, mặc dù đã được chuẩn bị tâm lý kỹ trước khi quyết định đi du học và đặc biệt là được học tập trong môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam ở trường ĐH RMIT song vẫn không thể nào hòa nhập tốt được mà phải mất gần nửa năm trời để thích nghi.
“Cú sốc đầu tiên là nhớ nhà. Melbourne là 1 trong những thành phố lớn của Úc và rất hiện đại. Đường xá ở đây rất thông thoáng, nhiều cây xanh nhưng lại rất vắng người. Có thời điểm chỉ trong cùng 1 ngày nhưng lại có đến 4 mùa, không khí se lạnh, lá vàng rơi mà lòng cảm thấy nhớ nhà đến tột cùng. Không ít lần mình ôm mặt khóc 1 mình”, Chi kể.
Một cú sốc khác nữa cũng được nhiều bạn du học sinh gặp phải đó là môi trường sống. Đa số các bạn sinh viên khi đăng ký đi du học đều được các công ty giới thiệu rất hay về môi trường sống cũng như công việc làm thêm để trang trải trong quá tình học. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn gặp phải điều này.
“Có nơi 4- 5 bạn sinh viên cùng sống trong 1 căn nhà. Nói là nhà những thực chất là 1 căn phòng chật chội, vừa đủ cho 1 cái gường đơn và 1 chiếc bàn học nhỏ, thiếu cả không khí để thở”, Chi chia sẻ.
Cũng có trường hợp, nhiều phụ huynh cho con đi du học với hy vọng sang đó làm thêm gửi tiền về nên thế chấp hoặc vay tiền ngân hàng cho con đi học.
“Áp lực đè nặng nên nhiều du học sinh lao vào kiếm tiền kể cả dịp tết lẫn hè với đủ các loại công việc như trong đó đi làm farm (thu hoạch nông sản) là công việc phổ biến dù khá nguy hiểm và cực nhọc. Rồi trong lúc còn đi học thì tranh thủ làm thêm kiếm tiền nhưng lại trốn thuế. Nhiều bạn bị phát hiện và bị xử phạt rất nặng, thậm chí là bị trục xuất về nước…”, Chi kể và cho biết, cũng có nhiều bạn là con ông cháu cha. Du học là cái mác chứ học hoài, học mãi từ lúc vào đến lúc ra trường cũng vẫn học Anh văn là chính.
Một trường hợp khác cũng thường gặp với hầu hết các du học sinh đó là sống thiếu tình cảm. Chi ví dụ: “Nhiều bạn sang môi trường đó chỉ một thời gian ngắn là đã quen nhau hoặc về sống chung nhưng ở Việt Nam, bạn nào cũng có người yêu rồi, nhiều khi vì cô đơn quá nên kết đôi vậy thôi. Hoặc có một số bạn khác còn chọn việc quen một anh Tây nào đó rồi kết hôn để được lo cho ăn học hoặc có quốc tịch đến khi học xong hoặc có quốc tịch rồi khi không còn yêu thì bỏ...”.
Chi cho rằng, “Du học là tốt song phải biết xác định mục đích theo đuổi của mình là gì. Những khó khăn khi đi du học là đều không tránh khỏi nhưng bù lại, sau khi vượt qua được những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu thì bản thân sẽ nhanh chóng hoà nhập và học được rất nhiều đều bổ ích không chỉ là kiến thức sách vở mà còn là những kiến thức xã hội, khả năng tự lập hay cách đối mặt và giải quyết vấn đề…”.
Cú sốc lớn khi trở về Việt Nam
Đó là câu chuyện của chị Võ Thị Minh An, sắp tới là Giám đốc tuyển dụng nhân tài của Ngân hàng Techcombank, chia sẻ về thời gian khủng hoảng của mình khi chị bị sốc tâm lý và rơi vào trầm cảm sau khi về nước tìm việc trong Hội thảo Nghề nghiệp VietAbroader được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.
Võ Thị Minh An tốt nghiệp Thủ khoa Thạc sỹ Quản trị truyền thông Đại học Stirling (Scotland), bằng cử nhân kép hạng ưu chuyên ngành Quan hệ quốc tế và tiếng Pháp tại Đại học Mount Holyoke (Hoa Kỳ), đạt giải thưởng Outstanding Committment Awards của Quỹ Clinton Global Initiatives, được cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc đến 2 lần trong bài diễn văn của ông vì dự án tài chính vi mô cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam,
An cũng là một trong số ít nhân viên được các tập đoàn nước ngoài cân nhắc thăng chức trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, chặng đường trở về Việt Nam làm việc không hề dễ dàng chút nào.
Chị Võ Thị Minh An, Giám đốc tuyển dụng nhân tài của Ngân hàng Techcombank, chia sẻ về thời gian khủng hoảng ấy của mình khi chị bị sốc tâm lý và rơi vào trầm cảm sau khi về nước tìm việc
An cho biết, khi mới về Việt Nam, An rất tự tin với việc mình là một du học sinh đã đạt được nhiều thành tựu và bản thân cũng thông minh nhanh nhẹn. An ảo tưởng về bản thân, tin chắc rằng mình sẽ có công việc lương cao và vị trí quản lý với mình không là vấn đề.
Nhưng cuộc đời không như là mơ, suốt 4 tháng tìm việc, An vẫn không có được việc làm như ý dù đã gửi hồ sơ đi khắp mọi nơi và đi rất nhiều các buổi networking.
“Sau đó Mình được nhận một công việc khá là thấp so với kì vọng của mình là làm copywriter cho một trường đại học quốc tế. Đây là giai đoạn mình bị trầm cảm rất nặng vì không tìm thấy niềm vui trong công việc và nghi ngờ bản thân. Bên trong mình thời gian ấy mọi thứ như đổ vỡ, hình tượng bản thân trong chính mắt mình cũng hoàn toàn sụp đổ”, An chia sẻ.
Tiếp tục như thế này không ổn. An quyết định hành động khác đi, quên đi chức vụ mình chỉ là một copywriter và chủ động đề nghị với sếp để được điều phối một kế hoạch marketing cho ngành mới mở của trường, Fashion and Textiles Merchandising của RMIT.
“Vậy là mình tự làm từ việc lên kế hoạch triển khai, so sánh dữ liệu nghiên cứu thị trường, lên key concept, điều hành việc sản xuất các ấn phẩm và thực hiện chiến dịch marketing, và sắp xếp nguồn lực để thực hiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, chương trình được khởi động và khá thành công”, An nhớ lại.
Cũng trong thời gian khủng hoảng này, An đã đăng ký học khoá thạc sĩ. Và ở đây chị đã gặp được một anh bạn mà sau này là người giới thiệu cho chị một công việc rất tốt ở tập đoàn British American Tobacco - nơi khởi đầu cho sự bứt phá trong sự nghiệp của chị.
Sau này nhìn lại, chị mới cảm thấy rằng, đôi khi cách mình đối mặt với một sự việc nào đó trong cuộc đời sẽ dẫn đến những mối duyên rất khác nhau. Và những quyết định và thái độ đưa ra ở từng thời điểm đã dẫn chị gặp được những người mới, những sự kiện mới đưa mình đến vị trí hiện tại.
Hơn thế nữa, chị rút ra được là khi mình đi làm, được trả lương cho một vị trí, đặc biệt là ở những năm tháng chập chững vào nghề, nếu mình làm với tất cả niềm đam mê của mình, cống hiến nhiều hơn những gì thực sự mình được trả thì mọi thứ kiến thức lẫn kinh nghiệm sau này vẫn là của mình. Nên đừng hỏi vì sao tôi giỏi như vầy mà công ty không giao việc lớn, tại sao công ty không tiến cử tôi, và cảm thấy bất mãn rồi không cố gắng thể hiện bản thân tốt.
Nếu mình không dấn thân và thể hiện hơn vị trí mình đang đứng, thì làm sao có được sự tin tưởng của người khác để mình đi xa hơn?
Theo Nguyễn Dũng
Tiền phong