Trung Quốc:

Những cử nhân không chịu… rời xa trường

(Dân trí) - Hiện nay báo chí Trung Quốc có cụm từ “những kẻ bám trường” để chỉ những cử nhân tuy đã tốt nghiệp nhưng vẫn nấn ná ăn ngủ và sống tại các trường đại học của mình. Lý do là họ thấy thực tế của cuộc sống ngoài xã hội quá khó khăn.

Tuy đã học xong nhưng những cử nhân này vẫn tiếp tục sử dụng những trang thiết bị của nhà trường như phòng ký túc, quán ăn tự phục vụ, thư viện và thậm chí sân chơi.

Những cử nhân không chịu… rời xa trường  - 1
Một phòng ký túc xá ở Trung Quốc. Hiện ngày càng có nhiều cử nhân ở Trung Quốc tuy đã học xong nhưng không muốn rời xa trường. (Ảnh minh họa từ Chinadaily)

Yang Ming là một sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế quảng cáo ở Trường đại học Đức Châu, tỉnh Sơn Đông vào tháng 7 năm ngoái.

Sau khi làm việc trong ba tháng tại một công ty ô tô địa phương với vai trò là nhà thiết kế mỹ thuật, cô lại quay trở về trường để sống cùng một bạn cùng lớp trước đây hiện đang chuẩn bị thi cao học.

Yang cho biết mỗi năm trường cô có 100 phòng ký túc dành cho những cử nhân vừa tốt nghiệp và muốn ôn tiếp để thi cao học.

Và tháng 10 năm ngoái Yang đã ở lại, giả vờ là một thí sinh cao học, để “chiếm” một giường trong phòng ký túc.

"Mức lương của tôi đủ để thuê một chỗ trọ gần công ty. Nhưng tôi cảm thấy mọi người trong xã hội này không dễ trò chuyện, và họ phức tạp hơn nhiều so với những sinh viên đơn giản trong trường", Yang giãi bày.

Việc ở lại ký túc có nghĩa là Yang phải đi xe buýt mất nửa tiếng từ chỗ ở đến nơi làm, nhưng Yang nói cô vẫn thích thế này hơn, ít nhất là đến khi cô bạn thi xong.

Khi trong trường không có sẵn phòng ký túc, ở quanh trường cũng có nhiều nhà trọ rẻ tiền.

Chen Hongying, cử nhân tiếng Anh Trường đại học Hồ Bắc, thuê một căn hộ ở gần trường sau khi thi trượt cao học năm ngoái. Năm nay, cô sẽ lại thi lần nữa.

Với việc thức dậy lúc 7giờ sáng để ăn sáng tại quán ăn tự phục vụ của nhà trường, học trong thư viện trường nửa tiếng sau đó và ăn trưa lúc 12 giờ, Chen đang lặp lại lịch trình cuộc sống sinh viên hồi 1 năm trước.

"Tôi cảm thấy thật thoải mái khi ở trong môi trường mà mình đã quen thuộc. Hai người bạn cùng lớp của tôi đã đỗ cao học, và tôi thường ăn cùng với họ trong quán ăn tự phục vụ trong trường. Nếu tôi ở nhà, tôi không thể tưởng tượng hàng xóm sẽ nghĩ gì về tôi. Có khi họ sẽ tự hỏi: Tại sao tôi tốt nghiệp rồi mà vẫn ở nhà", Chen tâm sự.

Theo China News, ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Trịnh Châu, số lượng những cử nhân “không chịu lớn” như Yang và Chen lên tới hàng chục ngàn người.

Tang Haibo, phó giám đốc Trung tâm sức khỏe tâm lý tại Trường đại học Nam Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam, nhận định rằng hiện tượng này phản ánh việc sinh viên thiếu khả năng thích ứng với môi trường mới.

"Sau khi học xong và bước ra ngoài xã hội, sự thay đổi khiến các cử nhân nhớ lại cuộc sống êm ả ở nhà trường và họ muốn thoát khỏi xã hội. Họ chứng tỏ rằng mình phụ thuộc vào trường đại học và vẫn muốn tiếp tục sống trong “tháp ngà” ấy. Nhưng nếu họ chìm đắm trong sự an toàn mà trường đại học cung cấp cho họ, họ sẽ trở thành “ếch ngồi đáy giếng”, không bao giờ nắm bắt được cơ hội thích nghi với xã hội” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Xuân Vũ
Theo Global Times