Những con số bất ngờ sau 6 năm thực hiện đề án 322

(Dân trí) - Theo bảng 1 kết quả tuyển sinh sau đại học, số lượng đào tạo tiến sĩ theo đề án 322 đầy biến động: Năm 2000 chỉ có 23 tiến sĩ, năm 2001 tăng lên đến gần 305 tiến sĩ và đến năm 2002 lại tụt đi còn 166 tiến sĩ.

Đó là một trong những con số gây bất ngờ tại buổi hội nghị sơ kết các đề án đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (đề án 322) giai đoạn 2000-2006, do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay (20/3).

 

Trong 6 năm qua, đề án 322 đã ra quyết định trúng tuyển gần 2.200 thí sinh ĐH, SĐH tại 18 Hội đồng tuyển sinh tại các ĐH Quốc gia, ĐH khu vực và một số trường ĐH tiêu biểu cho nhóm ngành và có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh.

 

Trong khi nhu cầu đào tạo tiến sĩ ngày càng tăng thì số lượng đào tạo tiến sĩ (TS) ở đề án 322 năm nào cũng tụt. Năm 2003 có 193 TS, 2004 còn 111 TS, năm 2005 còn 106 TS và năm 2006 là 121 TS.

 

Số lượng đào tạo thạc sĩ, thực tập sinh cũng biến động không kém. Năm 2002, số lượng đào tạo thạc sĩ là 209 người; đến năm 2006 tụt xuống chỉ còn 80 người.

 

Tại bảng 5 thống kê về phân bổ ngành nghề đào tạo, ngành Kinh tế - Quản lý (lẽ ra là rất “hot” trong thời WTO) có tỷ lệ đào tạo giảm đáng kể trong năm 2006. Ngành Khoa học tự nhiên cũng sụt giảm rất đáng ngại.

 

Trong 6 năm, mức chi của đề án 322 tăng mạnh. Khoản chi ngoại tệ bao gồm thanh toán học phí, bảo hiểm y tế, vé máy bay và sinh hoạt phí cho LHS năm 2000-2001 là hơn 2,3 triệu USD; đến năm 2006, con số này tăng gần 9 lần với hơn 18 triệu USD.

 

Về chi trong nước bao gồm chi bồi dưỡng ngoại ngữ, chi cho các chương trình phối hợp đào tạo, chi bồi dưỡng chính trị cho LHS trước khi đi học, chi tổ chức hội nghị... năm 2002 mất gần 640 triệu đồng; năm 2006 đã tăng gấp 8 lần với gần 5 tỉ đồng.

 

Hiện nay,  quản lý các LHS chủ yếu dựa vào việc cấp sinh hoạt phí. Quy định kết quả báo cáo học tập 6 tháng một lần là cơ sở cho việc cấp sinh hoạt phí. Đã có 18 LHS bị buộc thôi học vì lý do không đủ khả năng học.

 

Mai Minh