“Những cô, cậu học trò Việt Nam đã níu giữ chân tôi”
(Dân trí) - “Đối tượng học sinh của tôi rất phong phú, nhưng tất cả đều yêu mến, tôn trọng tôi. Những ngày 20/11, trong nhà tôi tràn ngập hoa, và tiếng chuyện trò ríu ran của các bạn trẻ. Điều mà khi ở Anh, tôi không bao giờ có được”, bà Caroline Turner, giáo viên tiếng Anh tại VN tâm sự.
Vì sao bà lại quan tâm nhiều đến học sinh Việt Nam như vậy?
Ngay cả khi dạy tiếng Anh cho rất nhiều người nước ngoài sống ở Luân Đôn tôi cũng chưa bao giờ có được cảm giác yêu nghề như ở Việt Nam. Khi mới sang đây, tôi dạy nghiệp vụ sư phạm và tiếng Anh cho các giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Sau đó hai năm, tôi dạy cho các phóng viên báo Nhân Dân, làm biên tập viên và hướng dẫn kỹ năng đọc tiếng Anh cho các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện giờ, tôi dạy ở khoa tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội. Ngoài ra, là những buổi đi dạy cho những người chuẩn bị ra nước ngoài học tập và làm việc, rồi tôi dạy cả cách phát âm chuẩn cho các ca sĩ hát tiếng Anh...
Những ngày 20/11, trong nhà tôi tràn ngập hoa, những món quà xinh xinh và tiếng chuyện trò ríu ran của các bạn trẻ. Điều mà khi ở Anh, tôi không bao giờ có được. Chính điều đó đã khiến tôi quyết định ở lại Việt Nam sau khi đã hoàn thành 2 năm tình nguyện thuộc Tổ chức tình nguyện viên xuyên Quốc gia.
Hơn 40 năm trong nghề dạy học, hơn 4 năm sống ở Việt Nam, bà Caroline Turner luôn mong ước kiếm được nhiều tiền để mở một Trung tâm giới thiệu việc làm cho những học sinh của mình.
Bà tâm sự: “Các em học sinh của tôi nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung rất chăm chỉ, chịu khó và học giỏi. Nhưng khi ra trường các em khó tìm được công việc như mong muốn, hoặc ngược lại, các cơ quan, công ty cũng không dễ tìm được đúng đối tượng sinh viên tốt nghiệp với năng lực mình cần”. |
Bà còn thấy điều gì thú vị khi ở Việt Nam nữa?
Người phụ nữ ở đây có được rất nhiều ngày lễ của mình, 14/2, 8/3, 20/10, kể cả 20/11. Đồ tơ lụa thì tuyệt vời. Tôi rất thích nấu các món ăn Việt Nam. Cũng là do các học sinh dạy tôi đấy. Tôi có thể làm nem, rang cơm khá ngon. Tôi thích ăn hủ tiếu và nhất là phải ăn ngoài đường chứ không phải vào một quán ăn sang trọng. Vì hình như khi ăn vỉa hè, các món ăn có thêm hương vị nào đó khiến chúng ngon hơn rất nhiều.
Hàng ngày, tôi đi chợ mua thức ăn vào buổi sáng. Với các loại rau quả, tôi thường ngâm nước muối và rửa lại nhiều lần để tránh bị ngộ độc. Ngay cả điều đó cũng thật thú vị với tôi vì tất cả đều là do các em học sinh hướng dẫn. Có điều tôi mong ước có sự cân bằng hơn nữa giữa cuộc sống của những phụ nữ nông thôn và thành phố Việt Nam.
Thế là bà đang có 2 ước mơ lớn cho học sinh và phụ nữ Việt Nam, còn ước mơ cho riêng mình?
(Cười) Dĩ nhiên ai chẳng mong có cuộc sống riêng hạnh phúc. Và thú thật, tôi ước mình cũng biết đi xe máy giỏi như phụ nữ Việt Nam.
Bà có thường xuyên về thăm nhà không?
Đây là nhà của tôi mà. Mặc dù nước Anh là nơi tôi đã sinh ra, nhưng không hiểu sao mỗi khi về Anh, tôi như đi nghỉ, còn quay lại Việt Nam lại như trở về nhà. Nhưng thú thật thu nhập của tôi không nhiều để đi lại thường xuyên. Lương của tôi cũng như tất cả các giáo viên khác ở Viện Đại học Mở, tất cả các khoản khoảng hơn 3 triệu đồng.
Xin cảm ơn bà!
Kiều Nga – Mai Anh